Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Hình ảnh và thâu âm: Đoàn dân oan Đồng Nai khiếu kiện tại 37 hùng Vương

 Sáng nay, 25 dân oan Đồng Nai đã kéo đến 37 Hùng Vương Hà nội để khiếu kiện về việc chính quyền đã lấy đất của họ làm khu đô thị Tiên Sơn, không làm đúng các qui định của pháp luật. (ảnh minh họa)

 Tình trạng quan chức các địa phương ở khắp nơi câu kết với các doanh nghiệp sân sau để lấy đất của dân, bỏ qua các qui định của pháp luật để lừa dân, cướp đất bán lấy ngọn để trục lợi liên tiếp xảy ra nhiều năm nay. Dân oan khiếu kiện vượt cấp đang là vấn đề gây áp lực lớn cho chính quyền từ trung ương đến địa phương, cố tình sai phạm, trục lợi chia chác với nhau để được bảo kê khiến cho các vụ khiếu kiện của nông dân cứ diễn ra năm này qua năm khác mà không cấp nào giải quyết được.
Loa phát thanh cưỡng chế dân oan Đồng Nai lên xe ô tô chở về số 1 Ngô Thì Nhậm hôm nay 26/7/2012

 Nếu bạn từng là nhà báo mà chưa theo dõi hay đưa tin về một vụ khiếu kiện đất đai nào của nông dân thì bạn đã trở thành nhà báo vô cảm hoặc hèn nhát. Bởi một điều trên Đất nước này không có tỉnh nào là không có dân oan, đặc biệt là các ở các Thành phố lớn - nơi đất đai mang lại lợi nhuận kếch sù cho  các nhóm lợ ích, sờ vào đâu cũng thấy sai phạm, đụng vào đâu cũng thấy tham nhũng... đến Chủ tịch nước, Tổng bí thư  cũng phải thốt lên như vậy với báo chí.

Dự án Sơn Tiên (Đồng Nai): Đẩy nông dân vào ngõ cụt

(TT&VH) - Sau khi hàng trăm hộ dân ở xã An Hòa bị cưỡng chế thu hồi đất để giao cho Cty CP Sơn Tiên triển khai dự án Du lịch sinh thái, nuôi và bảo tồn động vật hoang dã, thì đến nay những hộ nông dân này đang phải đi ở nhà trọ. Còn hàng chục hộ nông dân khác vẫn kiên trì khiếu kiện, trong khi chủ đầu tư chưa triển khai thực hiện khu tái định cư để an dân.

Cố “ép” dự án thuộc nhóm A

Trong rất nhiều quyết định bác đơn khiếu nại của người dân, UBND tỉnh Đồng Nai đều khẳng định rằng đây là một dự án lớn, là dự án nhóm A (thuộc diện Nhà nước thu hồi đất) theo khoản 2, Điều 40 Luật Đất đai 2003 quy định. Ông Bùi Văn Thanh ở ấp 3, xã An Hòa, có hơn 34.000 m2 đất bị thu hồi bức xúc: Sau khi nhận được quyết định bác đơn khiếu nại, ông cho rằng không đồng tình với quyết định giải quyết của tỉnh, vì nếu đây là dự án nhóm A thì phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng dự án này của tỉnh phê duyệt. Và mục đích của dự án phải phục vụ an ninh quốc phòng, phục vụ lợi lích công cộng thì ông mới chấp nhận nhận đền bù mỗi mét vuông đất 20.000 đồng. Ông Thanh lập luận thêm, rằng nếu dự án nhóm A sao lại do chủ đầu tư là doanh nghiệp chịu trách nhiệm bồi thường đất đai, hoa màu thông qua Ban Giải phóng mặt bằng của huyện Long Thành?

Khu tái định cư chỉ là một… cái cổng chào

Điều thể hiện rõ nhất là trong Quyết định 5530 của UBND tỉnh Đồng Nai ký ngày 15/11/2004, về việc thu hồi và giao đất (hơn 373,6ha) cho Cty CP Sơn Tiên nêu rõ trách nhiệm của chủ đâu tư là: Chịu mọi chi phí bồi thường về tài sản và đất đai trên toàn bộ diện tích đất thu hồi. Vậy căn cứ theo quyết định kể trên thì không có lý do gì khẳng định đây là dự án nhóm A, mà có thể áp dụng khoản 2, Điều 40 Luật Đất đai 2003 được. Mà khi có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh, chủ đầu tư phải có trách nhiệm phối hợp với UBND huyện Long Thành, xã An Hòa… thỏa thuận với dân.

Nhưng thật trớ trêu, suốt từ năm 2004 đến nay, chưa có hộ dân nào nhận được quyết định thu hồi đất của UBND huyện Long Thành, mà họ chỉ nhận được thống báo áp giá bồi thường, nhận tiền và quyết định cưỡng chế. Quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có được tôn trọng? Hầu hết những hộ nông dân như ông Nguyễn Thành Danh, Bùi Văn Thanh, Trần Thị Báo, Trần Thị Thu Hương, Phạm Phú Điền, Mai Văn Hùng… đều rất bức xúc và e ngại không biết họ sinh sống ra sao khi không còn đất sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Mộng Huyền, người có gần 14.000 m2 đất ngay mặt tiền QL 51 cho biết: “Tôi mua đất tháng 1/2002, lúc đó chưa có dự án nuôi thú và du lịch sinh thái gì hết, với ý định xây dựng nhà máy sản xuất giấy và băng vệ sinh, không ngờ khi xin phép thì tỉnh Đồng Nai không chấp thuận với lý do đã có dự án đầu tư rồi. Nay UBND huyện Long Thành công bố quyết định cưỡng chế, trong khi chưa có quyết định thu hồi đất và chỉ giao quyết định áp giá bồi thường đất 30.000 đồng/m2”. Với bao tâm huyết, bà Huyền ngao ngán khi bị cán bộ tiếp dân giải quyết khiếu nại “đuổi như đuổi tà”, vì bà Huyền đã nhiều lần lên huyện, tỉnh nộp đơn khiếu nại.

Không tái định cư, nông dân phải ở trọ

 Với số tiền bồi thường đất và tài sản trên đất rẻ mạt, nhiều hộ nông dân ở đây sau khi nhận tiền đã phải đi thuê nhà trọ. Có gia đình sau 3 tháng thuê nhà trọ được hỗ trợ tiền, nay hết được hỗ trợ phải đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền nuôi nhau.

Chiều ngày 19/11/2009 PV báo TT&VH trở lại xã An Hòa, nơi dự án Sơn Tiên chiếm gần nửa diện tích toàn xã. Cảnh vườn không nhà trống, cỏ mọc um tùm, ngay cả bên trong cái cổng chào “Khu tái định cư dự án Sơn Tiên”. Cánh đồng Bà Phượng rộng mênh mông trước kia là vùng trồng lúa, màu bát ngát nay “đồng không, mông quạnh”, chỉ vài con bò gặm cỏ. Chúng tôi dò hỏi người dân ở đây nhưng họ cũng không hề biết chính xác khu tái định cư của dự án nằm ở chỗ nào.

Trong Quyết định 4786 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành ngày 12/10/2004, về việc phê duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 Khu du lịch sinh thái, nuôi và bảo tồn động vật hoang dã tại xã An Hòa xác định quy mô diện tích 372,1 ha. Trong phân khu chức năng có nêu khu tái định cư diện tích 2,21ha. Ngoài ra, còn có khu nhà ở dành cho cán bộ, công nhân viên rộng 39,78ha… Từ bản quy hoạch chung kể trên, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao khu tái định cư cho khoảng gần 300 hộ dân chỉ được duyệt quy hoạch rộng 2,21ha, trong khi khu nhà dành cho cán bộ, công nhân viên lại rộng tới gần 40ha? Đây có phải chủ đầu tư muốn xây dựng một khu biệt thự biệt lập sau này để bán?

Trên cơ sở các quy định trên, đến ngày 25/7/2005 UBND tỉnh Đồng Nai đã duyệt bản quy hoạch chi tiết 1/500 khu tái định cư dự án Sơn Tiên rộng 2,07ha, giảm 1.400 m2 so với bản quy hoạch chung 1/5000. Bản quy hoạch chi tiết này với tính chất phục vụ nhu cầu tái định cư cho dự án Sơn Tiên; hình thành một khu nhà ở thấp tầng, dạng nhà độc lập có sân vườn.

Vậy nhưng, sau hơn 4 năm được duyệt quy hoạch chi tiết khu tái định cư mà người dân vẫn chẳng thấy bóng dáng đâu. Ai đi trên QL 51 đoạn qua ấp 3, xã An Hòa đều nhìn thấy tấm biển to có dòng chữ “Khu tái định cư dự án Sơn Tiên” mà không thấy… dân đâu hết.

Người dân ở đây cho biết: “Trước đây chúng tôi đã khiếu nại liên tiếp, UBND tỉnh Đồng Nai đã có nhiều văn bản từ năm 2006 nói yên tâm chờ giải quyết, rồi sang đầu năm 2007 hứa sẽ giải quyết dứt điểm trước ngày 20/2/2007, thậm chí có những hộ bị cưỡng chế thu hồi đất rồi họ khiếu nại tiếp, lại trả lời: chờ”…

Tháng 7/2008 và tháng 6/2009, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ TN&MT, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị kiểm tra, xem xét giải quyết khiếu nại của người dân xã An Hòa. Được biết, năm 2007, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã nhiều lần có ý kiến đề nghị lãnh đạo tỉnh giải quyết đơn khiếu nại của người dân về quyết định phê duyệt đền bù (đợt 1) trước khi có quyết định thu hồi đất là không hợp pháp. Nhưng UBND tỉnh đã “hoãn binh” bằng cách ra nhiều văn bản đề nghị “bà con yên tâm chờ kết quả”, nhưng sau đó bất ngờ “bồi” liên tiếp hàng loạt quyết định phê duyệt đền bù đất cho dân và vội vàng cưỡng chế thu hồi, trong khi không có đất tái định cư.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát, kiểm tra thực trạng việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006-2010 trên địa bàn cả nước, trong đó tập trung vào đất nông nghiệp nói chung và đất trồng lúa nước nói riêng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải hạn chế tối đa việc lấy đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Dự án Khu du lịch sinh thái, nuôi và bảo tồn động vật hoang dã của Cty CP Sơn Tiên phần lớn lấy đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích khác, liệu có được quan tâm? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét