Trang

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Dân nâng thuyền, dân có thể lật thuyền?

Thanh Quang, phóng viên RFA

2012-06-04
Blogger Nguyễn Thế Thịnh trích dẫn lời Khổng Tử rằng “Dân nâng thuyền, dân có thể lật thuyền? Dân không định lật thuyền nhưng tự mỗi ông trong các ông đã đục một lổ thủng dưới đáy thuyền đang chở chính mình”.

Citizen photo
Người dân tập trung trước UBND xã Phú Túc hôm 17-04-2012, đòi chính quyền thả người bị công an bắt giữ.
Kiện cáo trong tuyệt vọng
Qua bài tựa đề “Hố Đen”, blogger Thùy Linh báo động rằng “Sự kêu gào, đề nghị khẩn thiết, kiện cáo tuyệt vọng của người dân trước sự bất công khủng khiếp mà họ phải gánh chịu, cụ thể là những vụ khiếu kiện kéo dài nhiều tháng năm, thậm chí cả tự tử và lột truồng trước mắt thiên hạ trong tuyệt vọng điên cuồng cũng không làm chính quyền động lòng và cũng bị “hố đen” vô hình nuốt chửng”.
Tình trạng giới cầm quyền trong nước không một mảy may động lòng trước “sự bất công khủng khiếp” mà người dân phải gánh chịu ấy hẳn là chuyện dài quê hương, nhưng một trong những sự bất công hãy còn đậm nét nhất, gây xôn xao công luận nhất – và khó phai nhòa – là biến cố Đoàn Văn Vươn diễn ra cách nay 5 tháng, qua đó – nói theo lời blogger Thùy Linh, “Luật pháp không đứng về dân đen, kẻ thất thế, không quyền lực. Trong khi chính quyền được bảo trợ rất nhiều bởi các nghị định, kể cả luật pháp. Các quyết định ở cấp nào cũng có thể sáng tác và thực thi, từ TW, tỉnh, huỵên, thậm chí là xã dựa trên cái gọi là pháp luật, cụ thể là sở hữu toàn dân về đất đai. Và người ta coi đó là làm đúng pháp luật”.

Hai nơi đều nằm trong sự điều hành, quản lý của Thủ tướng. Vậy người điều hành, quản lý có bị qui là “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hịêu quả nghiêm trọng.
Blogger Thùy Linh
Rồi “Tiên Lãng chưa qua Văn Giang đã tới” làm “đau nhức tâm can mọi người” khi thậm chí cả tỉnh lẫn bộ Công an vào cuộc họp sức với địa phương thành lực lượng hùng hậu hàng ngàn người ra tay đàn áp, cướp nguồn sữa đất mẹ của dân lành ở Văn Giang qua một cuộc cưỡng chế đẫm máu, bạo tàn – mà quan chức địa phương cho là một kỳ công “đúng luật, đảm bảo an toàn về người và tài sản, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ”.
Khi ngọn lửa Văn Giang chưa tắt, thì – nói theo lời blogger Thùy Linh -các mặt báo đang “nóng lên” vụ Cục trưởng Cục Hàng hải Dương Trí Dũng bị khởi tố và bỏ trốn.
Qua bài “Cái ụ nổi của ông chủ tịch Vinalines”, tác giả Phạm Xuân Cần có đề cập nhân vật Dương Chí Dũng:
Ngay cả người khó tính nhất cũng phải công nhận ông Dũng giỏi. Thua lỗ như thế, làm ăn bậy bạ như thế mà vẫn cứ lên chức, lên quyền như đã lập trình sẵn. Tháng Hai kết luận thanh tra sai phạm, thua lỗ hàng nghìn tỷ, thì thángMột đã được đề bạt rồi. Mấy lần liền như thế. Không phải giỏi, mà phải nói là “cha của giỏi’! Mới đây, trong cuộc họp báo của Chính Phủ khi được hỏi về việc đề bạt ông Dũng lên chức Cục trưởng Cục Hàng hải có gì sai trái không, ông Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ đã dõng dạc trả lời việc đề bạt là đúng quy trình, thủ tục. Xin thưa, nếu tôi được đứng ở vị trí đó, tôi cũng sẽ trả lời như thế. Vì đơn giản, mọi quy trình, thủ tục là không sai!
Nhắc tới chuyện “ đúng quy trình, đúng thủ tục”, blogger Thùy Linh chua chát rằng “quy trình bổ nhiệm cán bộ của đất nước này chưa bao giờ sai”. Nhà văn Thúy Linh nhận thấy dân tình hiểu ra điều này mỗi khi có một quan chức bị vào vòng lao lý, “mỗi khi núi tiền đóng thuế và tiền nợ nước ngoài oằn trên lưng dân đen đổ vào túi các quan và đổ vào thúng rác”. Qua bài “Đúng quy trình?”, blogger Thùy Linh nêu lên một loạt câu hỏi: “ Vậy thì sai từ đâu, ở chỗ nào? Liệu có thể hỏi: nếu qui trình đúng mà vẫn ra kết quả sai thì có nghĩa qui trình sai mà cứ khăng khăng là đúng? Ai là người “lắp đặt” và đề ra nguyên tắc cho qui trình này vận hành? Từ bao lâu rồi qui trình này đã đưa vào thực tế cuộc sống? Đã bao nhiêu “đinh, ốc, vít” lắp đặt để qui trình vận hành cho đến lúc này? Bao nhiêu sản phẩm được tạo ra từ qui trình này? Hoặc có thể qui trình đúng nhưng cách điều hành, quản lý sai hay không?”. Và tác giả nhấn mạnh:

tap-doan-cmbo-250.jpg

Các Tập đoàn cột trụ của kinh tế quốc gia. RFA file.
Dù sai hay đúng thì vẫn là từ một nguồn điều hành duy nhất: chính phủ. Đến lúc này, kết quả điều tra ban đầu ở Vinashin lẫn Vinalines đều nói rằng: họ tự ý làm khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng. Mà hai nơi đều nằm trong sự điều hành, quản lý của Thủ tướng cùng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Vậy người điều hành, quản lý có bị qui là “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hịêu quả nghiêm trọng” không?Vì thực tế cho thấy, dù đã có PM18, Vinashin mà đến cuối năm 2011, Dương Chí Dũng vẫn được tiến cử  để rồi có quyết định khởi tố bị can. Dân tình từ lâu đã hiểu, chỉ chính phủ không hiểu “qui trình luôn đúng” đó là thế nào? Nếu không tháo bỏ qui trình luôn đúng này để thay thế bằng lối làm việc khác thì chính phủ chỉ còn mỗi việc chạy theo xử lý các kết quả sai của “qui trình đúng” của mình cả về tiền bạc và con người. Hay nói theo kiểu dân dã là qui trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay là cách tạo nguồn cho các nhà tù về tội phạm kinh tế…

Làm sao hạ cánh an toàn?

Nhưng, nói theo lời blogger Đào Tuấn, “Nhân dân, cử tri không cần những ông giám đốc đi tù, vì mất mát thua lỗ mấy trăm, mấy ngàn tỷ thì bao nhiêu năm tù, bao nhiêu ông giám đốc có thể đổi lại được”. Tác giả lưu ý rằng “miếng bánh ngân sách vốn đã teo tóp giờ lại càng teo tóp”, và người dân đang chịu sưu cao thuế nặng giờ cũng đã hiểu ra rằng vì sao các quan chức, như trong lãnh vực giao thông, “luôn nhòm ngó đồng tiền còm còn sót lại trong túi người dân”. Blogger Đào Tuấn nhân tiện nhắc đến doanh nghiệp nhà nước:

Vài ngàn tỷ đồng nợ thuế thực ra chẳng thấm tháp gì so với mức độ và tốc độ chi tiêu công và đặc biệt là so với khả năng tiêu tiền “có năng khiếu” của doanh nghiệp Nhà nước.
Blogger Đào Tuấn
Nhưng sự teo tóp của ngân sách, vài ngàn tỷ đồng nợ thuế thực ra chẳng thấm tháp gì so với mức độ và tốc độ chi tiêu công và đặc biệt là so với khả năng tiêu tiền “có năng khiếu” của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)…Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã nói đến… “Cơ chế giám sát đặc biệt” đối với các DNNN làm ăn thua lỗ, có dấu hiệu mất vốn nhà nước…Sự giám sát này cũ mèn. Và làm sao mà giám sát cho xuể khi hàng năm có bình quân 12% đơn vị của Nhà nước bị thua lỗ, với mức lỗ bình quân cao hơn 12 lần so với các khu vực khác.Và nếu chỉ giám sát đặc biệt khi các DN lỗ, nợ đến mức sắp “đắm” thì phải chăng quá bất công cho những đồng thuế của dân ?Đến đây, không thể không nói về hàng ngàn tỷ phân bổ cho các tập đoàn, DNNN mỗi năm. Bởi trong khi các tập đoàn, tổng công ty có nguồn vốn tới 30-40 tỷ USD nhà nước “không lấy một đồng xu tiền lãi” thì mỗi năm nhà nước vẫn phải ném ra thêm hàng ngàn tỷNói thẳng ra là việc sử dụng đồng vốn với lợi nhuận chưa bằng lạm phát, các DNNN đang ăn dần vào đồng vốn, cũng là tiền thuế của dân.
Cảnh nhiễu nhương như vậy, nói theo lời blogger Nguyễn Thế Thịnh, người dân biết hết, chẳng qua họ không được nói, không có điều kiện nói. Vì vậy cách giải thích đầy nguỵ biện của các quan chỉ làm cho xã hội bức xúc thêm khi xã hội vốn đã có quá nhiều bức xúc rồi.
Thưa qúy vị, nhắc tới các quan làm cho xã hội thêm bức xúc, blogger Huỳnh Ngọc Chênh có bài “ Nói với đại quan gia văn hóa lùn”, lưu ý rằng ở VN hiện nay, “một khi đã là đại quan thì nghiễm nhiên trở thành đại gia”.  Riêng các “xếp” ở cấc tập đoàn nhà nước thì trong điều kiện “đại quan và đại gia tuy hai mà là một”, tức vừa là đại gia vừa là đại quan. Còn các đại gia thuần tuý, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, một khi nổi hứng muốn làm đại quan cũng dễ thôi vì người ta thường nói “có tiền mua tiên cũng được”. Và 2 thành phần này trong nước hiện nay, tác giả nhận thấy, “đang trở thành đồng minh của nhau, đang gắn bó với nhau về nhiều thứ và phần lớn họ tương đồng với nhau ở một điểm: Bằng cấp trưng ra rất cao nhưng văn hóa thì rất lùn”. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh lưu ý rằng các đại gia “lùn văn hoá”  cũng không thua kém các đại quan trong cách trưng bày, tiêu thụ các sản phẩm khiến nhiều loài thú hiếm quý cùng các loại danh mộc – hay nói cách khác -  cả núi rừng - bị huỷ diệt. Tác giả cho biết:

unoi83.jpg

Ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Hàng hải, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines đã phê duyệt vụ mua sắm ụ nổi 83M, ảnh chụp trước đây. File photo.
Các quan chức của ta từ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp bộ trở lên hầu như đều được thuộc cấp hoặc các đại gia biếu tặng quà cáp. Trong các loại quà ấy thì bím hổ, cao hổ, ngà voi, sừng tê, cây cổ thụ và vô số những sản phẩm làm ra từ thú quý hiếm sẽ được đón nhận và sử dụng vô tư. Vào các nhà đại quan và đại gia thiếu văn hóa thường không thiếu những thứ được khoe ra một cách hãnh diện làm khó chịu những vị khách có chút hiểu biết. Nào bộ đồ gỗ khủng làm từ các gốc cây cổ thụ mà phải đào tan nát hết một khu rừng già mới mang về được một gốc. Nào cái đi văng làm từ một tấm gỗ duy nhất mà để có nó phải hạ một cây cổ thụ gần ngàn năm tuổi có chu vi phải trên 10 người ôm. Nào bộ ngà voi, nào đầu bò tót, nào cọp nhồi bông…khoe ra khắp mọi nơi. Rồi đồ bổ dưỡng là các bình rượu ngâm bín cọp, cao cọp, tay gấu, mật bò tót, rắn hổ mang chúa, bào thai khỉ, bào thai cọp, bào thai hươu, sừng tê giác…trưng bày đầy trên các kệ rượu một cách hãnh tiến. Ngoài vườn thì trồng những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi chỉ có thể bứng trộm từ rừng già.
Như vậy các đại quan kiêm đại gia đang sở hữu nguồn tài sản ăn bao giờ mới hết, vẫn cứ giàu lên bất thường dù Hội nghị Trung ương 5 mới đây phán quyết từ nay Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính Trị. Qua bài “Phản pháo”, blogger Bùi Văn Bồng kể lại rằng:
Tôi có một người quen. Chỉ là dừng lại ở quen thôi, không thân nổi. Khi anh ta nghỉ hưu được hơn hai năm, tôi hỏi: “Này, khi đó ông đương chức đương quyền, ông biết rất rõ sai phạm của ông X. Tham nhũng mười mươi ra đó, sao ông không phê bình?”. Ông cán bộ hưu trí ấy đã trả lời rất tỉnh queo: “Chỗ trung thực và tin cẩn như ông, tôi nói thật, mình cũng có sai, thằng cha X. cũng biết cái sai của mình, nếu như phê nó, nó sẽ phản pháo, cả hai cùng “chết”. Cho nên, tốt hơn hết là “án binh bất động”, nó sai hơn mình nhiều lắm, nhưng đụng đến nó, nó phản pháo, làm sao mà hạ cánh an toàn được!”.
Hành động nhiễu nhương ngày càng đáng ngại của đại quan gia hẳn không phải vì dân, khiến blogger Nguyễn Thế Thịnh trích dẫn lời Khổng Tử rằng “ Dân nâng thuyền, dân có thể lật thuyền? Dân không định lật thuyền nhưng tự mỗi ông trong các ông đã đục một lổ thủng dưới đáy thuyền đang chở chính mình”.
Tạp chí Điểm Blog xin tạm dừng ở đây. Thanh Quang cảm ơn quý vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét