Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

An Cư chẳng có, Lạc Nghiệp cũng không


Cổ nhân có câu: “An Cư Lạc Nghiệp”. Thật vậy, dù người ta có làm gì, ở đâu thì trước tiên phải có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, kế đó mới có thể ổn định và phát triển sự nghiệp. Đó là chân lý và lẽ thường xưa nay, cũng là một quan niệm về cuộc sống nhân sinh của chúng ta vậy.
Một dãy phòng trọ của Công Nhân
ở quận Bình Tân - TP.Hồ Chí Minh
Việt Nam ta, kể từ đảng Cộng Sản cai trị đã mấy mươi năm. Đây là đảng của giai cấp Công Nhân và nhân dân lao động, giai cấp được coi là tiên phong cách mạng. Theo đó mà suy, thì người lao động ở Việt Nam bây giờ thực sự giàu có và hạnh phúc, đặc biệt là người Công Nhân. Sự thực lại trái ngược với điều đó, khi mà người Công nhân phải sống thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Những điều kiện tối thiểu để đảm bảo cho cuộc sống của họ không hề được đáp ứng: Đó là nơi ở và việc làm. Họ phải bươn chãi để tự tìm kiếm công việc, tự lo chỗ ở cho mình với một mức lương hạn hẹp. Bởi vậy mà sự an cư, lạc nghiệp của người Công Nhân còn lắm nổi gian nan.
Hiện nay, đất nước đang trong tiến trình “Hiện đại hoá – Công Nghiệp hoá”. Ngoài mấy trung tâm công nghiệp lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn và Đà Nẵng thì hầu như địa phương nào cũng có ít nhất một vài khu công nghiệp cho riêng mình. Kéo theo đó là lực lượng lao động ở các địa phương đổ về các trung tâm này để làm việc. Ngoài các tệ nạn môi giới, lừa đảo việc làm hay bóc lột người lao động, thì ở đây chúng ta chỉ nói đến sự gian khổ và thiếu thốn nơi ăn chốn ở của người Công Nhân lao động.
Mức lương thu nhập hiện nay của người Công Nhân là rất thấp, trung bình chỉ từ 2 – 3 triệu đồng/tháng, nhiều nơi chỉ ở mức 1,5 triệu đồng/tháng. Họ không được các công ty bố trí nhà ở, vì vậy mà phải tự tìm kiếm chỗ trọ cho mình. Với mức lương như vậy, mọi chi tiêu đều gộp trong đó, thì điều dễ hiểu là người công nhân khó mà tìm được cho mình một chỗ trọ tươm tất. Sự an cư vì vậy khó mà được như ý. Họ chỉ có thể tìm cho mình những chỗ trọ nhếch nhác và thiếu thốn đủ thứ tiện nghi. Mức thuê mỗi phòng trọ này có giá chỉ từ 500 – 700 ngàn đồng/tháng, chẳng những vậy họ còn phải rủ nhau 3 – 5 người ở chung một phòng. Vì như vậy sẽ tiết kiệm được tiền, dành phần lương còn lại cho các khoản chi tiêu khác. Thử đặt mình vào vị trí của người công nhân, các bạn sẽ thấy họ phải tài năng thế nào mới có thể làm được những phép tính tằn tiện cho sự chi tiêu của mình. Làm sao mà vẫn sống được với mức lương đó để còn sức cho chủ lao động tiếp tục bóc lột cái thân thể còm cõi của mình. Người Công Nhân (giai cấp tiên phong lãnh đạo cách mạng) phải tính toán chi tiêu từng đồng bạc lẻ, còn các quan chức (đầy tớ của nhân dân) lại giải trí bằng cách đánh mỗi ván cờ tướng trị giá 5 tỉ đồng?. Thế mà chưa thấy đình công phản đối, quả là sức chịu đựng của người Công Nhân xứ ta cũng thật dẻo dai và mãnh liệt dường bao.
Những ngôi nhà trọ vách bằng ván ép, mái tôn, nền xi măng ẩm thấp là nơi ưa thích của người Công nhân khi thuê trọ. Không phải vì họ thích gian khổ và thiếu thốn, mà họ buộc phải chấp nhận như vậy, họ không có sự lựa chọn nào khác. Trung bình mỗi người công nhân chỉ có khoảng 2 m2 để ăn, ở và ngủ nghỉ. Nơi vệ sinh công cộng lại rất bẩn thỉu và hôi hám, vô cùng ảnh hưởng tới sức khoẻ của chủ nhân thuê trọ. Mùa hè, những dãy nhà trọ dài lê thê này nóng hầm hập bởi mái tôn hấp thụ nhiệt rất tốt, người Công nhân như bị quay chín tại nơi ở của mình. Máy điều hoà thì chắc chắn là không rồi, vì vậy dù có bật cái quạt điện cũ chạy hết công suất cũng không thể cải thiện được nhiệt độ trong phòng. Chẳng những vậy, họ còn thường xuyên chịu cảnh thiếu điện nước, luôn lo sợ nạn mất cắp và thiếu trị an.
Chợ lao động: Những người thất nghiệp 
đang chờ để bán sức lao động
Lực lượng lao động, và đặc biệt là lao động nhập cư hiện nay đang gia tăng ở Việt Nam. Nguyên nhân chính là sự phát triển của các khu công nghiệp. Điều này thu hút người lao động từ các địa phương đổ về tìm kiếm việc làm. Vấn đề nhà ở cho người Công Nhân là điều cấp thiết và không thể né tránh. Người lao động cần có chỗ ở tốt hơn cho mình trước khi họ được ổn định công việc. Nhà nước hay các công ty sử dụng lao động không thể mãi vô cảm và vô trách nhiệm đối với đời sống của người công nhân, lực lượng chính để “Hiện đại hoá, công nghiệp hoá” đất nước. Nghe đâu Chính phủ có chủ trương xây dựng nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp. Chờ mãi chẳng thấy địa phương hay khu công nghiệp nào thực hiện điều này, chỉ thấy họ cướp đất của dân để bán, trong khi người công nhân thì mãi bơ vơ tìm nơi ăn chốn ở cho mình.
Với thực trạng trên, quả là an cư chẳng có, lạc nghiệp cũng không đối với người Công Nhân Việt Nam hiện nay.
Để ghi nhớ cảnh này, Minh Văn tôi có xúc cảm mà làm mấy câu thơ sau:
Búa Liềm đã mấy mươi năm
Mà dân lao động ăn nằm chẳng yên
Lang thang đi khắp ba miền
Áo cơm chẳng có nhân quyền cũng không

Kể từ thống nhất non sông
Toàn dân lưu lạc vào vòng bể dâu
Công Nhân giai cấp đi đầu
An cư lạc nghiệp ở đâu bây giờ?
Mong rằng từ nay về sau, người Công Nhân ở nước ta không còn phải chịu cảnh như vậy nữa.

minhvanvietnam.blogspot.com/2012/11/an-cu-chang-co-lac-nghiep-cung-khong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét