Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Blogger Paulus Lê Văn Sơn và bản án 13 năm

Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới
Chúng tôi muốn lên án và chứng minh với công luận rằng luận cứ Việt Nam đưa ra là vô lý. Thông tin chúng tôi đưa ra cho thấy toàn bộ cáo buộc của Việt Nam là không có thực, giả tạo nhằm bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích nhà nước.
Một tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế công bố bằng chứng chính minh một blogger vừa bị Việt Nam kết án 13 năm tù về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ là vô tội. Blogger Lê Văn Sơn là một trong 3 bị can lãnh án cao nhất trong nhóm 14 nhà hoạt động Công giáo trẻ cổ súy cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam bị tuyên án hôm 9/1 với cáo buộc tham gia các hoạt động với đảng Việt Tân ở hải ngoại.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF có trụ sở tại Pháp nói các bản án Hà Nội đưa ra dựa trên các cáo buộc giả tạo khi cho rằng Sơn tham gia khóa huấn luyện đấu tranh bất bạo động của Việt Tân tại Thái Lan hồi tháng 7/2011.
Blogger Paulus Lê Văn Son
​​
Bằng chứng RSF là gì, có tính thuyết phục ra sao? Trong cuộc trao đổi với Trà Mi hôm 11/1 ngay sau khi công bố thông cáo báo chí, ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức RSF, cho biết:
Bấm vào đây để nghe bài phỏng vấn

Benjamin Ismail: Chúng tôi công bố tấm ảnh chụp Lê Văn Sơn tham gia khóa huấn luyện với tổ chức Phóng viên Không biên giới trong khoảng thời gian cuối tháng 7 năm 2011. Khóa học mà cáo trạng của Việt Nam đề cập tới trong khoảng thời gian đó là khóa huấn luyện của RSF chúng tôi chứ không phải là của Việt Tân. Cáo trạng của Việt Nam đã đưa ra thông tin sai cho nên chúng tôi tin rằng Sơn đã bị kết tội dựa vào những những cáo buộc giả dối.

Trà Mi: Khóa huấn luyện của RSF được tổ chức ngày nào, thưa ông?

Benjamin Ismail: Chúng tôi không thể tiết lộ tất cả mọi chi tiết của khóa huấn luyện RSF tổ chức vì có liên hệ tới các thành viên tham gia khác nữa. Tuy nhiên, chúng tôi có thể xác quyết rằng khóa huấn luyện đề cập tới trong cáo trạng của Việt Nam đối với Sơn thật ra là khóa huấn luyện của chúng tôi.

Trà Mi: Nhưng ông quả quyết rằng ngày giờ của khóa huấn luyện mà cáo trạng Việt Nam nói là Sơn tham gia với Việt Tân trùng khớp hoàn toàn với ngày giờ khóa huấn luyện Sơn tham gia với RSF?

Benjamin Ismail: Điều chúng tôi đoan chắc là vào thời điểm đó Sơn có mặt tại Bangkok vì chúng tôi tổ chức chuyến đi của Sơn tới đây để tham gia chỉ mỗi khóa huấn luyện của RSF chứ không có một khóa huấn luyện nào khác vào lúc đó.

Trà Mi: Ông có tìm hiểu xem cáo trạng của Việt Nam nói về khóa huấn luyện mà họ cho là Sơn tham gia với Việt Tân có nêu ra ngày giờ nào khác nữa ngoài khung thời gian cuối tháng 7/2011 không, thưa ông?

Benjamin Ismail: Thời gian họ đề cập tới trùng hợp với thời gian của khóa huấn luyện chúng tôi tổ chức mà Sơn tới tham gia. Tòa đã thiếu thông tin, đã có sai sót ngay từ đầu.

Trà Mi: Làm thế nào RSF có thể chứng minh rằng khóa huấn luyện mà Sơn tham gia với RSF đã diễn ra vào đúng khoảng thời gian mà cáo trạng nói tới chứ không phải ở một thời điểm nào khác?

Benjamin Ismail: Chúng tôi không thể tiết lộ công khai các chi tiết cụ thể về khóa huấn luyện của chúng tôi vì an toàn-an ninh cho những người tham gia. Nhưng tôi chắc chắn là tòa án Việt Nam không thể chứng minh được là Sơn tham gia một khóa huấn luyện nào khác tại Bangkok vào thời điểm đó vì Sơn chỉ tham dự duy nhất một khóa huấn luyện của chúng tôi vào thời điểm đó mà thôi. Thậm chí nội dung khóa huấn luyện mà cáo trạng nhắc tới đúng là nội dung khóa huấn luyện của RSF chúng tôi. Nếu họ phản bác thì họ phải chứng minh rằng có một khóa huấn luyện khác cùng thời điểm mà Sơn cùng lúc tham gia. Tôi tin chắc 100% rằng họ không thể chứng minh được điều đó. Chúng tôi muốn lên án và chứng minh với công luận rằng luận cứ Việt Nam đưa ra là vô lý. Thông tin chúng tôi đưa ra cho thấy toàn bộ cáo buộc của Việt Nam là không có thực, giả tạo nhằm bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích nhà nước.

Trà Mi: Nếu nhà cầm quyền Việt Nam không cân nhắc tới bằng chứng RSF đưa ra, ông nghĩ thế nào?

Benjamin Ismail: Chúng tôi thật sự mong rằng Việt Nam sẽ xem xét đến lời khai chứng của chúng tôi. RSF sẵn sàng hợp tác và có cách cung cấp những thông tin cần thiết hầu chứng minh Lê Văn Sơn vô tội. Nếu Hà Nội hô hào là một chính phủ tôn trọng nhân quyền thì họ có trách nhiệm phải xem xét tới thông tin này.

Chứng cớ RSF vừa công bố công khai có thể giúp ích thế nào cho nhà hoạt động trẻ Lê Văn Sơn? Chúng tôi hỏi thăm đại diện pháp lý của Sơn, luật sư Nguyễn Thị Huệ. Bà cho biết:

Luật sư Nguyễn Thị Huệ: Trong hồ sơ thể hiện rằng Sơn có tham gia khóa học tháng 7/2011 tại Thái Lan tên là Quang Trung 711. Luật sư bào chữa theo hướng Sơn vô tội vì có ít nhất ba người tại tòa như bị cáo Hồ Đức Hòa, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nông Hùng Anh nói rằng không biết Sơn và không gặp Sơn trong khóa học đó.

Trà Mi: Ngoài ra trong hồ sơ vụ án có đưa ra một khoảng thời gian nào khác, cáo buộc Sơn tham gia các khóa học nào trong thời điểm nào khác không hay chỉ có trong khoảng thời gian cuối tháng 7/2011 thôi, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Thị Huệ: Trong cáo trạng chỉ nói rằng Sơn tham gia khóa học đó thôi, vào thời gian đấy thôi, không nói tới một khóa học nào khác. 

Trà Mi: Và họ khẳng định khóa học đó là do Việt Tân tổ chức?

Luật sư Nguyễn Thị HuệVâng đúng.

Trà Mi: Phản hồi của bị cáo Sơn thế nào, anh nhận hay không nhận?

Luật sư Nguyễn Thị Huệ: Bị cáo Sơn trong suốt quá trình làm việc với cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa gần như Sơn không khai gì hết và Sơn không nhận tất cả các hành vi. Trong hồ sơ đưa ra nội dung là Sơn đã tham gia khóa học đó. Luật sư thấy không có đủ căn cứ để cho rằng Sơn đã tham gia khóa học đó, cho nên luật sư nói rằng Sơn không tham gia Việt Tân trong thời gian đó.

Trà Mi: Với chi tiết Phóng viên Không biên giới vừa đưa ra, luật sư nghĩ có cơ sở để vụ án của Lê Văn Sơn được mở lại hay được điều tra bổ sung thế nào không?

Luật sư Nguyễn Thị Huệ: Tất nhiên nếu có bằng chứng Sơn không tham gia khóa học đó (với Việt Tân) thì rất tốt cho Sơn.

Trà Mi: Khả năng có thể xin được điều tra bổ sung hay mở lại vụ án của Sơn như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Thị Huệ: Vụ án mới là sơ thẩm.

Trong 15 ngày các bị can có thể kháng cáo. Trong quá trình kháng cáo có thể có những tình tiết mới có thể đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ các tình tiết chưa thỏa đáng, chưa đủ căn cứ.

Trong khi blogger Lê Văn Sơn không khai nhận gì trước cáo buộc của Việt Nam rằng khóa học Sơn tham gia tháng 7 năm 2011 tại Bangkok là của Việt Tân, RSF nói đó là khóa huấn luyện của họ tổ chức cho các blogger tại một số nước Đông Nam Á nói về tác dụng và cách quản trị của các trang mạng xã hội trong việc cổ súy tự do thông tin và tự do internet tại các nước bị nhà cầm quyền kiểm duyệt gắt gao. Vậy ý kiến của tổ chức Việt Tân thế nào? Đáp câu hỏi của Trà Mi, đảng Việt Tân nói họ “xác nhận những gì RSF đã loan báo về blogger Lê Văn Sơn là chính xác”. Tổ chức chính trị cổ súy dân chủ cho Việt Nam có trụ sở ở Mỹ nói “việc tham dự các khóa huấn luyện không có gì sai và là quyền của mọi người. Việt Tân cũng tố cáo rằng “trong bản cáo trạng của Việt Nam có rất nhiều dữ kiện không đúng, điển hình là vấn đề cáo buộc blogger Lê Văn Sơn đã tham dự một khóa học của đảng Việt Tân vào cuối tháng 7/2011.”

Trái với mô tả của báo chí nhà nước rằng blogger Lê Văn Sơn là đối tượng phản động nguy hiểm, có những hoạt động nhằm ‘lật đổ chính quyền nhân dân’, các trang báo công dân, các trang mạng truyền thông xã hội độc lập, những người biết đến Sơn và các công việc anh cùng các bạn tình nguyện viên của truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế và của tổ chức thiện nguyện mang tên Ban Bảo Vệ Sự Sống nói Sơn là một thanh niên khao khát một xã hội công bằng, dân chủ và nhân quyền được tôn trọng. Ít ai biết rằng chàng trai 8x đầy nhiệt huyết, luôn tích cực trong các công tác từ thiện giúp đỡ người khác lại xuất thân từ một gia đình khốn khó đầy nghịch cảnh.

Ông Đỗ Văn Phẩm, người cậu cưu mang Sơn, cho biết: Gia đình Sơn chỉ có một mình Sơn thôi. Hoàn cảnh gia đình thì quá khổ sở. Mang tiếng là có bố, nhưng bố không nhìn ngó gì đến cháu từ lúc mới sinh ra. Chỉ có mẹ với bên ngoại không thôi. Bên ngoại cũng khó khăn, nhưng cũng cố gắng tạo điều kiện cho cháu ăn học vì mẹ Sơn là con đầu bên ngoài. Gia đình mỗi người hùn vô mỗi tí cho cháu ăn học đàng hoàng. Cháu học hết đại học du lịch thì cháu đi làm. Mẹ cháu bệnh tật, ốm đau nặng, mất mùng một tháng tư năm ngoái. Đến giờ cháu cũng chưa biết mẹ cháu mất. Gia đình không dám cho cháu biết. Cháu đang bị cái bức xúc như thế mà cho cháu biết sợ cháu uất quá.

Trà Mi: Sơn đã tốt nghiệp đi làm, công việc làm của Sơn thế nào và các hoạt động chính trị-xã hội của Sơn, gia đình có được biết không?

Ông Đỗ Văn Phẩm: Cháu đi tour du lịch hướng dẫn cho khách. Những ngày rỗi, cháu đi làm từ thiện, đi xin của người giàu phân phát cho người nghèo, đi nhặt các thai nhi bị vứt bỏ. Cháu cứ làm từ thiện vậy thôi chứ không làm gì sai cả.

Trà Mi: Ông có hy vọng trong phiên phúc thẩm mọi chuyện sẽ thay đổi với chi tiết mới RSF vừa đưa ra hay không?

Ông Đỗ Văn Phẩm: Tôi có gặp cháu một lần trong thời gian cháu bị giam giữ hơn 1 năm. Cháu dặn tôi về nói với mẹ và gia đình rằng: ‘Cháu là người vô tội, Việt Nam bắt cháu, nhưng cháu vô tội thì cũng chả làm gì được cháu đâu. Cứ yên tâm về cháu.’  Cháu hiện giờ là trụ cột trong gia đình. Cháu không có tội mà giam giữ cháu như vậy thì gia đình tôi cũng hết lòng bức xúc, nhưng không làm gì được cả. Khóa truyền thông họ dạy như thế, Sơn lại càng vô tội. Gia đình chăm sóc cháu từ lúc mới sinh ra tới giờ cháu 27, 28 tuổi, rất hiểu tính cháu. Cháu không làm gì mất lòng ai cả. Cháu chỉ có yêu thương người. Những tiếng nói của cháu chỉ là bảo vệ cho dân thôi, chả làm gì nên tội mà nhà nước Việt Nam kết án tới 13 năm. Gia đình bức xúc quá. Giờ gia đình cũng mong các đài truyền thông quốc tế và thế giới yêu cầu Việt Nam thả các con người vô tội ấy ra thôi.

Trà Mi: Ông hy vọng truyền thông quốc tế lên tiếng, nhưng ông có hy vọng Việt Nam sẽ thay đổi bản án cho Sơn không?

Ông Đỗ Văn Phẩm: Theo tôi, có thay đổi cũng chả được mấy năm đâu. Họ đã ghép cho cháu như vậy rồi. Cháu nói cháu không có tội nên cháu không khai một cái gì cả. Cho nên, họ ghép cho cháu tội nặng vì cứng đầu vậy thôi.

Trà Mi: Ông có được tin Sơn có quyết định kháng cáo hay không?

Ông Đỗ Văn Phẩm: Cũng chưa có một tin gì. Tôi gọi điện thoại cho phòng điều tra công an tỉnh, hỏi thăm cháu đang bị giam ở đâu để đi gửi ít áo ấm và đồ ăn cho cháu trong thời tiết rét mướt này. Công an tỉnh nói không biết Sơn ở đâu, thì dân như tôi biết làm sao được. Sức khỏe cháu giờ sa sút vì rét và luật sư có cho biết là mấy đợt đồ lúc trước tôi gửi vào trong trại ở số 1 Hỏa Lò mà cháu không nhận được gì cả. Cháu thiếu ăn, thiếu mặc, nên sa sút.

Tạp chí Thanh Niên vừa cùng các bạn tìm hiểu một số thông tin về vụ án của nhà hoạt động trong độ tuổi 20 từng được Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới RSF đề cử Giải thưởng Cư dân mạng Quốc tế năm 2012, blogger Lê Văn Sơn.

Theo các bạn, người bạn trẻ này có tội hay không? Quan điểm của các bạn căn cứ trên những cơ sở nào? Xin mời các bạn chia sẻ và bình luận cùng các độc giả khác trong mục Ý kiến ngay bên dưới bài đăng trên trang nhà voatiengviet.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét