Trang

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Tường trình chuyến thăm gia đình anh hùng Đoàn Văn Vươn

MS. Nguyễn Mạnh Hùng

ĐOÀN DÂN OAN BẮC-NAM ĐI THĂM GIA ĐÌNH ANH HÙNG ĐOÀN VĂN VƯƠN.

Hàng năm cứ đến hẹn, khi các đại biểu Quốc Hội tề tựu tập trung về Hà Nội họp thì cũng là mùa của dân oan cả nước đổ về trước cổng văn phòng Chính phủ (số 01 Mai Xuân Thưởng) để biểu tình phản đối tập đoàn cường quyền tham nhũng bạo hành cưỡng chiếm nhà, đất của người dân. Mùa biểu tình năm nay được thêm sức mạnh bởi các tội ác mà tập đoàn cường quyền tham nhũng đã gây ra với gia đình anh hùng Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng; Với bà con 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; Với bà con xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. 

Trước khi ra quân biểu tình, bà con dân oan 2 miền Bắc-Nam đã tổ chức một phái đoàn đi thăm gia đình anh hùng Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

Phái đoàn đi gồm đại diện các tỉnh thành : Sài Gòn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, An Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang. 3 giờ 30 phút sáng thứ bảy (ngày 26/5/2012) bà con đã phải thức dậy thu xếp đồ đạc để đến ga Hà Nội mua vé tàu hỏa. Đúng 6 giờ tàu hỏa chuyển bánh, 8 giờ 10 phút thì đến ga Hải Phòng. Chuyến đi của đoàn cũng được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của các chiến sĩ An ninh.

Ngồi trên tàu hỏa, chị Nguyễn Thị Huần (Vĩnh Phúc) và chị Trần Ngọc Anh (Bà Rịa-Vũng Tàu) do bị tra tấn dã man trong tù mới được trả tự do, sức khỏe chưa hồi phục nên luôn bị đau đầu và nôn ói. Tuy vậy hai chị vẫn rất hăng hái và cho biết: "Dù mình có bị mệt mỏi song được đến thăm hỏi và động viên gia đình anh hùng Đoàn Văn Vươn thì mệt mỏi đến đâu các chị cũng vượt qua được".

Khi tàu đến ga Hải Phòng, đoàn phải nghỉ lại khoảng 1 giờ để đi mua thuốc cho 2 chị và chờ hai chị đỡ một chút mới tiếp tục hành trình. Sau 2 chặng xe, đoàn tới được Cống Rộc, đi bộ khoảng 3 cây số mới tới được con đê do gia đình anh hùng Đoàn Văn Vươn quai đê lấn biển.

Đứng trên bờ đê nhà nước nhìn xuống con đê do gia đình anh Vươn quai đê lấn biển và đầm nuôi tôm mới thấy được biết bao công sức, tiền bạc phải đổ ra mới tạo dựng được một cơ ngơi như thế này. Thế mà đầm nuôi tôm của gia đình Vươn vừa mới được thu hoạch thì đã bị "nhà nước của dân" cưỡng chiếm một cách trắng trợn và tàn nhẫn.Do đoạn đê gia đình anh Vươn lấn biển cũng khá dài nên người nhà anh Vươn phải dùng xe máy chở dần từng tốp vào nhà.

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng (Quản nhiệm Hội Thánh Chuồng Bò) giới thiệu phái đoàn dân oan gồm 4 tỉnh thành phía Nam và 3 tỉnh thành phía Bắc tới thăm và chia sẻ với gia đình. Đoàn dân oan cũng có món quà nhỏ để chia sẻ với nỗi oan thấu trời của gia đình. Bà Mát (chị ruột của anh Vươn) đã cảm động và khóc trước tình yêu thương của người đồng cảnh ngộ đã lặn lội hàng ngàn cây số từ miền Nam ra thăm và chia sẻ với gia đình bà.

Sau đó bà kể lại những năm tháng gian khổ không phải chỉ có gia đình anh Vươn mà của cả đại gia đình bà cùng họ hàng giúp công, giúp của, phải đổi cả tính mạng con gái anh Vươn mới có được cơ ngơi này. Thế mà khi vừa được thu hoạch thì đã bị cưỡng chiếm thật là đau xót. Sau khi kể xong, bà Mát mời đoàn cùng ăn một bữa cơm thân mật với gia đình. Bữa cơm gồm có 1 tô canh cá, 1đĩa tép luộc, 1 đĩa rau muống xào.

Theo người em họ của anh Vươn cho biết: "Hơn 10 năm trời, gia đình anh Vươn và họ hàng phải ăn uống tằn tiện, đạm bạc để tập trung tiền của quai đê lấn biển mới có được cơ ngơi như thế này. Khi lấn biển thành công, ăn uống có đỡ hơn một ít nhưng từ khi bị cưỡng chế đầm tôm thì ăn uống rất kham khổ. Hôm nay vì nghe tin có phái đoàn miền Nam ra thăm nên mới dám ăn sang thế này".
Nghe anh Dư nói, cả đoàn thấy xót xa cho một chủ đầm nuôi hơn 40 ha đầm tôm mà đãi khách quý với mấy con cá con cùng 1 đĩa tép luộc mà gọi là ăn sang. Nhưng vì cùng là nạn nhân của tập đoàn cường quyền tham nhũng nên chẳng ai giúp cho gia đình anh Vươn trong việc đòi công lý được mà chỉ biết ngậm ngùi cay đắng cho số phận làm thân nô lệ. 

Sau khoảng 30 phút, khi bữa cơm gần tàn thì có 2 thanh niên nam nữ giới thiệu là "nhà báo" và đại diện Liên hiệp Nuôi trồng thuỷ sản nước lợ huyện Tiên Lãng tới thăm. Mọi người liền bỏ ăn để ra tiếp xúc 2 "nhà báo". Không hiểu vì sao 2 "nhà báo" không tìm hiểu nỗi oan khuất của gia đình anh Vươn mà chỉ quan tâm tới những người trong đoàn tới thăm.

Sau đó cô "nhà báo" xin Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng 1 bộ đơn khiếu nại cùng số điện thoại và Mục sư Hùng cũng đồng ý cho. Mục sư Hùng cùng 2 dân oan (chị Huần Vĩnh Phúc cùng chị Ngọc Anh) chụp hình chung với cô "nhà báo", sau đó chụp hình bàn thờ ngoài trời cùng chị Thương (vợ anh Vươn) rồi đoàn ra về.

Ra đến bờ đê nhà nước, gặp 1 chiến sĩ an ninh A38 trong vai xe ôm chở Mục sư Hùng ra bến xe buýt để trở về TP. Hải Phòng. Tới bến xe buýt, chiến sĩ an ninh A38 cũng ngỏ ý xin Mục sư Hùng một bộ đơn khiếu nại, số điện thoại và Mục sư Hùng cũng đồng ý cho. Sau đó bà con cho hay chuyến xe cuối cùng đã chạy, hết xe rồi.

Mục sư Hùng nói "nếu hết xe thì trở lại nhà ông Vươn ngủ sáng mai về". Chiến sĩ an ninh vội lên tiếng "chú chờ một tí, để cháu điện gọi xe vào cho". Khoảng 20 phút sau thì có một xe buýt chạy vào đón đoàn về TP. Hải Phòng. Khi được hỏi "có phải an ninh gọi xe vào không" thì cô nhân viên bán vé xác nhận là xe được an ninh gọi vào.

Trên đường trở về vườn hoa Mai Xuân Thưởng, nỗi oan khuất của gia đình anh hùng Đoàn Văn Vươn cùng căn chòi tạm luôn ám ảnh làm nặng trĩu lòng mọi người. Ai cũng chua xót cho thân phận làm nô lệ, ngậm ngùi cho nạn nhân của tập đoàn cường quyền tham nhũng cướp đoạt nhà cửa, đất đai của dân mà chính họ cũng là nạn nhân.

MS. Nguyễn Mạnh Hùng 
tường trình từ Sài Gòn ngày 07/6/2012.

 Phải đầu tư bao nhiêu công sức, tiền của mới có được cơ ngơi như thế này?                      
 Đê nhà nước phía ngoài và đê anh Vươn lấn  biển bên trong chỗ dân oan đứng.
 Bà Mát (chị anh Vươn) cảm động khi biết có đoàn dân oan từ miền Nam ra thăm                   
 Bà Mát đang kể chuyện về công trình lấn biển của gia đình họ Đoàn. 
   Đoàn dân oan ăn bữa cơm thân mật cùng gia đình anh Vươn.

 Bữa cơm được em họ anh Vươn gọi là "ăn sang"    
 Dân oan chụp hình cùng chị và vợ anh Vươn

 Nhà báo nữ chụp hình cùng MS Hùng, bà Huần (Vĩnh Phúc), bà Ngọc Anh (Bà Rịa) và nhà báo nam
 MS Hùng chụp hình cùng vợ và con anh Vươn.   
  Bàn thờ ngoài trời
 Căn chòi tạm hiện nay 

và tàn tích căn nhà bị cuõng chế ngày 05/01/2012 

Nguồn :DDCTM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét