Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

“Dân oan xuyên thế kỷ” Lê Thị Kim Thu ra tòa

Danoan2012 (Danlambao) - Thứ năm ngày 27 tháng 12, năm 2012, dân oan Lê Thị Kim Thu “ra tòa” tại huyện Vĩnh Cữu, tỉnh Đồng Nai về tội “mơ hồ/thổ tả/giáng họa” là “phá hoại tài sản nhân dân”. Phiên tòa này là lần thứ hai vì lần thứ nhất, ngày 15-11-2012, bị đình hoãn vì quan tòa bị bắt tội hối lộ. Lịnh bắt thì chỉ có tạm giam 2 tháng để điều tra, nhưng đến nay gần 6 tháng mới đem ra xử.

Chuyện bị bắt đơn giản như vầy: Vào tối thứ sáu ngày 7-7-2012, lực lượng công an hùng hậu cùng dân phòng khoảng 40 người, vây nhà đọc lệnh bắt giam Lê Thị Kim Thu (LTKT) hai tháng để điều tra về tội “phá hoại tài sản nhân dân”; cũng bắt thêm hai người em trai (lúc bị bắt không có lệnh nhưng khi bị hỏi lịnh bắt người thì công an gọi về đồn ký lệnh, rồi sai dân phòng đi lấy để hợp thức hóa việc bắt giữ); và đồng thời bắt thêm hai anh em phụ làm công. Tất cả là 5 người cùng một tội và bị giam giữ như nhau, tuy rằng hai em của LTKT chỉ vì bênh chị phụ đập một mảnh tường và hai anh em người mướn phụ đập tường chỉ vì được mướn. 

Nguyên nhân cũng đơn giản chỉ vì đập bức tường: Đó là chuyện NHỎ ở huyện, nhưng bị xé TO để bắt người. LTKT cùng hai em và hai anh em người làm mướn chỉ đập một mảnh tường NHỎ (theo báo cáo điều tra của công an nó trị giá 13 triệu 500 ngàn, khoảng 600 đôla) thì đó chỉ là chuyện NHỎ tranh chấp hàng rào ngăn gà vịt ở thị trấn mà thôi. Nhưng, lệnh bắt thì TO, do công an điều tra tội phạm nhúng tay vào và giam giữ gần 6 tháng nay thì thiệt đúng như là “CHUYỆN NHỎ HÓA TO”. Suy luận luật của csvn về tội “phá hoại tài sản nhân dân”, người dân thấy ngay rằng việc xử TO hay NHỎ là tùy theo tiền bạc hoặc tùy theo “chỉ thị của lãnh đạo/chi bộ đảng” căn cứ vào “lý lịch người phá hoại” đã có tên nằm trong hồ sơ mật: “Đối tượng cần quan tâm” hay không? Dân oan LTKT có tên trong danh sách đó nên nó là chuyện TO. 

Tại sao phải đập bức tường? Vì “Chính quyền không xử, nhân dân tự xử”: Khi LTKT đang bị ở tù ở Hà Nội vì tội biểu tình đòi đất cũng như chống Tàu Cộng năm 2007, thì ở nhà hai bên hàng xóm, một “người quen” (vì là cán bộ ai cũng biết) và một “người lạ” (đang núp bóng) xây tường lấn chiếm bên hông và nguyên thửa đất phía sau nhà, đường bức tường chạy giống như “lưỡi bò”. Còn “người quen”, ông Hoàng Tất Được (cán bộ), xây nguyên căn nhà bên hông còn lại. Ở nhà, chỉ có mình mẹ già nên không ngăn cản được bọn côn đồ/côn an. Chừng khi ở tù về, LTKT làm “đơn tố cáo” nhưng không ai ngó ngàng, đành phải làm “đơn có điều kiện”, nếu “Chính quyền không xử, nhân dân tự xử”. Nhưng đường từ thị trấn xuống nhà, đi bộ chỉ dăm mười phút, nhưng không cán bộ nào ghé xuống được. Thế thì tường bị đập. Và “người lạ” vô tư nói rằng hôm qua mưa gió làm sập để xây lại bước tường lần thứ hai. Lần này “người lạ”, Nguyễn Hoàng Tấn, lộ diện với cuốn sổ đỏ mới tinh chưa ráo mực để xây bức tường không giống như bức những tường trước. Nó được căn cứ trên miếng đất trong cuốn sổ đỏ là hình thang nằm ngang và đít lớn đâm vào bên hông phần mặt tiền nhà LTKT. Thế thì người dân lại đi kiện củ khoai nữa. Chính quyền cũng không thèm phân xử, họ cứ nói căn cứ vào cuốn sổ đỏ mà thi hành và bất chấp những đơn tố cáo về tính “thật thà” của quyển sổ đỏ. Cuối cùng, LTKT tự xử, đập bức tường xây lần thứ hai. Kỳ này chính quyền nhẩy vào... nhưng, không phải xét xử “người lạ” mà bắt LTKT về tội “phá hoại tài sản nhân dân”. 

Xét ra rằng: 

1. Tranh chấp hàng rào xâm chiếm bất hợp pháp trên 20 năm nay với biết bao đơn thưa kiện, LTKT không bao giờ được đối diện với láng giềng là bà Mai Ngọc Châu phải trái đôi lời về sự lấn chiếm này, thì đùng một cái, “người lạ Nguyễn Hoàng Tấn” ở đâu ra mặt với cuốn sổ đỏ mới tinh khôi dùng để xây tường rào, rồi cán bộ vin và tin vào đó là sự thật để bắt nhố̉̉t những ai đập tường. Giả sử điều này đúng thì những hành vi xâm lấn bao lần trước phải là sai. Suy ra như vậy thì tại sao không ai bắt bà Mai Ngọc Châu đã nhiều lần lấn đất? Và không ai bắt ông Nguyễn Hoàng Tấn về những hành vi xây tường lấn chiếm gần như trọn vẹn đất nhà LTKT trong khi chưa có sổ đỏ? Nên nhớ ngày cấp sổ đỏ là sau ngày xây tường lần thứ nhất. 

2. Tranh chấp lấn chiếm đất đai hơn 20 năm, thưa gởi biết bao giấy tờ, rồi bao nhiêu công văn chỉ thị cấp trên đưa xuống,... sao không thấy chính quyền giải quyết mà chỉ hành tội và xử người dân ở một bên, tại sao không dám đem phía bên kia ra cùng xử? 

Chuyện tranh chấp hàng rào hàng xóm kể ra thật đơn giản, nhưng với thời gian quá dài hơn một đời người mà tại sao không cán bộ nào giải quyết được? Vậy LTKT là ai mà mắc phải nỗi oan khiên này? 

Thân sinh LTKT là lính Nghĩa quân tiểu khu Biên Hòa (trước đó là lính Biệt Kích), sau mất nước chịu không nổi sự trả thù hèn hạ và trù dập của cán bộ địa phương... nên đem gia đình lên vùng Kinh Tế Mới, bây giờ là thị trấn Trị An. Cả gia đình cùng hàng trăm gia đình khác mà hầu hết là lính Việt Nam Cộng Hòa, đã đỗ mồ hôi nước mắt, ngay cả sinh mạng để khai phá rừng nguyên sinh, sơn lam chướng khí, bằng đôi tay mà nhà cầm quyền chỉ cung cấp 6 tháng gạo để sinh sống (ai đã từng lên vùng KTM sẽ thấy hiểu cảnh đọa đày này). 

Đến năm 1983, mọi người tạm có đất thổ cư và canh tác sinh sống thì chính quyền nhân danh xây dựng đất nước, huy hoạch hồ Trị An mà tịch thu hầu hết đất đai và đẩy dân đi sâu vào trong rừng. Một lần nữa, dân lại phải khai phá... Riêng gia đình LTKT thì không được đền bù và tái định cư, phải ở nhờ ở đậu. Sau này vì sinh kế, LTKT xin vào cơ quan xã ấp làm thơ ký nên được cấp mãnh đất để ở. Căn nhà gỗ cấp 4 nghèo nàn vẫn còn và hình ảnh hàng rào năm xưa vẫn còn đây, đó là bằng chứng không chối cãi được “chủ quyền”. 

Chuyện tưởng yên, nhưng uất ức lại bắt đầu khơi dậy khi mà “những mãnh đất đẹp/vàng ngọc bị ăn cướp” được cắm cọc phân chia cho cán bộ, lớp ở, lớp bán, lớp cho mướn, lớp cắm cọc dành cho cháu chắt... LTKT cùng các dân oan đứng lên tố cáo sự sai trái đó đến nỗi “nhà báo lề phải” phải vào cuộc. Nhưng, cũng không làm gì được việc và kết quả là dân oan bị khống chế bởi những hăm dọa về sinh mạng cũng như kinh tế. Thế thì không ai dám tiếp tục đòi đất vì gốc gác mình là Việt Nam Cộng Hòa đang bị chế độ phân biệt đối xử, duy chỉ mình LTKT không khuất phục, nên thân gái một mình ra vườn hoa Mai Xuân Thưởng sống lây lất cùng mưa gió hơn 10 năm làm thân phận “con kiến đi kiện củ khoai”. 

Khi ở chung với những dân oan khác, LTKT mới biết rằng không chỉ có mình “bị cướp đất” mà hầu như trên toàn đất nước, ở đâu cũng có dân oan. Nên, LTKT chợt có những ý nghĩ khác là biến sự đấu tranh riêng tư của mình thành của chung. Và cũng từ đó, LTKT cùng dân oan cả nước đứng lên đấu tranh chống bất công, đòi công lý và không từ việc gì trong khả năng để giúp dân oan. 

Có thể nói, LTKT là một trong những người đầu tiên dám dẫn dân oan đi giữa lòng Hà Nội mà chống chính quyền, chống bất công, đòi công lý... Việc này làm cho LTKT bị kết án 15 tháng tù nhưng sau cùng vì áp lực bên ngoài nên được thả sớm. Và bây giờ tù tội tiếp vì dư âm của những việc làm xa xưa như: 

1. Đã cùng dân oan vườn hoa Mai Xuân Thưởng biểu tình. 

2. Đã có hằng trăm bức ảnh, phỏng vấn và video clips là "bằng chứng không thể chối cãi" về sự độc tài, áp bức, bất công của chế độ. 

3. Đã vạch mặt và tô lên mặt chế độ một "vết nhơ dân oan" trong lịch sử mà đảng csvn không thể xóa bỏ được. 

Như vậy, có thể nói LTKT là "Biểu Tượng Dân Oan" một thời và có thể sẽ mãi mãi vì những chuyện đã làm và sẽ làm tiếp, nên nhà cầm quyền không bao giờ để LTKT yên thân vì: 

1. Làm sao để LTKT thành biểu tượng dân oan, để tiếp tục cùng dân oan 63 tỉnh thành tranh đấu đòi công lý? 

2. Làm sao để LTKT đòi được đất cho mình cũng như 480 héc-ta đất quanh vùng hồ Trị An và đất của dân oan trên cả nước? 

3. Làm sao ngăn được sự bất khuất trong lòng LTKT mà lúc nào cũng muốn tham gia cùng bạn trẻ tranh đấu cho một Việt Nam vẹn toàn? 

Kết luận, “Và ta cũng đã tỏ tường rồi”, chắc rằng lúc nào LTKT cũng bị vây chặt bởi công an/an ninh hoặc bốn bức tường. Mai này ra tòa, không biết lành dữ ra sao, chỉ biết cầu nguyện và cầu mong quý vị phổ biến tin này để ít ra mọi người hiểu được thế nào là dân oan trong chế độ cộng sản. 
21-12-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét