Trang

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Tên của người đứng bên trái bức hình : Hiến Pháp VNCH

Tên của người đứng bên trái bức hình
Blogger: 
Trần Trung Đạo

Bức hình này truyền đi trên internet khá lâu nhưng đến nay chưa ai biết người đứng bên trái là ai và tên anh là gì. Anh đứng im lặng không nói một lời nhưng không có nhiệt kế nào có thể đo được luồng máu nóng đang dâng trào khi phải nghe Hoàng Phủ Ngọc Tường nhục mạ chế độ cộng hòa mà anh đang bảo vệ. 


Thật ra cũng không khó biết lắm. Tên đúng của anh là Hiến Pháp VNCH và tiểu sử của anh được ghi rất rõ trong phần mở đầu của giấy khai sinh do chủ tịch Quốc hội Lập hiến Phan Khắc Sửu ký ngày 18 tháng 3 năm 1967: “Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể cộng hoà của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.” 

Ngoài phần mở đầu hùng hồn nêu trên, chuyên chở trong suốt 9 chương và 117 điều của Hiến pháp 1967 là nền tảng của chế độ cộng hoà, qua đó, quyền lãnh đạo đất nước như chỉ rõ trong điều 3, do ”Ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hoà để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự do, Dân chủ và Công bằng xã hội”. 

Về căn bản, không có nhiều khác biệt giữa Hiến pháp VNCH 1967 và Hiến pháp Nam Hàn 1948 được tu chỉnh lần cuối vào năm 1987. Điểm khác nhau chính giữa Nam Hàn và Nam Việt Nam là cơ hội. 

Nam Hàn có cơ hội để biến những ước mơ của dân tộc Triều Tiên gói ghém trong hiến pháp của họ để ngày nay là nước giàu mạnh nhất nhì châu Á. Miền Nam Việt Nam thì không. Chế độ cộng hoà tại miền Nam Việt Nam ra đời và lớn lên trong một hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, trong đó các nguyên tắc dân chủ đã trở thành con dao hai lưỡi. Chính con dao dân chủ hai lưỡi đó đã đâm vào thân thể của chế độ cộng hoà hàng trăm vết thương đau đớn từ ngày mới ra đời cho đến gục xuống trong tức tưởi sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Khao khát đích thực và mục đích cuối cùng của tất cả những ai đang tranh đấu cho một Việt Nam tương lai phải chăng cũng chỉ nhằm xây dựng một Việt Nam “đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau” ? Đúng vậy, không có mục đích nào tốt đẹp và cao quý hơn.

Thế nhưng mới đây Tôn Thất Lập, không biết ngượng miệng khi tuyên bố VNCH “không có chính nghĩa ..đi ngược lại đường lối của dân tộc”. Tôn Thất Lập và các chuyên viên biểu tình gây rối ở Sài Gòn trước đây sao không tự hỏi, ai đã bảo vệ, che chở cho họ dù biết họ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Sài Gòn Gia Định? Chính người đứng bên trái bức hình đã bảo vệ họ. Chính Hiến pháp VNCH đã bảo vệ họ. Tôn Thất Lập và đồng đảng còn sống sót đến hôm nay cũng nhờ hiến pháp đó. 

Đảng Cộng sản Việt Nam độc diễn và trấn áp không phải 4 năm như ông Thiệu mà 37 năm liên tục, Tôn Thất Lập và các “lãnh tụ xuống đường” thử ném một trái bom xăng vào trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản xem sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét