Trang

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Mở ải 'Nam Quan' cho giặc tràn vào

David Thiên Ngọc (Danlambao) - "...Ngày xưa nước Tàu chỉ có một Hán gian như Ngô Tam Quế mở cửa ải Sơn Hải Quan cho giặc tràn vào thôn tính Trung Nguyên mà người đời dựng hình nộm đề tên để phỉ nhổ, nguyền rủa muôn đời. 

Ngày nay VN thì có quá nhiều yêu tinh lộng hành bán biển đảo, đất đai rừng núi, đồng bằng phố nội, giao ải cho giặc tự do vào ra lúc nào cũng được để nuốt gọn giang san... thì ta biết đưa tên quỉ quái, yêu tinh nào lên hình nộm dựng ngay cửa Ải Nam Quan để con cháu đời đời nguyền rủa?..."
*
Để bắt đầu bài viết tôi xin mượn một nhân vật trong lịch sử TQ để làm lời dẫn:

Ngô Tam Quế (1612-1678) là một đại tướng nhà Minh (TQ) trấn thủ "Sơn Hải Quan" (Hà Bắc, TQ ngày nay) án ngữ biên cương phía đông bắc Trung Hoa. Một cửa ải tối quan trọng ngăn chặn quân Mãn Thanh luôn đe dọa Trung Nguyên. Năm 1644 nhận thấy nội tình chính trị nhà Minh đã đến lúc suy tàn, nguy cơ sụp đổ rất lớn, Ngô Tam Quế đem lòng phản trắc, mưu cầu danh lợi... đã thông đồng với quân Mãn Thanh mở toang cửa ải Sơn Hải Quan cho quân Mãn tràn vào, cáo chung triều đại nhà Minh, chiếm toàn bộ Trung Hoa và lập nên triều đại nhà Mãn Thanh. 

Để thưởng đại công trên triều đình Mãn Thanh phong Ngô Tam Quế làm Bình Tây Vương trấn thủ Vân Nam, uy lực cả một góc trời, cao sang vọng lọng. 

Dưới mắt người Hán thì Ngô Tam Quế là một trong những "Đại Hán Gian" cũng như Tần Cối nhà Tống. Để làm gương cho người đời sau, tại Sơn Hải Quan người ta dựng lên một hình bù nhìn và ghi tên Ngô Tam Quế, mọi người qua lại đều nhổ nước bọt lên mặt hình nhân và chửi rủa thậm tệ. Sơn Hải Quan mãi còn đó và Hán gian Ngô Tam Quế không bao giờ phai trong tiềm thức dân tộc Hán. 

Đọc lịch sử Tàu và nhìn lại thời cuộc của đất nước VN trong thời gian qua ta lại ngẫm nghĩ và thấy có những điểm tương đồng. Thế nhưng với thời hiện đại mọi lĩnh vực trong xã hội đều biến thiên một cách không tưởng, do đó trong hành động xâm lăng hay phản dân bội nước, mưu cầu danh lợi nó cũng tiến lên ở bậc tinh vi hơn. 

Âm mưu thôn tính VN và bá quyền cả vùng Đông Nam Á là giấc mộng ngàn năm trong thẳm sâu tiềm thức của mỗi triều đại bắc phương. 

Năm 1963 của thế kỷ trước, chính Mao Trạch Đông trong một buổi tiếp Lê Duẩn ở Bắc Kinh với sự có mặt của Đặng Tiểu Bình và Trường Chinh. Mao Trạch Đông đã khẳng định rằng ông ta là chủ tịch của hơn 500 triệu nông dân TQ đang thiếu chỗ ở và đất canh tác, cho nên ông phải đưa người TQ đến ở những nơi này (Đông Nam Á). 

Vào thời phong kiến, một nước lớn xâm lăng một nước nhỏ thì cứ ngang nhiên xua quân vào chiếm cứ, lập làng mạc và xây dựng chính quyền rồi đặt ách cai trị. Ngày nay với ý thức hệ dân chủ hướng đến toàn cầu, do đó hành động xâm lăng được biến tướng sang một hình thái khác tinh vi và bài bản cao siêu hơn. 

Để thôn tính và Hán hoá cả vùng bao la này (ĐNÁ), tập đoàn đảng CSTQ trong hậu bán thế kỷ 20 đóng vai trò kẻ cả, là quân tử (nguỵ) giúp cho CS VN nhiều tiền của, vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng để tiến chiếm Miền Nam VN với chiêu bài là 'giúp cho VN hoà bình thống nhất đất nước'. Nhưng thật ra, chúng lợi dụng xương máu thanh niên, nhân dân VN lót đường xây mộng bá quyền về phương Nam. 

Không từ bỏ giấc mộng vàng, CSTQ tiến hành nhiều âm mưu thâm độc, trong bài này tôi không nhắc lại những âm mưu khống chế về kinh tế, thương mại, tràn ngập hàng hoá độc hại, ma tuý, sách báo, phim ảnh đen tối...  nhằm Hán hoá dân tộc VN mà tôi đã trình bày trong bài "Chống ngoại xâm từ mọi hướng" trên Danlambao rồi. 

Với địa chính trị đặc thù, VN đóng vai trò cực kỳ quan trọng trên bước đường bành trướng về phương Nam của Bắc Kinh. 

VN là bàn đạp để quân Bắc phương tiến về phía trước, là tiền đồn quan trọng của ĐNÁ, giống như con đập vững chắc ngăn chặn mọi nguồn nước từ phương bắc đổ về nam. Từ Bắc Kinh phóng tầm nhìn về ĐNÁ được đi qua hai ngả đường biển và đường bộ. Cho nên trong những lần giặc bắc phương xâm lược nước ta trong các thời Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê... chúng đều chia quân làm hai ngả đường biển và đường bộ để tiến vào. 

Về đường biển thì VN với vai trò là yết hầu của biển Đông cũng là một Ải Nam Quan trên biển. Muốn khống chế Đông Hải trước tiên phải thôn tính vùng lãnh hải, hải đảo và thềm lục địa VN từ đó vòi bạch tuộc sẽ vươn dài ra khắp một vùng rộng lớn, kiểm soát một hải trình quốc tế quan trọng nối liền Ấn Độ Dương ra bắc Thái Bình Dương. Do đó trong thời gian qua TQ đã hung hăng, làm mưa làm gió khống chế biển đông, đặc biệt áp đặt mọi thứ và xâm lăng trắng trợn các vùng biển, hải đảo VN với cương vị là kẻ ngồi trên đầu đảng CSVN, buộc đảng và nhà nước CSVN câm miệng cúi đầu thần phục. 

Một mặt nữa là TQ bao vây VN về ngoại giao, lấy thế mạnh là nước lớn với tiềm lực kinh tế dồi dào, là nhà đầu tư và ân nhân của các nước nhỏ, nghèo trong khu vực mà không có tranh chấp trên Biển Đông với TQ từ đó lôi kéo họ về cùng phía để cô lập, gây áp lực với các nước có tranh chấp biển đảo như VN, Philippines... cụ thể như Campuchia, Lào, Miến Điện, Thái Lan... Rõ nét nhất là việc Campuchia quay lưng với CSVN một cách trắng trợn và phũ phàng qua hội nghị thượng đỉnh Asean vừa rồi đã cho thấy rõ. 

Về đường bộ trên đất liền, đường biên giới VN-TQ kéo dài gần 1450 km, từ trước đã có hai cửa khẩu chính là Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Đồng Đăng (Lạng Sơn) đây là cửa khẩu đường sắt. Từ hai cửa khẩu này mọi hàng hoá, dịch vụ, các phương tiện giao thông vận tải công khai qua lại tràn ngập thị trường đất nước VN. Đó là chưa kể một phần rất lớn được thâm nhập vào VN không qua cửa khẩu mà bằng đường bộ tự phát hay vượt suối băng rừng... dọc dài biên giới. 

Xét thấy chưa đủ để đáp ứng cho cơn lũ bắc phương ồ ạt tràn về phương nam thì cả hai chính quyền VN-TQ đã lập thêm một cửa khẩu nữa là cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai VN - Hà Khẩu, Vân Nam TQ). Cửa khẩu này hiện tại mở cửa từ 7h sáng đến 19h tối và lễ khai trương chính thức sẽ diễn ra ngày 8/11/12 nhân ngày hội thương mại biên giới Việt-Trung lần thứ 12 tổ chức tại Hà Khẩu TQ. Như vậy cửa ngõ để vào thôn tính VN và cả vùng ĐNÁ thênh thang rộng mở. 
Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II (Kim Thành)

Chưa dừng lại ở ba cửa khẩu với giao thông đường bộ, đường sắt thênh thang và thuận tiện này. TQ còn đang tiến hành mở một con đường sắt xuyên Á thật qui mô. Một mũi tên xuyên suốt, xâu chuỗi các nước mà mở đầu là VN, Lào, Thái Lan và cuối cùng là Singapore. Lộ trình này bắt đầu từ Côn Minh thủ phủ tỉnh Vân Nam qua Ngọc Khê, Mông Tự, Hà Khẩu sang Lào Cai (VN) rồi xuyên qua Lào, Thái Lan, Singapore. Con đường sắt xuyên Á này trên phần đất TQ đã hoàn thành, phần còn lại đang tích cực thi công. 

Như vậy với lộ trình này thì VN cũng vẫn là khởi điểm khi ra khỏi biên cương TQ. Cũng là một Ải Nam Quan để tiến vào vùng ĐNÁ. 

Hành trình nam tiến của TQ không ngừng mở rộng. Về hạ tầng cơ sở, đường sá đã và đang hoàn chỉnh, các phương tiện giao thông đã ồ ạt lại qua hàng ngày như hành hương về thánh địa. Để hợp thức hoá thủ tục di chuyển vận tải về người và hàng hoá hay vũ khí quân dụng sau này về phương nam một cách dễ dàng hai nước vừa ký kết hiệp định vận tải đường bộ. Thông qua hiệp định này thì các phương tiện vận tải có thể đi sâu vào nội địa của nhau trên một cung đường dài 1.300 km từ Thẩm Quyến đến Hà Nội. Ở đây chủ yếu là vào sâu nội địa VN chứ về phía lãnh thổ TQ thì chỉ có các tay sai nô thần VN đi triều cống hay nhận chiếu chỉ mà thôi. Như vậy từ nay mọi phương tiện vận tải và người của TQ tự do xâm nhập vào VN bất cứ nơi đâu. Vào đến Hà Nội - Ba Đình, giống như 'trái tim' của chế độ rồi thì còn đi đến đâu chi nữa? Mà có muốn tiến xa về đến Sài Gòn thì cũng là điều hết sức dễ dàng. Cả Bắc, Trung, Nam núi rừng, biển đảo, nội đồng phố thị đâu đâu là không có người TQ? Thậm chí mọc rễ ăn sâu vào xã hội sinh con đẻ cái hàng 10 năm trời rồi mà công an, cảnh sát khu vực, an ninh không hề hay biết hay âm thầm làm ngơ, tiếp tay! Trong lúc đây là đội ngũ còn đảng còn mình có những cặp mắt cú vọ nhìn xuyên suốt màn đêm, rọi sâu vào nồi cơm xoong cá của nhân dân. Ai ăn no mặc đủ hay đói rách te tua... chúng đều rõ hơn ai hết. 

Để chuẩn bị chu toàn cho cuộc hành phương nam một cách hoàn hảo nếu có binh biến xảy ra, TQ cũng đã thiết lập một lữ đoàn tên lửa Quảng Đông đặt cách Hà Nội 1.000km. Lữ đoàn tên lửa đạn đạo 827 đặt tại TP Thiều Quang - Quảng Đông. Lực lương này sử dụng tên lửa chống hạm Đông Phong 21D và Đông Phong 16 loại hoả tiễn đạn đạo mới có tầm bắn trên 1.200km. 

Như vậy để biến Đông Hải thành ao nhà và bán đảo Đông Dương cùng cả vùng ĐNÁ thành sân chơi riêng TQ đã làm tất cả những gì cần và có thể. Từ các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, giao thông đường biển, đường bộ, đường sắt và những tác dụng sâu xa về mặt xã hội, đời sống, văn hoá... TQ đã lập trình không thiếu một kẻ hở nào. 

Đất nước VN từ mũi Cà Mau đến ải Nam Quan đều nằm gọn trong lòng đại Hán. Ải Nam Quan chỉ là dấu tích ngàn xưa của tổ tiên Hồng Lạc chứ bây giờ cho dù Sài Gòn Hà Nội hay bất cứ nơi đâu trên mảnh đất thân thương này cũng thấp thoáng bóng hình Tàu cộng. 

Nhưng với ý chí quật cường, hàng vạn anh thư, anh hùng của dân tộc Việt không bao giờ chịu khuất phục trước quân thù. Chúng ta sẽ cùng nhau đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, tiêu diệt bọn tay sai bán nước, tham nhũng hung tàn bạo ngược với nhân dân. 

Ngày xưa nước Tàu chỉ có một Hán gian như Ngô Tam Quế mở cửa ải Sơn Hải Quan cho giặc tràn vào thôn tính Trung Nguyên mà người đời dựng hình nộm đề tên để phỉ nhổ, nguyền rủa muôn đời. 

Ngày nay VN thì có quá nhiều yêu tinh lộng hành bán biển đảo, đất đai rừng núi, đồng bằng phố nội, giao ải cho giặc tự do vào ra lúc nào cũng được để nuốt gọn giang san... thì ta biết đưa tên quỉ quái, yêu tinh nào lên hình nộm dựng ngay cửa Ải Nam Quan để con cháu đời đời nguyền rủa?

Tôi xét thấy các loại yêu tinh trong "Liêu trai chí dị" thì loài "Hồ Tinh" là ghê gớm hơn cả. Hắn đủ trò, đủ chước, tàn ác, thâm độc mà lại tham lam vô độ... cưỡng bức xong đem con bỏ chợ, giết người diệt khẩu gây bao cảnh dã man, nghiệt ngã... Thôi thì ta cứ để mỗi một tên "Hồ Tinh" đứng đầu của mọi yêu tinh lên hình nhân vậy!

Giữa Ải Nam Quan sau này sẽ có một hình nhân bù nhìn nhục danh "Hồ Tinh" là "Đại Việt gian bán nước" để cho toàn dân và con cháu muôn đời phỉ nhổ

Ngày 19/9/2012

Hiển thị 49 trong số 51 bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét