Trang

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Ý nghĩa chiến thắng lớn của phe dân chủ đối lập tại Miến Điện.

Đỗ Hiếu, RFA
2012-04-03
Lần đầu tiên trong vòng nửa thế kỷ qua, Miến Điện mới có một cuộc đầu phiếu được xem là công bằng, diễn ra hôm 1 tháng tư vừa qua. Phe chính trị của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn trong cuộc bầu cử bổ sung vào quốc hội, mang lại nhiều hy vọng cho người dân xứ này, từng rên xiết dưới ách độc tài quân phiệt của một nhóm tướng lãnh tham quyền cố vị.
AFP photo
Bà Aung San Suu Kyi trong ngày bầu cử đến thăm đơn vị bầu cử Kawhmu nơi bà ứng cử

Tuy kết quả chính thức chưa được công bố, Liên Đoàn Tòan Quốc Vì Dân Chủ, gọi tắt là NLD,  do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo loan báo đã giành được 43 trên tổng số 44 ghế đại biểu dự tranh.
Hầu hết người dân Miến Điện tỏ ra tin tưởng cuộc bầu cử này sẽ giúp đất nước họ thoát khỏi tình trạng bị cô lập, bị cấm vận và sớm tái lập dân chủ theo quyết tâm và cam kết của chánh quyền dân chính được thành lập năm rồi.
Các quan sát viên quốc tế đến từ hiệp hội ASEAN, EU cùng các quốc gia đối tác đều công nhận đây là một cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch.   
Bà Aung San Suu Kyi với các uỷ viên hội đồng bầu cử- AFP photo
Bà Aung San Suu Kyi với các uỷ viên hội đồng bầu cử- AFP photo

Dịp này, ông Surin Pitsuwan cũng cho rằng cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ. Ông tuyên bố đây là dấu hiệu chứng tỏ thiện chí của Miến Điện muốn hội nhập với cộng đồng thế giới, để tiến tới quyết định tháo gỡ cấm vận mà các quốc gia Tây Phương áp dụng bấy lâu nay.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố là Washington hoan nghênh và ủng hộ nỗ lực cải cách dân chủ tại Miến Điện.
heo các phóng viên quốc tế có mặt tại chỗ thì từ sáng sớm chủ nhật vừa qua, người dân Miến Điện đã ồ ạt lên đường hướng đến các địa điểm đầu phiếu mở cửa từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc 4 giờ chiều. Số liệu sơ khởi cho biết kỳ này có trên sáu triệu cử tri đi bầu quốc hội bổ sung.
Chiều chủ nhật,  Liên Đoàn Tòan Quốc Đấu Tranh Vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo tuyên bố giành chiến thắng.
Những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD reo hò vang dội bên ngoài trụ sở đảng này ở Yangon:
Qua nhiều bài báo, giới truyền thông quốc tế ngợi khen chiến thắng lịch sử của người dân Miến Điện, cho đó là điềm lành cho cải cách dân chủ, một kỷ nguyên mới cho Miến Điện, vì lá phiếu là nguồn hy vọng cho mọi người.
Từng là tù nhân lương tâm bị chế độ quân nhân Yangon quản chế một phần lớn thời gian trong hơn 22 năm qua, nay là chính khách đối lập sắp trở thành đại biểu quốc hội, chuẩn bị hướng đến cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2015, bà Aung San Suu Kyi nhấn mạnh, qua cuộc tiếp xúc với báo chí tối chủ nhật vừa qua:
“Người dân Miến Điện hăng hái tham gia vào cuộc bầu cử vì đó là tiến trình tất yếu dẫn đến một chế độ dân chủ, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng đây là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, đặt nặng vai trò của người dân cả nước trong sinh hoạt chính trị của đất nước. Chúng tôi kêu gọi mọi người dân, mọi đảng phái nên tích cực tham gia vào cuộc diện chung hầu sớm đem hòa bình và thịnh vượng cho xứ sở Miến Điện và tiến tới hòa giải dân tộc.” 
Nhìn Miến Điện, người Việt không khỏi liên tưởng tới Việt Nam. Qua câu chuyện với phóng viên RFA, ông Đại Dương, nhà bình luận thời cuộc trên các diễn đàn Việt Ngữ, cho rằng Hà Nội nắm rõ những thông tin về việc Miến Điện tổ chức bầu cử tự do hay các khối đối lập lên cầm quyền tại Đông Âu hoặc Bắc Phi, nhưng những thay đổi đó không thể đến với Việt Nam:
Có thể nói đây là ‘chuyện trời long, đất lở’, nhưng tại Việt Nam vẫn bình thản vì chưa có một thế lực đủ mạnh. Trước đây tại Đông Âu có Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, rồi tới ông Havel ở Tiệp Khắc, nhờ họ có lực lượng hùng hậu ngoài sau, là sức mạnh của quần chúng. Sức mạnh này cũng thể hiện trong cuộc Cách mạng Hoa Lài tại thế giới Ả Rập. 

Lãnh tụ Aung San Suu Kyi ký đơn tranh cử- AFP photo

Lãnh tụ Aung San Suu Kyi ký đơn tranh cử- AFP photo
Phần bà Aung San Suu Kyi thì họ có một sức mạnh rất lớn, một tập hợp quần chúng đông đảo, do đó chánh quyền hiện nay, vì muốn hợp thức hóa chính thể của họ, từng bị thế giới chê trách, nếu bà Aung San Suu Kyi tham gia hoạt động chính trị, công luận sẽ đánh giá chánh quyền hiện hữu là hợp pháp, đó là một áp lực. 
Bây giờ, bà Suu Kyi , với vai trò lập pháp của mình có thể đưa ra sự thay đổi, có thể bàn cải trực tiếp, có điều kiện buộc nhà cầm quyền Miến Điện ngồi lại để làm sao cải tổ dân chủ.”  Muốn làn gió dân chủ đến với Việt Nam thì cần phải có hòan cảnh, điều kiện gì, ông Đại Dương phân tích:
“Hy vọng còn xa vời, dù ai nấy đều mong mỏi đất nước mình phải thay đổi, Miến Điện làm được, tại sao Việt Nam không làm được, phải chăng vì tiếng nói đối lập chưa kết hợp được thành một lực lượng, gây tin tưởng, vận động được những cuộc biểu tình, đình công rộng lớn, thì lúc đó, mới nhìn thấy được cái ‘ánh sáng cuối đường hầm’. 
Trở lại với Miến Điện, theo hãng tin AFP thì việc chuyển đổi từ một tù nhân chính trị sang vai trò đại biểu quốc hội của bà Aung San Suu Kyi sẽ không mấy dễ dàng, thuận lợi, cho dù bà được người dân Miến Điện tin cậy, yêu mến, chế độ cầm quyền nể nang và công luận thế giới thán phục.
Trước đây, bà từng nhiệt liệt ủng hộ lệnh cấm vận cùng các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với chế độ cầm quyền quân nhân, nay bà sắp nhận lãnh vai trò hợp tác, xây dựng hầu mang lại cơm áo cho dân nghèo, chiếm đa số tại đất nước này, ngoài ra còn bao nhiêu công việc khác trước mắt như khuyến khích đầu tư, nâng cấp khoa học, kỹ thuật, phát triển kinh tế, mà bà không phải là một chuyên gia.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, phụ trách môn khoa học chính trị tại viện đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận định rằng, không một chế độ dân chủ nào được tạo dựng xung quanh một cá nhân, vì thế tương lai đất nước này nằm trong tay giới trẻ.
Về phần đại sứ Australia tại Rangoon, ông Trevor Wilson thì bà Aung San Suu Kyi không thể hành xử trong vai trò một “nhà cách mạng” mà cần phải “biết người, biết ta”.
Ông Go Khehtay, một cử tri bỏ phiếu cho bà, ở một ngôi làng vùng thôn quê nghèo khó Wah Thin Kha, nói với báo chí hiện giờ thì bà chưa có thể làm điều gì như mong muốn, nhưng ông tin tưởng vững chắc rằng một ngày nào đó bà sẽ làm thay đổi hòan toàn đất nước Miến Điện.
Bà Aung San Suu Kyi được đón chào nồng nhiệt sau khi được tự do- RFA screenshot
Bà Aung San Suu Kyi được đón chào nồng nhiệt sau khi được tự do- RFA screenshot

Tưởng cũng nên nhắc lại là Liên Đoàn Tòan Quốc Vì Dân Chủ Miến Điện đã thắng cử vẻ vang trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm 1990, nhưng giới tướng lãnh không công nhận kết quả, không chịu nhượng quyền quản lý đất nước, vì thế những người trúng cử thuộc phe đối lập không được vào quốc hội.
Bà Aung San Suu Kyi năm nay 66 tuổi, tốt nghiệp đại học Oxford, Anh Quốc năm 1988. Bà tham gia chính trường với tư cách con gái của tướng Aung San, vị anh hùng dân tộc có công trong cuộc giành độc lập dân tộc. 
Bà nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của người dân Miến Điện nên đứng ra thành lập đảng NLD. Bà bị chánh quyền quân nhân giam lỏng từ giữa năm 1989 trước cả cuộc tuyển cử mà Liên đoàn Dân chủ do bà lãnh đạo chiến thắng áp đảo. 
Từ đó bà bị nhóm quân phiệt cầm giữ tại nhà tổng cộng tới 15 năm trong thời gian gần 23 năm qua. Bà Aung San Suu Kyi được trao tặng giải Nobel hòa bình năm 1991. Bà từ chối ra khỏi nước để sum họp với chồng con bên Anh, ngay cả lúc phu quân từ trần, vì bà hiểu rằng nhóm quân phiệt sẽ không cho bà trở về đấu tranh để Miến Điện có được ngày hôm nay, trước thềm dân chủ, phú cường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét