Trang

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Báo Trung Quốc cổ súy du lịch trái phép Biển Đông

TPO – Trung Quốc gần đây ráo riết mở rộng du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thời báo Hoàn Cầu hôm 21-2 còn lớn tiếng cổ súy hợp tác phát triển du lịch biển Đông.
Coconut Princess rời đất liền tới Hoàng Sa của Việt Nam ngày 6 - 4 - 2012. Ảnh: Chinanews.com
Coconut Princess rời đất liền tới Hoàng Sa của Việt Nam ngày 6 - 4 - 2012. Ảnh: Chinanews.com .
Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) lập luận rằng việc hợp tác phát triển du lịch như một biện pháp giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông bất chấp Việt Nam đã có những tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền trên Biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tờ báo thường có những bài viết hiếu chiến này dẫn giải rằng các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực đã tiến hành các cuộc nghiên cứu về Biển Đông bằng việc lập các công viên hải dương: Năm 1988, Phillippines ra mắt Công viên Tự nhiên Tubbataha Reefs. Năm 1980, Indonesia có Vườn Quốc gia Komodo, Malaysia thành lập Công viên Hải dương ở đảo Swallow Reef. Năm 2007, Đài Loan cũng có công viên hải dương Đông Sa.
Để cổ súy cho du lịch trái phép trên Biển Đông, thời báo Hoàn Cầu viết rằng việc phát triển du lịch biển còn giúp tránh được việc tàn phá sinh thái biển do hoạt động đánh bắt cá trái phép gây nên, giúp bảo vệ các rạn san hô và các nguồn tài nguyên khác khỏi sự tàn phá của con người.
Sau khi dẫn giải dài dòng về những gì đã diễn ra và những “lợi ích” của hợp tác du lịch trên Biển Đông , cuối cùng báo Hoàn Cầu cũng lộ rõ chủ ý của bài báo là nhằm bao che cho việc mở rộng phát triển tuyến du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo báo Hoàn Cầu, việc mở cửa du lịch trên quần đảo Hoàng Sa và phát triển tài nguyên du lịch trên cái gọi là thành phố Tam Sa được đánh giá cao trong việc xây dựng đảo du lịch quốc tế. Báo Hoàn Cầu ngang nhiên viết rằng: phát triển du lịch trên quần đảo Hoàng Sa cũng là dịp để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Trung Quốc cho xây dựng phi pháp trụ sở hành chính của cái gọi là TP Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Trung Quốc cho xây dựng phi pháp trụ sở hành chính của cái gọi là TP Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ráo riết triển khai tuyến du lịch Hoàng Sa trái phép
Tờ Thương báo Thâm Quyến ngày 20/11/2012 từng đưa tin Trung Quốc đang gấp rút chuẩn bị khai thông tuyến du lịch đến Hoàng Sa - hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Trước đó, ngày 12 - 11 - 2012, tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin rằng tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc 18, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Nam là ông La Bảo Minh cho biết tàu sẽ sớm đưa khách du lịch từ tỉnh này tới TP Tam Sa (thuộc Hoàng Sa của Việt Nam). Theo Tân Hoa xã, tàu có thể chở được 300 khách, với mức chi phí 10.000 NDT (hơn 32 triệu đồng) cho mỗi du khách. Ngoài việc trước đây tỉnh Hải Nam công bố sẽ sử dụng loại tàu biển chở khách mang tên Coconut Princess vào phục vụ tuyến du lịch Hoàng Sa, theo tờ Thương báo Thâm Quyến, Trung Quốc còn dự kiến sẽ sử dụng kết hợp với các loại tàu biển cao cấp, sang trọng hơn và máy bay trực thăng vào phục vụ tuyến du lịch này.
Tuyến du lịch đường biển đến Hoàng Sa đã được tỉnh Hải Nam xác định, tức điểm xuất phát sẽ từ Hải Khẩu, Tam Á đến Bắc Tiêu (chính là Đá Bắc của Việt Nam) và các đảo phụ cận thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo giới thiệu, du khách có thể lên đảo tham quan trong khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, du khách có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ thuê tàu nhỏ ra thăm đảo Vĩnh Hưng (thực chất là đảo Phú Lâm của Việt Nam), tham quan các địa điểm du lịch thuộc các đảo xung quanh hoặc tham gia các hoạt động câu cá, lặn…
Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có thêm những hoạt động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị từng khẳng định “Những hoạt động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10-2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Những việc làm của phía Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị."
T.Đ - P.Y

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét