Trang

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Bộ áo vét can trường-Lê Văn Sơn

 Hôm ấy đúng ngày xử phúc thẩm anh Cù Huy Hà Vũ, đường vào toà bị chặn hết. Loay hoay tìm đường vào thì nghe Sơn gọi điện.

- Anh ơi, ông chủ nhà trọ gọi em về để dọn đồ, anh về với em.

Mình chửi.

- Đm việc đéo phải về bây giờ, nó không dám vất đồ mày ra đường đâu, chậm một hai hôm đã chết ai.

Sơn ngần ngừ.

- Nhưng ông ý gọi về gấp lắm, em nghĩ có chuyện gì anh ạ.

Mình lại chửi.

- Mày làm đéo gì mà có chuyện, mà nếu mày làm gì thì kệ con mẹ cái đống đồ đạc, vất mẹ nó đi, thân không lo lại đi lo đồ.


Nhà báo tự do Paulus Lê Văn Sơn

Khổ thân Sơn, nó quý mình, nhưng cứ động tí là mình chửi mắng nó. Mỗi lần mình chửi là nó chỉ cười xoà, nhăn nhở không hề cãi lại. Lần nhà Trịnh Kim Tiến căng băng rôn ra đường lần đầu tiên, lúc đó mình cũng không biết Kim Tiến. Thấy có việc thì mò đến, đủ các loại thành phần đứng quanh.

Mình ngang nhiên rẽ đám đông vào chụp ảnh liên hồi tự nhiên như không. Cảnh sát, an ninh, công an và người nhà của Tiến ngỡ ngàng nhìn mình tay năm tay mười chụp nhoay nhoáy, xong mình khoác máy đi thẳng. Có một người thanh niên đến cạnh hỏi mình- anh ở báo nào- mình hất hàm- báo nào tí đọc thì biết. Bỗng Sơn ở đâu thò vào thì thầm- anh ơi, thằng đó là an ninh.

Mình lôi Sơn ra ngoài chửi nó té tát, đm mày ngu thế, an ninh quận, phường nó biết tao là đéo ai. Tự nhiên mày nói thế chúng nó nghe thấy, nó đang tưởng tao báo nào nó không dám ngăn.Giờ tao muốn chụp nữa cũng đéo được.

Mình đi về nhà, ức lắm. Y rằng vừa đến nhà mươi phút thì an ninh thành phố gọi điện, mình bảo đang ở xa. Vừa nói thế thấy an ninh ngay cửa nhà, đành phải tiếp. Lại nghe một hồi giáo dục về chuyện vụ ông Tùng chủ trương của TP là làm nghiêm, đúng pháp luật, đề nghị mình không làm phức tạp tình hình.

Quay lại hôm Sơn nói về việc chuyển nhà, tối Sơn gọi điện nói. Anh ơi em lo lắm, không biết có gì mà lão chủ nhà bắt em về bằng được.


Mình lại chửi:

- Đm thế mày làm cái gì mà mày phải lo, mày viết mấy cái bài trên blog thì lo đéo gì, tao còn không lo huống chi là mày. Bắt vì tội viết blog thì sợ đéo gì.

Sơn ầm ừ, có lẽ nó định nói gì đó với mình nhưng qua điện thoại không tiện, Sơn bảo em muốn gặp anh. Nhưng lúc đó muộn rồi, mình bảo mai gặp. Lúc đó mình chỉ đinh ninh nó viết blog, và chuyện ở Thái Hà đang căng, có lẽ rắc rối ở chỗ đó, mà ở chuyện như thế thì không có gì nghiêm trọng lắm.

Gần trưa hôm sau, Sơn gọi điện, mình nghe tiếng trong máy loáng thoáng tiếng Sơn, các ông định làm gì tôi.. tiếng xô đẩy, rồi điện thoại tắt. Mình phi vội xuống chỗ Sơn, đến nơi nghe tin nó bị sáu, bảy người bắt đi rồi.

Sau này xem lệnh bắt, mới biết là nó bị quy tội tham gia đảng Việt Tân, phạm điều 79, hoạt động lật đổ chế độ.

Ngỡ ngàng.


Thực hay hư thì cũng nghe lệnh nói thế chưa biết rõ. Mỗi người có lối đi khác nhau, đúng sai còn là chuyện sau này. Mình giận nó là sao nó không tin tưởng mà kể cho mình những gì nó làm. Nhưng sau nghĩ cũng tại mình, vì nó định ấp úng gì là bị mình chửi té tát.

Mình luôn nghĩ nó là trẻ con. Bởi thế mới hay chửi mắng nó. Nhưng đến hôm nay thì mình cảm phục Lê Văn Sơn thực sự.

Sau gần 1 năm bị giam giữ tại B14, không hề nghe tin tức gì bên ngoài, gần 1 năm trời trong chốn lao tù, chỉ đối diện với những người bắt mình. Chàng thư sinh gầy gò, đôi mắt sáng, chưa từng trải sóng gió, kham khổ cuộc đời ấy, tưởng chừng phải sợ hãi, khiếp nhược là điều tất nhiên.

Chắc ai cũng nhớ những con người tên tuổi lẫy lừng như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung... sau vài ngày bị giam giữ đã ăn năn, hối cải, xin nhà cầm quyền mở lượng khoan hồng thế nào, thì việc cậu thư sinh quê mùa, gày gò không có vai vế, tên tuổi như Sơn nếu có bạc nhược, khiếp hãi thì không có gì ngạc nhiên.

Mới đây Lê Văn Sơn được gặp gia đình, gặp cậu của mình thôi, nhà Sơn chỉ có hai mẹ con, mẹ Sơn thì như mọi người biết, vừa mất tháng trước. Trong cuộc gặp ngắn ngủi ấy, dưới sự giám sát của an ninh, không có chuyện để nói nhiều. Sơn dặn cậu mình gửi cho Sơn bộ áo vét, cà vạt, giầy.

Có lẽ không ai thấy đề nghị của Sơn có gì đáng nói.

Nhưng mình nghe xong, chỉ từng ấy thôi, mình lặng người thương phục Lê Văn Sơn.

Lúc ở B14, ông Nghĩa có dặn mình về nhắn nhà gửi cho ông đôi giày để ông ra toà đàng hoàng. Lúc xử anh Vũ, nhìn anh hiên ngang trong bộ áo vét ra toà. Nếu ai cảm nhận được điều đó thì mới hiểu Lê Văn Sơn dặn nhà mang bộ áo vét gửi cho mình làm gì.

Có thể chúng ta nhìn lại Lê Văn Sơn sau nhiều ngày cách biệt, tại phiên toà, Lê Văn Sơn không được diện áo vét, không có cà vạt, giày ...vì người ta.

Nhưng ước muốn có được bộ áo vét, sơ mi, cà vạt để ra toà không hề tầm thường chút nào. Nó thể hiện sự đấu tranh can trường đến tận phút chót của chàng thư sinh Lê Văn Sơn. Khi nghe kể Sơn dặn cậu gửi cho bộ áo vét, mình nghe lặng người tê tái. Điều đó có nghĩa Sơn đã can trường suốt gần một năm qua. Quãng thời gian mà dư luận đã chuyển hướng quan tâm sang nhiều chuyện khác, thì Lê Văn Sơn một mình âm thầm kiến cường không cúi đầu khuất phục trước bao giông tố triền miên, giữa bao nhiêu thủ đoạn mà người nào đã trải qua mới hiểu được.

Thật cảm động và cảm phục Lê Văn Sơn

© Người Buôn Gió
Theo blog Người Buôn Gió

1 nhận xét:

  1. Tôi bị bắt cùng Lê Sơn trong ngày 4.4.2011.
    Tôi thấy Lê Sơn là người sáng sủa, thư sinh nhưng ngoan cường lắm!

    Trả lờiXóa