Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Hy vọng cho trẻ em sống ở bãi rác

Hy vọng cho trẻ em sống ở bãi rác


2012-03-16
Tổ chức thiện nguyện Catalyst Foundation hiện đang giúp đỡ cho trẻ em sống ở bãi rác Kiên Giang cùng với gia đình của các em tránh được tệ nạn buôn người.

Catalyst Foundation Photo
Các em nhỏ nghèo khó ở bãi rác Kiên Giang, ảnh chụp năm 2011.


Đồng thời cũng giúp cho các em từng bước thoát khỏi cảnh sống đói nghèo và giúp cho các em biến những ước mơ trong sáng của mình thành hiện thực. Hòa Ái có cuộc trò chuyện với cô Caroline Nguyễn Ticarro-Parker, giám đốc điều hành và đồng sáng lập tổ chức Catalyst Foundation.

Giúp thoát khỏi đói nghèo

Hòa Ái: Xin chào Cô Caroline Nguyễn. Trước hết, xin Cô Caroline vui lòng chia sẻ về những hoạt động của tổ chức Catalyst Foundation ở Kiên Giang, Việt Nam với thính giả của đài RFA.
Chúng tôi tin rằng chương trình của chúng tôi giúp cho các em tránh được trở thành những nạn nhân của nạn buôn người và thoát ra khỏi hoàn cảnh đói nghèo hiện tại.
Caroline Nguyễn
Caroline Nguyễn: "Catalyst Foundation được thành lập năm 1999, nhưng chỉ chính thức bắt đầu hoạt động năm 2006. Chúng tôi mở trường năm 2007 và tiến hành các chương trình ngăn chặn buôn người trong những năm gần đây. Chúng tôi đang giúp đỡ những trẻ em sống nghèo khổ tại bãi rác Kiên Giang. Catalyst Foaundation đang hỗ trợ các em bằng các hoạt động trong cộng đồng như hướng dẫn các em có điều kiện để được tư vấn đồng thời cũng để ngăn ngừa nạn buôn bán trẻ em. Chúng tôi tin rằng chương trình của chúng tôi giúp cho các em tránh được trở thành những nạn nhân của nạn buôn người và thoát ra khỏi hoàn cảnh đói nghèo hiện tại."
Hòa Ái: Được biết có những cha mẹ sống ở khu vực bãi rác đồng ý bán con chỉ với 100 đô la vì tin theo lời hứa hẹn của những người tìm đến mua. Họ nói rằng là con của những người này sẽ có việc làm và có tương lai tốt hơn. Vậy làm thế nào tổ chức Catalyst Foundation có thể giúp cho họ hiểu được con cái của họ sẽ trở thành nạn nhân của nạn buôn người sau khi bị bán đi?
Caroline Nguyễn: "Điều quan trọng là hướng dẫn cho họ nhận biết những tình huống nguy hiểm mà chưa bao giờ họ gặp phải. Chúng tôi tiến hành nhiều phương pháp huấn luyện, cung cấp thông tin về những gì sẽ xảy ra với con cái của họ. Chúng tôi dùng những bài báo để nói cho họ biết thực tế đang xảy ra. Cơ bản là tất cả mọi người đều phải nhận thức rằng chính họ sẽ gặp rủi ro. Thế nên các bậc cha mẹ phải thật cảnh giác để tự bảo vệ mình. Và điều quan trọng nữa là họ làm thế nào để bảo vệ lẫn nhau. Đây là cách để hướng dẫn cho họ có được sự cảnh giác cao."
Hòa Ái: Và với các trẻ em, tổ chức Catalyst Foundation sẽ hướng dẫn cho các em làm thế nào để tránh bị bắt cóc?
Caroline Nguyễn: "Chúng tôi chỉ dạy các em cũng giống như mọi trẻ em ở những nơi khác. Không nói chuyện với người lạ, không đi với bất kỳ ai là người xa lạ dù trong xe hơi hay bằng xe gắn máy.
164772_200.jpg
Hình ảnh quảng bá cùa Tổ chức thiện nguyện Catalyst Foundation, ảnh chụp năm 2011. Catalyst Foundation Photo.
Các em phải chạy đi nếu như bị tấn công. Chúng tôi dành nhiều thời gian để hướng dẫn các em phương cách tự vệ. Và đương nhiên, một trong những điều quan trọng nhất là dạy các em biết đọc biết viết. Vì thế, nếu như các em bị lạc đường hay bị bắt đi, các em biết nhận ra mình đang ở đâu và nói với những người các em gặp rằng các em không có ở đó. Chúng tôi cố gắng giúp cho các em hiểu là các em có quyền không để bất kỳ ai làm tổn hại các em và chính các em cũng không có quyền làm tổn hại người khác. Giống như chúng tôi giáo dục con cái mình ở Hoa Kỳ vậy, phải tự biết bảo vệ mình được an toàn và tránh xa hiểm họa trong khả năng có thể."
Hòa Ái: Nghe nói rằng, các em ở đây được cung cấp điện thoại di động. Điều này như thế nào, Cô Caroline có thể chia sẻ thêm?
Caroline Nguyễn: "Khi chúng tôi có thêm tiền, có đủ tiền, chúng tôi cố gắng cung cấp điện thoại di động cho mỗi trẻ em ở đây. Có nhiều trẻ phải đi bộ đến trường xa. Hiện có khoảng 25% các em đi bộ khoảng 2 tiếng đồng hồ đến trường. Và cũng có em phải làm việc trong đêm. Chúng tôi cố gắng dạy các em biết sử dụng điện thoại di động. Và nếu chúng tôi có đủ điện thoại di động, chúng tôi sẽ cung cấp cho các em gái. Mà điện thoại di động cũng thuộc vào là hàng xa xỉ đấy. Trước mắt, các em cần có đồ ăn và sau đó sẽ tính đến điện thoại di động."

Mong mở rộng hoạt động

Hòa Ái: Trước khi tổ chức Catalyst Foundation mở trường năm 2007, có 37 em ở khu vực bãi rác Kiên Giang bị bán. Năm 2011, con số này giảm còn 4 em. Cô Caroline có thể cho biết nhận định của mình về tệ nạn buôn trẻ em ở Việt Nam hiện nay như thế nào? 
Lực lượng công an ở đây cũng sẵn sàng hợp tác. Đặc biệt, nếu chúng tôi nhờ tìm kiếm một em gái bị biến mất trong vài giờ đồng hồ, thì họ sẵn sàng vào cuộc và tìm giúp.
Caroline Nguyễn

Caroline Nguyễn: "Tôi nghĩ nạn buôn người là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng trên toàn cầu. Những kẻ buôn người và những người tham gia đến tệ nạn buôn bán này đều có được những khoản lợi rất lớn. Nạn buôn người không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Chúng tôi hiểu rằng tình trạng buôn người thì nghiêm trọng hơn ở quốc gia nghèo so với những quốc gia giàu có. Vì hầu như các trẻ em này không có giấy tờ tùy thân để chứng minh là các em có gia đình và có nhà cửa. Tôi tin rằng nạn buôn người chưa được cải thiện nhiều ở Việt Nam cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới. Chúng tôi chỉ có thể giúp cho các em cùng với gia đình, nhất là những em gái nhỏ cảnh giác với những kẻ buôn người. Vì những kẻ buôn người luôn tận dụng mọi kẻ hở, mọi tình huống để kiếm lợi từ các em. Nhìn chung, chính quyền thực thi tốt các luật định về bảo vệ trẻ em và xử lý những kẻ buôn người. Nhưng vấn đề bắt cho được họ là rất khó. Vì có quá nhiều liên quan đến nạn buôn người. Chúng tôi không thể thay đổi pháp luật ở Việt Nam, nhưng chúng tôi cố gắng làm tốt những gì chúng tôi có thể."
Hòa Ái: Và hợp tác của chính quyền địa phương thì ra sao?
Caroline Nguyễn: "Khi chúng tôi cần giúp đỡ, lực lượng công an ở đây sẵn sàng hợp tác. Đặc biệt, nếu chúng tôi nhờ tìm kiếm một em gái bị biến mất trong vài giờ đồng hồ, thì họ sẵn sàng vào cuộc và tìm giúp.
300961_298319860196700_250.jpg
Tổ chức thiện nguyện Catalyst Foundation giúp xây nhà cho các gia đình nghèo khó ở bãi rác Kiên Giang, ảnh chụp năm 2011. Catalyst Foundation Photo.
Họ cũng giúp chúng tôi ngăn chặn tình huống những đứa bé sẽ bị bán đi xa. Họ cũng yêu cầu chúng tôi hướng dẫn họ về luật buôn người, những nạn nhân phải trải qua tình huống ra sao. Chúng tôi cố gắng đồng hành với họ. Họ rất nhiệt tình khi chúng tôi cần tới họ giúp đỡ."
Hòa Ái: Câu hỏi sau cùng, tổ chức Catalyst Foundation có ý định mở rộng hoạt động tới những khu vực khác ở Việt Nam trong thời gian tới?
Caroline Nguyễn: "Chúng tôi sẽ mở rộng tầm hoạt động khi chúng tôi có thêm nguồn ngân sách. Chương trình hiện tại của chúng tôi còn hạn chế. Chúng tôi vẫn cố gắng tìm kiếm gây quỹ. Chúng tôi sẽ mở rộng trong tương lai để giúp đỡ cho nhiều em hơn nữa. Vì còn có nhiều trẻ em ở những nơi khác hiện sống và làm việc tại những bãi rác, không nhà không cửa. Các em không được đi học, có thể trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn bán người. Các em gái có thể trở thành nô lệ tình tình dục. Chúng tôi mong là chúng tôi có thể giúp đỡ được nhiều em ở những nơi khác khi chúng tôi có khả năng."
Hòa Ái: Chân thành cảm ơn Cô Caroline đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện với đài RFA.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hope-4-vn-children-ha-03162012113419.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét