Trang

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Cuối năm nay Đài Loan sẽ đưa tàu thăm dò dầu khí ra khu vực Trường Sa


Thứ năm 07/06/2012 05:38

(GDVN) - Tân Hoa Xã định qua thông tin này và cách đặt vấn đề mang tính chất khích tướng giới chức Đài Loan để họ bắt tay với Bắc Kinh về vấn đề biển Đông - Trường Sa.
Trong khi biển Đông đã trở thành một trong những chủ đề chính của đối thoại an ninh Shangri-La vừa diễn ra tại Singapore từ 1/6 đến 3/6 và Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt, giới truyền thông Bắc Kinh vẫn không ngừng hy vọng muốn bắt tay hợp tác với Đài Loan trên biển Đông.

Mặc dù rất quan tâm tới các chủ đề thảo luận tại đối thoại Shangri-La và mong muốn phát biểu, nhưng ông Vương Cao Thành và học giả Đài Loan không có cơ hội, chỉ có thể trao đổi bên lề, "gặp chui" các phái đoàn khác, đặc biệt là Mỹ
Tham dự đối thoại Shangri-La năm nay phía Đài Loan do ông Vương Cao Thành, Giám đốc sở Nghiên cứu chiến lược thuộc đại học Đạm Giang dẫn đầu. Trong bối cảnh Mỹ quan tâm đặc biệt đến vấn đề biển Đông, học giả trưởng đoàn Đài Loan đã phải lên tiếng khẳng định: Đài Loan “tạm thời” không thể hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

“Nếu như chúng ta (Đài Loan) nghiêng về phía Trung Quốc trong vấn đề biển Nam Hải (biển Đông) mà khiến các nước khác hoài nghi, thì điều đó không phải phương hướng chính trị mà (chính quyền) Đài Loan hy vọng”, ông Vương Cao Thành cho biết.

Việc tham dự đối thoại Shangri-La và cử ông Thành làm trưởng đoàn do Ủy ban Nghiên cứu – kế hoạch thuộc “Bộ Ngoại giao” Đài Loan sắp xếp. 

Tuy nhiên, Phó cục trưởng cục Tin tức – văn hóa Đài Loan, Hạ Quý Xương từ chối tiết lộ thông tin, quan chức Đài Loan có ai tham gia đoàn Đài Loan dự đối thoại Shangri-La hay không.

Phó cục trưởng cục Tin tức - văn hóa thuộc "Bộ Ngoại giao" Đài Loan, Hạ Quý Xương nửa kín nửa hở nói về hoạt động tham dự đối thoại Shangri-La năm nay của đoàn Đài Loan

Trong các kỳ diễn đàn đối thoại an ninh Shangri-La, một diễn đàn không bắt buộc nhưng lại quy tụ được rất nhiều tướng lĩnh quân đội, học giả, báo giới các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ quan tâm, Đài Loan đều cử đoàn tham dự, thông thường là một nhóm học giả.

Tuy nhiên, cũng đã có lần Đài Loan cử quan chức đi cùng tham dự đối thoại Shangri-La, nhưng không công khai nhằm tránh những phản ứng hoặc ngăn cản từ phía Bắc Kinh, điển hình như cựu Cục trưởng cục An ninh quốc gia Thái Triêu Minh và Ủy viên Ủy ban Cố vấn an ninh quốc gia Dương Vĩnh Minh đã từng tham dự.

Đoàn học giả Đài Loan dự Shangri-La lần này gồm Lưu Phục Quốc – chuyên viên cấp cao sở Nghiên cứu Âu – Mỹ thuộc khoa Quan hệ quốc tế đại học Chính trị Đài Loan, Đinh Thụ Phạm – chuyên viên cấp cao Sở nghiên cứu Chính trị Trung Quốc và ông Vương Cao Thành đến từ đại học Đạm Giang.

Trong khi phái đoàn Trung Quốc dự đối thoại Shangri-La do trung tướng Nhiệm Hải Tuyền ngồi đàng hoàng, chễm trệ giữa hội trường thì 3 học giả Đài Loan phải tìm cho mình một góc nào đó và không được lên tiếng chính thức, từ trái qua: Vương Cao Thành, Lưu Phục Quốc và Đinh Thụ Phạm, đều là những học giả hàng đầu Đài Loan về vấn đề biển Đông, an ninh

Giới học giả Đài Loan cho hay, những thành viên đoàn Đài Loan dự đối thoại Shangri-La từ trước tới nay chưa bao giờ được ban tổ chức cho họ phát biểu về chính sách quốc phòng của Đài Loan, cũng không có cơ hội đọc diễn văn, tham luận tại diễn đàn này do phía Trung Quốc tìm mọi cách ngăn cản.

Tuy nhiên, những học giả Đài Loan đã tìm ra cách để truyền tải thông điệp của mình về những vấn đề an ninh cùng quan tâm khi trực tiếp giao lưu, gặp gỡ các đoàn đại biểu nước khác dự đối thoại an ninh Shangri-La, đặc biệt là với phái đoàn quân sự Mỹ.

Hoàng Giới Chính, một học giả Đài Loan cho hay, Mỹ đặc biệt quan tâm tới xu hướng chính sách đối với biển Đông (hiện Đài Loan đang chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình và một số đảo/đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam – PV), nhất là có hay không khả năng bắt tay giữa Đài Loan với Bắc Kinh về vấn đề này.

Đại diện ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ thường trú tại Đài Loan, William A. Stanton (tương đương Đại sứ) gặp gỡ nhà lãnh đạo Đài Loan vừa tái đắc cử, ông Mã Anh Cửu. Sự hiện diện của ông William A. Stanton và AIT - cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ tại Đài Loan cho thấy Washington đang nắm rất chắc vị trí, ảnh hưởng của mình ở eo biển này

Vấn đề hợp tác hai bờ eo biển Đài Loan trong việc “bảo vệ” cái gọi là “chủ quyền” của người Hoa trên biển Đông đã được rất nhiều học giả, giới phân tích Bắc Kinh đề xuất, đồng thời nhận được sự hưởng ứng của một bộ phận học giả, cựu tướng lĩnh Đài Loan, nhất là từ khi ông Mã Anh Cửu thuộc Quốc dân đảng được bầu làm người lãnh đạo tối cao tại Đài Loan từ tháng 5/2008.

Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan được cải thiện đáng kể trong nhiệm kỳ vừa qua của ông Mã Anh Cửu, chính sách của Quốc dân đảng cầm quyền tại Đài Loan được cho rằng thân Trung Quốc và sẽ tiếp tục được duy trì trong nhiệm kỳ mới kéo dài 4 năm, khi ông Cửu vừa tái đắc cử và nhậm chức hôm 20/5 vừa qua.

Hứa Lịch Nông, thượng tướng, cựu Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - tác chiến quân đội Đài Loan dẫn đầu phái đoàn 20 viên tướng nghỉ hưu của Đài Loan thăm Trung Quốc ngày 6/4/2010 nhằm thúc đẩy hai bờ eo biển Đài Loan xây dựng cơ chế tin cậy lấn nhau về quân sự, trong đó có tham vọng bắt tay hợp tác trên biển Đông

Đặc biệt, trong một bài phỏng vấn Lâm Úc Phương – nghị sĩ Đài Loan đã cùng 2 nghị sĩ khác ra thị sát trái phép đảo Ba Bình (thuộc chủ quyền Việt Nam, Đài Loan chiếm đóng trái phép - PV) hôm 30/4 vừa qua, Tân Hoa Xã đã một mặt ngụy tạo thông tin, một mặt thăm dò khả năng hợp tác giữa hai bờ eo biển Đài Loan về vấn đề biển Đông nhưng bị bác bỏ.

Bài phỏng vấn này được Tân Hoa Xã đăng tải ngày 31/5 trên chuyên trang Herald, chuyên phân tích các vấn đề quân sự, tranh chấp chủ quyền lãnh hải, phóng viên Tân Hoa Xã cho Lâm Úc Phương biết: Có nguồn tin cho hay, tháng 3 năm nay tàu chiến Hải quân Việt Nam đã có cuộc đụng dộ với Đài Loan trên vùng biển gần đảo Ba Bình, thậm chí khiến cho quân Đài Loan “sợ phát khóc”!?

Thông tin từ Tân Hoa Xã được đưa ra với dụng ý xấu, một mặt ngầm bịa đặt, bôi nhọ uy tín của Việt Nam với công luận vì Việt Nam xưa nay trước sau như một luôn tuân thủ nguyên tắc giải quyết tranh chấp qua đàm phán hòa bình và không làm phức tạp thêm tình hình.

Nghị sĩ Quốc dân đảng Lâm Úc Phương, người theo đuổi chủ trương tăng cường thực lực quân sự Đài Loan chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình được Tân Hoa Xã lựa chọn phỏng vấn

Mặt khác, Tân Hoa Xã định qua thông tin này và cách đặt vấn đề mang tính chất khích tướng giới chức Đài Loan để họ bắt tay với Bắc Kinh về vấn đề biển Đông - Trường Sa thì Đài Loan mới mong khỏi bị Hải quân Việt Nam “dọa cho phát khóc”!?

Tuy nhiên, cả hai mục đích này của Tân Hoa Xã đều nhận được phản ứng hoàn toàn trái ngược với mong muốn ban đầu khi Lâm Úc Phương phủ nhận thông tin nói trên, không có đụng độ nào giữa Hải quân Việt Nam với lực lượng quân sự Đài Loan đồn trú trái phép trên đảo Ba Bình.

Đồng thời, Lâm Úc Phương cũng bác bỏ khả năng bắt tay hợp tác giữa Bắc Kinh với Đài Loan trong vấn đề biển Đông, “hiện nay hợp tác hai bờ (về vấn đề biển Đông) sẽ khiến các nước khác nghi ngại”, ông Phương nhận định, “tôi cho rằng với vấn đề biển Nam Hải (biển Đông), hai bờ cần có cái nhìn chiến lược dài hạn, việc hợp tác giữa hai bờ thời gian này không có lợi đối với cả đại lục và Đài Loan.”

Viện trưởng viện Hành chính Đài Loan, ông Ngô Đôn Nghĩa ngày 1/6 trả lời phỏng vấn cho hay, hai bờ eo biển Đài Loan có thể hợp tác về vấn đề biển Đông, nhưng đó là thì tương lai

Cái mà hai bờ eo biển Đài Loan có thể hợp tác trên biển Đông lúc này, theo ông Lâm Úc Phương là “im lặng” và tàu Trung Quốc không đi vào vùng cảnh giới bán kính 6 km xung quanh đảo Ba Bình do phía Đài Loan vạch ra (phi lý, phi pháp – PV).

Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn này Lâm Úc Phương hé lộ một thông tin quan trọng, cuối năm nay sẽ phái tàu thăm dò ra biển Đông để thăm dò dầu khí, nếu phát hiện mỏ dầu có thể khai thác, Đài Loan sẽ vào cuộc.

Tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của VN-pv) có 5 nước, 6 bên, bao gồm Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và 1 bên chưa bao giờ được ngồi vào bàn đàm phán, đó là đảo Đài Loan.

Dự án Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, đặc biệt là chiến đấu cơ F-16C/D luôn luôn vấp phải sự phản đối của Trung Quốc. Mặc dù quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đã được cải thiện, nhưng vẫn có cả ngàn quả tên lửa Trung Quốc hướng về đảo Đài Loan, sự tin cậy về mặt quân sự giữa hai bờ thời điểm này là không thực tế

Có thể thấy rằng, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đã được cải thiện rõ rệt, chuyển từ đối đầu sang đối thoại sau khi Quốc dân đảng với chính sách thân Bắc Kinh lên nắm quyền.

Nhưng trong buổi trả lời báo chí hôm 1/6, Viện trưởng viện Hành chính Đài Loan, ông Ngô Đôn Nghĩa cho hay, hai bờ eo biển Đài Loan có thể hợp tác về vấn đề biển Đông, nhưng đó là thì tương lai

Tuy nhiên không thể phủ nhận một thực tế, Mỹ vẫn kiểm soát được sự hiện diện và ảnh hưởng của mình tại eo biển Đài Loan và Đài Loan vẫn là một trong những hòn đá tảng ngăn cản quan hệ hợp tác Mỹ  - Trung Quốc.

Sân bay quân sự trên đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Đài Loan chiếm đóng và xây dựng trái phép

Do đó, dù Bắc Kinh có nỗ lực cách mấy thì việc bắt tay với Đài Loan để có hành động nào đó trên biển Đông, Trường Sa trong giai đoạn hiện nay là điều khó có thể xảy ra. 

Mặt khác, Bắc Kinh ngăn cản sự tham dự của Đài Loan vào tiến trình đàm phán giải quyết tranh chấp biển Đông sẽ càng khiến Đài Loan bị dồn vào thế bị động, khó có thể làm được gì hơn ngoài việc giữ nguyên hiện trạng.


http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/%E2%80%8BCuoi-nam-nay-Dai-Loan-se-dua-ta%E2%80%8Bu-tham-do-dau-khi-ra-khu-vuc-T%E2%80%8Bruong-Sa/174863.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét