Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

"Trung Quốc có thể châm ngòi xung đột Biển Đông"


(VnMedia) - Kế hoạch của Trung Quốc về việc cho phép lực lượng cảnh sát xông lên lục soát và truy đuổi tàu thuyền “đi lại bất hợp pháp” trong khu vực mà nước này coi là lãnh hải của họ ở Biển Đông có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột hải quân và làm ảnh hưởng đến nền kinh tế trong khu vực. Đây là lời cảnh báo vừa được Tổng thư ký Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – ông Surin Pitsuwan đưa ra ngày hôm qua (30/11).

Theo ông Pitsuwan, kế hoạch của Trung Quốc là “một bước ngoặt rất nghiêm trọng” trong diễn biến tình hình ở Biển Đông.

"Nó chắc chắn sẽ làm tăng mức độ lo ngại của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là những bên cần tiếp cận, đi lại và cần sự tự do ở khu vực biển này”, ông Surin cho Reuters biết qua đường dây điện thoại từ Thái Lan.

Trong phát biểu sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ một cách khác thường, Tổng thư ký ASEAN – ông Surin cảnh báo, kế hoạch của Trung Quốc có thể gây ra một vụ việc lớn làm ảnh hưởng đến niềm tin vào khu vực Đông Á – một đầu tàu kinh tế của thế giới.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt NamBruneiMalaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm khu vực biển này. Điều đó đã được thể hiện rõ qua lập trường, chính sách và những hành động của Trung Quốc trong thời gian vài năm trở lại đây. Những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây đang khiến nhiều nước láng giềng bất bình.

Hồi tháng 4, người ta đã chứng kiến một cuộc đối đầu quyết liệt kéo dài gần 2 tháng giữaPhilippines và Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough. Đây là vùng lãnh hải ở Biển Đông mà cả Manila và Bắc Kinh đều nhận là thuộc chủ quyền của mình.

Sau cuộc đối đầu với Philippines, Trung Quốc tiếp tục có những hành động hiếu chiến, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Mới đây, hôm 22/11, Trung Quốc lại khiến các nước trong khu vực, trong đó có cả Ấn Độ, nổi giận với thông báo về việc nước này đưa bản đồ gây tranh cãi, trong đó có những vùng lãnh thổ tranh chấp, vào trong hộ chiếu phổ thông cấp cho người dân.

Ngày hôm nay, Trung Quốc lại có thêm động thái làm căng thẳng tình hình Biển Đông bằng thông tin nước này cho lực lượng cảnh sát tuần tra biên giới quyền được xông lên khám xét và truy đuổi tàu thuyền nước khác hoạt động trong vùng lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông.

Luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1 tới sẽ cho phép lực lượng cảnh sát ở tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc, xông lên lục soát và chiếm giữ những tàu nước khác mà nước này tuyên bố là “đi vào vùng lãnh hải của Trung Quốc một cách bất hợp pháp”. “Cảnh sát cũng có quyền bắt các con tàu này phải chấm dứt hành trình và đổi hướng”, tờ China Daily – tờ báo chính thức của Trung Quốc, cho biết.

Sau khi thông tin về luật mới của Trung Quốc được đưa ra, Philippines đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Sau Philippines, đến lượt Tổng thư ký ASEAN cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm nay đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về luật mới trên cũng không cho biết cụ thể thế nào là “hành động đi lại bất hợp pháp” của tàu thuyền các nước khác ở Biển Đông.

"Tất cả các nước đều có tự do hàng hải ở Biển Đông tuân theo luật quốc tế... Hiện tại, không có vấn đề gì", ông Hồng Lỗi cho biết đồng thời nói thêm rằng, Bắc Kinh muốn giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng thông qua đàm phán.

Khi được hỏi về kế hoạch cho lực lượng cảnh sát xông lên tàu thuyền của các nước khác, ông Hồng Lỗi cho biết, việc quản lý các vùng biển theo luật là “quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền” ".

Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu sự lo ngại của các nước đối với luật mới của Trung Quốc, Bắc Kinh đã nói rằng, nước này “rất coi trọng” sự tự do hàng hải ở Biển Đông – vùng biển chứa một số trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét