Trang

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Phạm Thanh Nghiên - Biển vẫn còn réo gọi

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Những ngày trước khi vào tù Nghiên viết: "Chúng ta, không những phải nỗ lực lấy lại những gì đã mất, mà còn phải ngăn chận những gì sẽ mất trong tương lai. Một người, chúng ta sẽ không thành công. Một ngày, một tháng, một năm là quá ngắn để đạt được mục đích. Nhưng với nhiều công dân Việt Nam, bằng trách nhiệm, lương tâm và lòng yêu nước, bằng chiều dài cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ thành công trong việc tiếp nối sự nghiệp cứu nước và giữ nước của tiền nhân." 

4 năm trôi qua. Không phải 1 ngày, 1 tháng, 1 năm nhưng ròng rã 4 năm trời Nghiên đã âm thầm trả giá cho trách nhiệm, lương tâm, lòng yêu nước và một chiều dài cuộc sống của Nghiên.

Ngày hôm nay, Nghiên lại trở về trong vòng tay yêu thương của Mẹ, gia đình, bạn bè thân thương. Trở về để làm Nghiên thấp thỏm, hồi hộp, không ăn không ngủ được trong chờ đợi - như lời Nghiên nói. 

4 năm dài nhưng vẫn còn đó cô gái mà khi vào tù "cân chi li ra cũng chưa được 36 kilo" ra tù vẫn còn nguyên vẹn ý chí sắt đá và lòng trung kiên với lý tưởng của mình: 

"Những gì tôi đã tranh đấu, đã làm trước kia tôi khẳng định là chính nghĩa, là đúng, xác định con đường của mình là chính đáng, là đúng thì mình vẫn tranh đấu, bởi vì tôi quan niệm rằng những người vì dân tộc mình là tranh đấu thì sẽ không bao giờ thất bại nếu mình không lùi bước. Vì những giá trị tự do, vì những giá trị công bằng thì mình không bao giờ thất bại cả..." 

Xin mở rộng vòng tay chào đón người con gái xứ cảng hoa Phượng với nhiều thương yêu và cảm phục. 

Nhớ hôm nào Nghiên lặn lội đến với ngư dân nghèo khó Thanh Hóa, những người dân hiền hòa, bám biển của Hoằng Trường và Hòa Lộc đang khóc thầm vì máu mủ ruột thịt của mình bị cướp đi bởi hải tặc mang tên đồng chí Lạ. Lúc ấy, chưa có những màn "góp đá Trường Sa", chưa có bài ca "vì biển đảo quê hương", chưa có những vở tuồng "điểm tựa của ngư dân" của đảng, của nhà nước, của dàn đồng ca tuyên giáo. Chỉ có Nghiên, người con gái gầy gò, nhỏ bé của xứ cảng Hải Phòng đã đến, đã khóc cùng đồng bào của mình. Lúc chia tay, Nghiên trao cho những gia đình ngư dân khốn khó vài món quà nhỏ bé. Thế mà Nghiên vẫn gọi phôn cho những người bạn hảo tâm để gia đình ngư dân trò chuyện với họ, cho biết đã nhận quà từ họ và Nghiên chỉ là người chuyển giao. Hành động đơn giản đó là một trong nhiều góc cạnh nói lên vóc dáng nhân cách của Nghiên. 

Ngày Nghiên bị bắt, bạn bè lo lắng vô cùng. Tinh thần và ý chí của Nghiên thì bạn bè đều đã biết, không phải lo lắng nhiều cho Nghiên. Nhưng thể xác của Nghiên, người bạn 36 kilo này làm sao chịu nỗi 4 năm tù đày. Đêm Nghiên đón giao thừa đầu tiên trong tù, nghĩ đến Nghiên tôi loay hoay với những câu thơ vô nghĩa: 

em về giữa bốn thước vuông
thằn lằn chắt lưỡi: ngồi đây làm gì?
trả lời: tọa kháng tại gia
người ta không chịu nên mời vào đây
con ruồi rớt giữa bàn tay
đậu lên nỗi nhớ chưa quen đêm ngày
ở ngoài ma quỷ vây quanh
trong này yên ắng chỉ ruồi với em... 

Bốn năm trước, Nghiên về giữa bốn thước vuông vì "dám" biểu tình yêu nước ngay trong nhà của mình để bày tỏ thái độ chính đáng trước quân xâm lược. Trong suốt thời gian Nghiên bịngười ta mời vào đây ấy: 

Biển đảo vẫn tiếp tục dậy sóng. 
Mười mấy cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước vang lên trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội. 

Ngư dân vẫn bị cướp bóc, bắt giam trên vùng biển đảo của tổ tiên. 
Những cuộc xuống đường bảo vệ biển đảo bị chào đón bởi gót giày, nắm đấm, xe buýt, đấu tố và trại phục hồi nhân phẩm. 

Lãnh đạo vẫn cúi đầu với những câu thần chú quan hệ Việt Trung là di sản nghìn đời để lại cho thế hệ mai sau, hữu nghị Việt Trung không thể bị ảnh hưởng bởi vấn đề biển Đông. Và trước những vây hãm, chèn ép, Trịnh Kim Tiến, chị Bùi Hằng, chị Trần Thị Nga cũng đã có lần như Nghiên - phải biểu tình thể hiện lòng yêu nước tại gia. 

4 năm trôi qua...
Chắc hẳn Nghiên đã già đi trông thấy. 
Đất nước này cũng đã già đi, 
khô héo và bệnh tật bởi những con ký sinh trùng bên trong nội tạng 
và bầy muỗi hút máu từ bên ngoài. 
Chúng ta, bạn bè của Nghiên - tất cả đều đã già đi trong khoảnh khắc 4 năm ấy. 

Đêm giao thừa năm xưa, nhớ đến Nghiên, lúc ấy không biết mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây phút Nghiên làm gì, nghĩ gì. Bây giờ được nghe Nghiên nói: 

"Nhà tù quả thật là một điểm lý tưởng để có thể tích lũy được những hiểu biết về cộng sản, có thể giúp chúng ta nhìn rõ hơn về bộ mặt của chế độ". 

Mới biết nhà tù đã "cho" Nghiên thêm được vài kilo. Và nhà tù, như bạn bè của Nghiên biết chắc, biết rõ, vẫn không giam nỗi ý chí "Những gì tôi đã tranh đấu, đã làm trước kia tôi khẳng định là chính nghĩa, là đúng, xác định con đường của mình là chính đáng..." của Nghiên. 

Đêm giao thừa năm ấy, nghĩ đến Nghiên và người mẹ của Nghiên trong căn phòng cứ mãi rộng rinh thêm, tôi nghĩ đến những em thơ, những số phận mẹ con, và những mãnh đời héo hắt: 

Thuở ấy. Mẹ thiếu nữ 18. 
Mẹ đi lấp hố bom. Mẹ Trường Sơn tải đạn. Mẹ đào hầm địa đạo. Mẹ sinh bắc tử nam. 

Ngày ấy. Mẹ tuổi con gái chưa chồng, ôm mơ ước những đứa con khôn lớn, được sống đời con người. Không như đời mẹ. 

Đêm nay. Con của Mẹ 18. 
Ngồi bán mực nướng ở quán bia Xiêm Rệp. 
Lẻo đẽo trước tiệm uốn tóc làng Việt Nam - Svay Pak mời khách mua dâm. 
Mặc váy ngắn đứng bán trầu trong những lồng kính đèn màu đêm Taoyuan. 
Co mình nằm dưới người đàn ông không răng ở con hẻm Chung Li. 

Đêm nay. Những đứa con của Mẹ, tuổi con gái không chồng, ôm mơ ước những đứa con đừng bao giờ có. Để không như đời Mẹ bây giờ. 

Và đêm nay. 
Có Nghiên của Mẹ già đi một tuổi. 
Nằm yên trò chuyện với chú thằn lằn đơn độc. 
Miên man kể về ước mơ cho bầy con của những bà Mẹ đang còn năm, sáu tuổi. 

Đêm nay. 
Có Mẹ già đi mười tuổi. 
Buổi sáng buổi trưa buổi chiều buổi tối, 
gian nhà cứ mãi rộng rinh thêm. 

Hôm nay gian nhà rộng rinh thêm đó trong suốt hơn 4 năm qua thôi còn hiu hắt. Mẹ Lợi đã có con gái Nghiên trong vòng tay. Buổi sáng mẹ ra vườn hái rau sẽ có con gái bên cạnh mẹ. Nhưng chắc chắn rằng bình an như rau cỏ sẽ khó mà đến được với Nghiên khi đất nước đang hấp hối bởi thù trong giặc ngoài và biển Đông vẫn đang dậy sóng, uất ức biển ta ơi vẫn réo gào. 

Sẽ khó mà tìm được bình an trong bất hạnh của dân tộc. 

Sẽ càng khó hơn vì đó là Nghiên - người con gái thân yêu của mẹ Lợi và mẹ Việt Nam chỉ biết ngẩng mặt không biết cúi đầu, chỉ biết đứng không biết quỳ. 

4 năm... 

Vẫn còn đó nguyên vẹn dáng đứng gầy gò nhỏ bé nhưng kiên cường như núi của Phạm Thanh Nghiên. 

Đứng lên để đem mây ngàn trở về sông núi cũ. 
Đem ý chí xây dựng lại núi hùng sông tráng. 
Đem khát vọng xua đi bóng mây đen trên vòm trời tổ quốc đến cho nhiều người. 
Đem ươm mầm để một ngày cây xanh đổ bóng mát hiền cho thế hệ đàn em. 

Vẫn còn đó, với Nghiên, với bạn bè những đêm nhìn mây trắng bay từ góc tối nhà tù - nhỏ hoặc lớn  - cùng nhau nuôi dưỡng khát vọng ngày mai sẽ là những ngày nhìn trời xanh trong biếc với những cơn mưa rào tưới mát cỏ xanh, trên một đất nước toàn vẹn, người và người thương yêu nhau trong tự do, dân chủ và công bằng. 

Ngày đó còn xa. 

Ngày hôm nay, gần gũi, chúng ta đã có lại được Phạm Thanh Nghiên. 

1 nhận xét:

  1. chào đón Nghiên về nhà với gia đình và bè bạn.

    Trả lờiXóa