Trang

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Học sinh cấp 1 đã được luyện nói dối

(Đất Việt) Trẻ em cần được hình thành nhân cách ngay từ nhỏ, vậy mà hiện nay, không ít học sinh cấp một đã được “luyện” nói dối khi đến trường.
Tôi có đứa cháu nhỏ học lớp 4 một trường tiểu học tại quận Đống Đa, Hà Nội. Cứ mỗi dịp thi cử, kiểm tra, cháu lại “thì thầm” nhờ bà thắp hương hộ. Vặn hỏi, cháu mới cho hay là để gặp may mắn hơn trong lúc làm bài. “Cô giáo cháu nói, lúc kiểm tra phải để ý, nếu chép bài phải khéo để không để có giáo khác, hay giám thị hành lang phát hiện”.
Trẻ cần được hình thành nhân cách ngay từ nhỏ
Và cháu cũng cho hay, trước mỗi lần thi cử, cô giáo đều gọi điện trước cho các bạn trong lớp đến học thêm. Những buổi này, chúng cháu được cô luyện cho các bài tập giống y hệt với bài kiểm tra. Để hôm kiểm tra thật, ai cũng làm được, còn bạn nào quên thì khéo léo giở bài tập ra chép. Tuy nhiên, cô căn dặn chúng cháu không được nói với ai là cô bảo thế. 

Kiểm tra lại những bài cháu học, tôi thực sự giật mình khi thấy cháu hổng kiến thức làm toán, những cũng hết sức khâm phục vì đáp án, và các con số tính toán lại rất chuẩn. Bởi lẽ, thay bằng việc nhẩm cửu chương, các cháu sẽ dùng máy tính để làm toán cho nhanh. 

Càng giật mình hơn khi cháu thổ lộ, ở lớp các bạn đều làm thế và khi hết học kỳ, cả lớp đều đạt học sinh khá, giỏi. Vậy là, len lỏi trong đầu óc trẻ, đó là cách tính toán, mưu mẹo, máy móc để có thể đạt được điểm cao vượt qua các bài kiểm tra. 

Những ngày gần đây, trên mạng xôn xao chuyện một bé trai lớp 3 than phiền với mẹ về cô giáo chủ nhiệm “không dễ thương, dịu dàng, cô hay la mắng các bạn, giọng cô chát chúa đến chói tai”. Cô cũng hay xé vở của học sinh và mỗi lần xé cô lại mắng: “Cứ cái đà này, phòng giáo dục mà xuống chấm thi “Vở sạch chữ đẹp” thì các cô, các cậu lớp này rớt đầu tiên”. Thế nên các bạn trong lớp không thích cô chút nào, vì cô không thương trẻ. “Mới hôm qua, cô la tụi con và mắng bạn H. dốt trong học tập. Vậy mà khi mẹ bạn H. đến đón, cô cười khen bạn H. vì nhà bạn H. rất giàu, thường hay tặng quà cho cô”.

Khi phụ huynh này có ý định gặp cô giáo chủ nhiệm để  góp ý thì ngày hôm sau cô cho cả lớp “Viết những suy nghĩ, cảm nhận của em về cô giáo chủ nhiệm”. Và thật bất ngờ khi bài viết của bé trai là những lời ca ngợi về cô giáo: “cô có giọng nói như chim hót. Mỗi lần cô giảng bài là chúng em chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời. Cô rất dịu dàng với chúng em, quan tâm rất kỹ đến mọi hoạt động của chúng em... Cô như một người mẹ hiền ở trường tiểu học...”.

Đọc bài văn, vị phụ huynh thấy lạnh hết sống lưng. Đến tối, lựa lời hỏi con, cậu chàng tỉnh bơ nói: “Thì con phải viết như thế để yên ổn học hết năm lớp 3 này chứ. Con mà viết như những gì con nói với mẹ thì chắc cô cho con ở lại lớp quá”. Một đứa bé 8 tuổi đã biết phải nói dối để được lợi cho bản thân mình, đó là điều rất đáng lo lắng.

Có thể thấy, trong nhà trường căn bệnh thành tích đang mọc rễ, lan tỏa. Thầy cô mong trò của mình ngoan, học giỏi để chứng tỏ thầy cô dạy giỏi. Đây là căn cứ để thầy cô được khen thưởng, cuối năm được bầu lao động tiên tiến, cao hơn nữa nhiều năm dạy giỏi sẽ được phong là thầy giáo ưu tú. Và trên nữa là cái mốc để trường đạt chuẩn của ngành giáo dục. Thế nhưng, mốc son hào nhoáng ấy lại dễ làm hỏng nhân cách của thế hệ trẻ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét