Trang

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Những dấu hiệu sai phạm tại 3 dự án Đan Mạch ngừng cấp ODA

Cả 4 dự án điều tra đều có dấu hiệu sai phạm và phần lỗi nằm hoàn toàn ở đối tác phía Việt Nam, số tiền chi sai chiếm 23% tổng vốn cấp, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Đan Mạch. 3 dự án trong số này phải ngừng triển khai ngay lập tức.
> Đan Mạch dừng 3 dự án ODA vì nghi sai phạm

Những tin đồn đầu tiên về sai phạm tại các dự án xuất hiện vào đầu năm nay. Tháng 4, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội nhận được báo cáo chi tiết hơn về các khoản chi sai từ Văn phòng Kiểm toán Đan Mạch. Dựa trên kết quả này, Đại sứ quán yêu cầu Công ty kiểm toán PriceWaterhouseCoopers (PWC) xem xét cụ thể cả 4 dự án Việt Nam đã được phê duyệt cấp vốn ODA Đan Mạch từ tháng 10/2011.

Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã công bố báo cáo kiểm toán của PWC trên website của mình từ cuối tuần trước, cho thấy cả 4 dự án đều có dấu hiệu sai phạm. Mỗi dự án khi triển khai có đối tác của cả phía Việt Nam và Đan Mạch tham gia, nhưng "tất cả sai phạm đều nằm ở phía đối tác Việt Nam" theo báo cáo của PWC.

Tổng vốn viện trợ cho 4 dự án này là 19,9 triệu kroner Đan Mạch, tương đương 69 tỷ đồng (ước tính theo tỷ giá hạch toán tháng 6 do Bộ Tài chính mới công bố, 1 kroner Đan Mạch tương đương 3.494 đồng). Trong đó, số tiền rót cho các đối tác phía Việt Nam thực hiện là 14,12 triệu kroner (tương đương 49,1 tỷ đồng) và phần nghi chi sai chiếm hơn 23%, tức 3,3 triệu kroner (tương đương 11,4 tỷ đồng).

Đây là lý do Đại sứ quán Đan Mạch quyết định ngừng ngay lập tức 3 trong số 4 dự án nói trên. Riêng dự án 09-P01-VIE do tỷ lệ nghi sai phạm thấp (số tiền khoảng 300 triệu đồng) nên vẫn tiếp tục triển khai.

Báo cáo nghi vấn sai phạm tại 4 dự án
(Nguồn: Bộ Ngoại giao Đan Mạch)

(Đơn vị: tỷ đồng)

Vốn cấp cho đối tác Việt NamVốn cấp cho đối tác quốc tếTổng vốnSố tiền nghi chi sai
Trong Dự án nghiên cứu "Tác động của Biến đổi khí hậu tới biến đổi sử đụng đất và thay đổi sinh kế ở đồng bằng sông Hồng", có 10 điểm nghi vấn với tổng số tiền thâm hụt lên đến 1,3 triệu kroner Đan Mạch (tương đương 4,4 tỷ đồng).

Đối tác phía Việt Nam thực hiện dự án này là Trung tâm Quốc tế nghiên cứu biến đổi toàn cầu (ICARGC) trực thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội. Còn đối tác phía Đan Mạch là Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc Gia thuộc Đại học Aarhus.

Trong số những sai phạm lớn nhất, có hơn 900 triệu đồng được chuyển vào quỹ của ICARGC mà không có chứng từ, trong khi lại báo cáo sang Cơ quan Viện trợ Đan Mạch (Danida) là chi lương. Hơn một tỷ đồng khác được trả cho hai nhân viên của Viện làm nhiệm vụ kiểm kê thu thập dữ liệu, trong khi trên thực tế các nhân viên này đã được trả lương trước đó.

Sổ sách giữa các bên cũng vênh một khoản 1,1 tỷ đồng, được cán bộ dự án giải thích là khoản tạm chi cho các dự án.
Ngoài 4,4 tỷ đồng này, PWC lưu ý có 250.000 kroner (870 triệu đồng) đã tạm ứng cho 4 nhân viên mà không có giải thích rõ ràng. (Xem chi tiết tại đây)

Christian Friis Bach
Bộ trưởng Phát triển Christian Friis Bach tuyên bố dừng 3 trên 4 dự án ODA của Đan Mạch tại Việt Nam để điều tra sự cố thâm hụt tiền. Ảnh: politiken.dk
Với Dự án "Đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu đến điều kiện tự nhiên, môi trường và phát triển kinh tế xã hội miền Trung", số tiền chi sai mục đích lên tới 5,4 tỷ đồng. Đối tác thực hiện phía Việt Nam là Viện Địa lý trực thuộc Viện Khoa học - Công nghệ.

Trong số những sai phạm nổi cộm, có 2,1 tỷ đồng chi lương, thù lao cho nhiều người mà không rõ công việc cụ thể, đồng thời có những khoản chi không rõ ràng khác theo lệnh của người quản lý. "Những khoản chi này cần xác minh thêm", báo cáo của PWC cho biết.
Chưa hết, 615 triệu đồng được dùng để mua ôtô phục vụ dự án, nhưng điều tra cho thấy xe này rất ít khi được dùng vì các nghiên cứu viên thường đi khảo sát bằng máy bay.

Ngoài ra, có hàng trăm triệu đồng thất thu vì các chi phí mua bị khai vống giá. PWC còn chỉ ra rằng Viện Địa lý từng tự ý "mượn" tiền của dự án cho vào ngân hàng và trả lại một thời gian sau đó. (Xem chi tiết tại đây)

John Nielsen
Ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam tuyên bố Đan Mạch không thể và sẽ không chấp nhận việc ngân sách viện trợ phát triển bị sử dụng sai mục đích. Ảnh: taxationinfonews.com
Dự án P2-08-VIE
Trong dự án "Biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái vùng cửa sông Việt Nam", đối tác phía Việt Nam là Viện Hải dương học trực thuộc Viện Khoa học - Công nghệ, sai phạm mà PWC ghi nhận được tương đương 1,3 tỷ đồng.

Trong đó, khoản chi sai lớn nhất là 860 triệu đồng dùng làm học bổng cho con gái của điều phối viên dự án, do giám đốc dự án ký duyệt. Cô gái này làm ở Viện Hải dương học trước khi nhận học bổng, và rời viện sau khi học xong. Ngoài ra, còn nhiều khoản chi mua thiết bị không rõ ràng hoặc khai khống giá lên cao hơn so với thực tế. (Xem chi tiết tại đây)

Với dự án thứ tư này, nghiên cứu "Cải thiện giống lúa thích nghi với điều kiện ngập mặn để đối với với tình trạng nước biển dâng cho các vùng đồng bằng ven biển Việt Nam", PWC phát hiện ra hai điểm nghi vấn với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Đối tác phía Việt Nam thực hiện dự án là Viện Di truyền Nông nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. (Xem chi tiết tại đây)

"Tất cả các hoạt động hay các khoản chi cho 3 dự án đầu tiên sẽ bị dừng lại ngay lập tức sau báo cáo này. Còn dự án thứ tư vẫn được tiếp tục thực hiện nhưng với sự kiểm soát chặt chẽ hơn", thông báo của Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết.

Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất mà Đan Mạch đầu tư vào các dự án biến đổi khí hậu. Về mặt chuyên môn và tính khả thi, cả 4 dự án này đều được đánh giá cao trong bản báo cáo cuối cùng về Chương trình hợp tác nghiên cứu sơ bộ về biến đổi khí hậu tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao Đan Mạch công bố tháng 11/2011.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét