Trang

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Việt Nam

Hồng Nga

Cập nhật: 18:00 GMT - thứ bảy, 2 tháng 6, 2012
Cảng Cam Ranh
Ông Leon Panetta bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam bằng cuộc thăm kéo dài bốn tiếng đồng hồ ở cảng Cam Ranh.
Các quan chức xác nhận ông Panetta sẽ hạ cánh xuống Cam Ranh vào sáng Chủ nhật 3/6, ngay sau khi rời diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Ông là bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đầu tiên đặt chân tới khu vực chiến lược mà quân đội Mỹ đã từng sử dụng kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975.
Cũng bởi vì vậy, mà chuyến thăm dự tính kéo dài ba giờ 50 phút của ông Panetta được cho là mang tính biểu tượng cao, đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù.
Trong bối cảnh căng thẳng chủ quyền biển gia tăng trong khu vực, Hà Nội chắc sẽ phải tìm cách giải thích với bên ngoài, đặc biệt là Bắc Kinh, rằng các hoạt động thân thiện với Hoa Kỳ không nhằm đối phó và chế ngự bất cứ quốc gia nào.
Trung Quốc đã nhiều lần đánh tiếng cảnh báo, nhưng như giới quan sát nhận định, các động thái ngày càng hung hăng của nước này tại Biển Đông sẽ chỉ càng đẩy các quốc gia xung quanh như Việt Nam và Philippines xích lại gần hơn với Mỹ.

Nhà máy X52

Được biết tại Cam Ranh ông Panetta sẽ đến thị sát tàu USNS Richard E Byrd, một tàu tiếp vận của hải quân Hoa Kỳ, hiện đang được bảo trì tại đây.
Không hiểu có trùng hợp hay không, nhưng chỉ ba hôm trước truyền thông Việt Nam đưa tin Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân vừa khởi công xây dựng Nhà máy X52 - "nhà máy sửa chữa tàu biển lớn nhất từ trước tới nay của Quân đội Nhân dân Việt Nam".
Bộ trưởng Leon Panetta
Bộ trưởng Leon Panetta nói Mỹ không đặt mục tiêu đối chọi với Trung Quốc
Nhà máy này được nói có nhiệm vụ sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật tàu chiến của Hải quân Việt Nam, tàu thuyền quân sự hoạt động tại khu vực biển miền Trung, Trường Sa, các nhà giàn ngoài khơi. Nhà máy X52 còn có thể cung cấp dịch vụ sửa chữa tàu thuyền quân sự và dân sự của nước ngoài.
Một thời gian nay, Việt Nam đã tuyên bố sẽ cho phép hải quân nước ngoài vào sử dụng dịch vụ ở cảng Cam Ranh, Khánh Hòa. Năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói "Việt Nam sẽ sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân tất cả các nước, kể cả tàu ngầm".
Chuyến cập cảng của USNS Richard E Byrd là lần thứ năm tàu hải quân Mỹ được tu trì, bảo dưỡng tại Cam Ranh kể từ 2010. Bản thân tàu này đã cập cảng Việt Nam sửa chữa nhỏ ba lần.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng trích nguồn Bộ Tư lệnh Hải vận quân đội Hoa Kỳ nói tới nay Mỹ đã trả Việt Nam 1,8 triệu đôla tiền sửa chữa tàu của họ.
Báo Tuổi Trẻ tuần trước dẫn lời một quan chức cảng vụ Nha Trang nói hoạt động này sẽ thành thông lệ và "sắp tới cứ 2-3 tháng thì có một tàu của hải quân Hoa Kỳ vào sửa chữa ở cảng Cam Ranh".
Các cặp mắt của giới quân sự ở Bắc Kinh chắc chắn đang theo dõi hành trình của ông Leon Panetta một cách kỹ càng.

Không đối chọi Trung Quốc

Hoa Kỳ đã không tiếc lời khẳng định nhiều lần, rằng các hoạt động của họ, ngay cả việc chuyển dịch trọng tâm hướng về khu vực châu Á-Thái Bình Dương "không nhằm vào Trung Quốc".
Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La, từ Bộ trưởng Panetta tới các tướng lĩnh, sỹ quan và các nghị sỹ tháp tùng đều chung một giọng khi nói về Trung Quốc.
Trong bài tham luận quan trọng sáng 2/6, ông Panetta nói cả Trung Quốc và Mỹ "đều hiểu các khác biệt giữa hai bên, đều hiểu các xung khắc mà chúng ta có, và cũng đều hiểu rằng không có lựa chọn nào khác là chúng ta phải chung tay cải thiện liên lạc và quan hệ giữa chúng ta".
Lẽ dĩ nhiên, giới quân sự ở Bắc Kinh diễn dịch các hoạt động của Hoa Kỳ và Việt Nam như thế nào thì lại là chuyện khác.
Lịch trình của Bộ trưởng Leon Panetta tới Việt Nam chỉ kéo dài tới sáng thứ Ba 5/6.
Sau lễ đón chính thức vào sáng thứ Hai, ông Panetta sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và vào buổi chiều cùng ngày sẽ tới chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét