Trang

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Miệng lưỡi Nguyễn Thanh Sơn



“...thái độ “kẻ thắng” phải là người duy nhất có toàn quyền sinh sát vận mệnh của đất nước, dân tộc là kim chỉ nam cho mọi hành động không bao giờ thay đổi của đảng CSVN...”

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam Ở Nước ngoài (NVNONN) nhìn nhận với Báo Điện tử Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam rằng công tác “biến” kiều bào thành “bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, bà con phải là bộ phận được Nhà nước bảo hộ như đối với người trong nước” chưa thành công sau 8 năm thi hành Nghị quyết 36 về “công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”.

Ông Sơn nói: “Công tác nắm tình hình ở nhiều địa bàn chưa sâu, chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc củng cố các hội đoàn tích cực, phát triển lực lượng nòng cốt làm cơ sở để vận động tập hợp kiều bào. Chưa mạnh dạn mở rộng diện tiếp xúc, đấu tranh trực diện với một số đối tượng có các hoạt động đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và đất nước.

Công tác thông tin, tuyên truyền đối với cộng đồng NVNONN tiếp tục được đẩy mạnh hơn so với trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của kiều bào”.(Báo điện tử ĐCSVN, 20/01/2012)

Tại sao như thế?

Ông Nguyễn Di Niên, nguyên Bộ trưởng Ngọai giao là người có nhiều công trong việc hình thành Nghị quyết 36 giải thích với Báo Việt Nam Net ngày 23/01/2012: “Cái quan trọng nhất là làm thế nào để sự phân biệt giảm đi và người trong nước phải gần gũi hơn, chìa bàn tay ra để kéo lại.


Như chuyện anh muốn vỗ tay thì phải vỗ bằng hai tay, chứ không thể một tay. Nó phải từ hai phía. Hai phía phải tìm cách để cùng gặp nhau. Cần thúc đẩy, làm mạnh hơn như tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư rộng rãi hơn”.

Ông Niên nhìn nhận con đường kéo được người Việt ở nước ngoài về hợp tác với Nhà nước CSVN còn dài.

Ông nói: “Gần tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhìn lại, không thể phủ nhận đã có những bước rất tốt nhưng đoạn đường còn phải đi tiếp vẫn dài lắm. Nhưng sau 10 năm thì thực tiễn cũng cho thấy cần những đổi mới, bổ sung trong triển khai trên thực tế, có những điều phải sửa, phải chấn chỉnh và quyết liệt hơn”.

Nhưng phải đổi mới như thế nào để cho người Việt xa quê hương và bất đồng chính kiến với đảng CSVN có thể chấp nhận ngồi chung một bàn làm việc với nhau để xây dựng đất nước chứ không phải cứ mãi nghêng ngang thái độ “muốn về thì phải làm theo lệnh chúng tao” như vẫn đang nuôi trong nhiều cái đầu hủ bại ở Việt Nam, dù trình độ và khả năng không bằng ai.

Vì vậy Lãnh đạo đảng, nhà nước và ông Nguyễn Thanh Sơn hãy vảnh tai ra mà nghe Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng thuộc Đại học danh tiếng Kỹ thuật và Thiết kế RMIT của Úc Đại Lợi giải thích tại sao cho đến nay vẫn có rất ít trí thức Việt kiều trở về nước phục vụ?

Ông nói: “Qua thực tiễn 2 năm trở về nước được làm việc, tôi thấy có những nguyên nhân chính sau đây:

- Việt Nam chưa thực sự thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế, nên một số chính sách và cơ chế để thu hút trí thức không được nghiêm chỉnh thực hiện. Một khi trí thức trong nước chưa được sử dụng đúng mức thì việc trở về của trí thức Việt kiều sẽ không bao giờ xảy ra vì họ đang được làm việc trong điều kiện tốt nhất của nước sở tại;

- Chưa làm tốt việc cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm (ví dụ như biên giới biển đảo, Hoàng Sa Trường Sa, quặng mỏ bauxit Tây Nguyên...) nên trí thức Việt kiều không thấy được Việt Nam đã có sự thay đổi, tiến bộ về mặt dân chủ, phản biện, tự do tôn giáo, từ đó đâm ra hoang mang, lo sợ… không muốn trở về nước;

-Chưa có đầu mối để tìm tòi, liên lạc, mời gọi… do chính trí thức Việt kiều đảm trách vì trong hàng trăm, hàng ngàn công nghệ cao của thế giới, phải là người có kiến thức mới có thể lựa chọn những công nghệ tốt nhất, thích hơp nhất và có lợi nhất cho đất nước;

- Thủ tục giấy tờ về nước phải thông qua nhiều Bộ ngành nên rất rườm rà, mất thời gian;

-Tinh thần “vọng ngoại” của một số ít người trong nước vẫn thích “mắt xanh mũi lõ” dù rằng có nhiều khi “mắt xanh mũi lõ” lại ở trình độ khoa học kỹ thuật thấp hơn, không hiểu Việt Nam hơn trí thức Việt kiều;

- Tính “địa phương” và “trong ngoài” còn khá phổ biến, môi trường làm việc dựa nhiều vào cảm tính nên nhiều khi không công bằng, thiếu tin tưởng làm trí thức Việt kiều trở thành những thứ trang trí, không có thực quyền và cơ hội đóng góp sở trường khoa học kỹ thuật của mình.

Giáo sư Vọng kết luận bài viết của ông trên Tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ) ngày 07/09/2010 : “Từ những năm 1970 Hàn Quốc đã mạnh dạn triển khai chính sách mời gọi trí thức Hàn kiều ở Mỹ trở về đóng góp.


Ba mươi năm sau Hàn Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 13 của thế giới. Cũng thế Trung Quốc đã ứng dụng chính sách ưu đãi mời gọi trí thức Hoa kiều, và họ cũng đã tiến rất nhanh trong công cuộc hiện đại hoá công nghiệp hoá đất nước, trở thành nền kinh tế thứ ba trên thế giới.


Chỉ có Việt Nam, đã hơn ba mươi năm sau ngày giải phóng, mà vẫn còn loay hoay mãi với câu hỏi về trí thức Việt kiều”.

Như thế đã đủ chưa hay cần phải có thêm người viết ra những tư duy bảo thủ, lạc hậu và chậm tiến hơn của những người có trách nhiệm nhưng không thật lòng, che dấu sự thật, hành động láu cá láu tôm trong cư xử, kỳ thị, nghi ngờ giữa người trong và kẻ ngoài đảng thì mới thấy được hết mặt trái của những lời mời gọi trí thức hải ngoại về giúp nước?

Đấy là nói về mặt giáo dục và khoa học. Còn mặt chính trị đã nhích được bước nào chưa hay thái độ “kẻ thắng” phải là người duy nhất có toàn quyền sinh sát vận mệnh của đất nước, dân tộc là kim chỉ nam cho mọi hành động không bao giờ thay đổi của đảng CSVN?

Thái độ này do chính Nguyễn Thanh Sơn viết trong Báo Quân đội Nhân dân ngày 12/09/2011:


“Các cơ quan đại diện (của Chính phủ ở nước ngòai) cần mạnh dạn mở rộng diện tiếp xúc cộng đồng, kết hợp công tác vận động cộng đồng với vận động chính quyền, bạn bè sở tại nhằm phân hóa cô lập các phần tử cực đoan.


Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ động trong công tác đấu tranh với các phần tử lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để chống phá đất nước.”

Giấc mơ hão huyền muốn cô lập cộng đồng người Việt ở nước ngòai bằng thủ đọan chính trị ấu trĩ này chỉ chuốc lấy thất bại vì nhà nước CSVN không có khả năng “phân hoá cô lập” những người chống chính sách và đường lối cai trị độc tài, độc đảng, đòi dân chủ và các quyền tự do đã quy định trong 4 bản Hiến pháp từ 1946 đến 1992.

Ngược dòng thời gian

Thái độ hằn học và xuyên tạc lập trường của người Việt chống chính quyền CSVN của ông Sơn không mới, dù người chống luôn luôn bị vu khống “chống phá đất nước” và “nhân dân ta” thay vì chống chủ trương và chính sách cai trị phi dân chủ, độc quyền và độc đảng của những người vẫn còn lạc hậu bám vào chủ nghĩa phá sản Mác-Lênin.

Hãy đọc cuộc đối thọai giữa ông Sơn và Minh Hòa của Đài Tiếng Nói Việt Nam ngày 02/11/2010:

PV: Thưa Thứ trưởng, được biết là ông sẽ đích thân có các cuộc gặp gỡ các phần tử đi ngược lại các lợi ích của dân tộc. Xin ông cho biết cụ thể các cuộc gặp đã được tiến hành như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn:
Trong quá trình quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc, chúng ta không muốn đặt các tổ chức, cá nhân này ra khỏi vị trí với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vì chúng ta muốn cảm hóa họ, cùng họ nhìn nhận một cách khách quan thực chất phát triển của đất nước, nhìn nhận khách quan vị thế phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.


Những người này có thể ra đi bằng nhiều con đường khác nhau, họ được tuyên truyền về những nỗi kinh hoàng không có hoặc không tưởng, họ bị nhồi nhét vào đầu quá nhiều những tư tưởng hận thù…”

“…Hiện nay, còn lại bộ phận không nhiều những người đi ngược lại lợi ích dân tộc và họ càng bị phân hóa, bị yếu đi bởi khi chúng ta tổ chức càng nhiều hoạt động ở trong và ngoài nước, bà con càng có nhiều thông tin, càng hướng về quê hương đất nước, hiểu về quê hương đất nước thì càng không tin họ.


Chính vì vậy, số lượng dù còn ít nhưng họ lại rất quyết liệt, kiên quyết chống phá chúng ta vì họ đang hoảng loạn trước nguồn cung cấp tài chính của quốc gia sở tại và chính vị thế và uy tín của họ đang bị giảm sút. 

Không có lý gì mà chúng ta không giành thế chủ động, chìa bàn tay với những người còn hiểu lầm về đất nước, còn mơ hồ về việc họ có thể lật đổ chế độ chúng ta.


Chúng tôi đã quyết định có đoàn liên ngành cùng với các cơ quan báo chí trong nước đi công khai, gặp gỡ những phần tử còn chống đối quyết liệt nhất, cố tình không hiểu tình hình trong nước. Chúng tôi đã nêu công khai với Đại sứ quán Mỹ, thông qua cơ quan đại diện Ngoại giao ở các quốc gia như Mỹ, Canada... để có thông tin đến các tổ chức, cá nhân này.


Họ rất bất ngờ trước kế hoạch này và lúng túng, cố tình không gặp.

Khi nào họ thực sự muốn gặp công khai như họ nói (nhưng thực ra khi yêu cầu gặp công khai họ lại không dám gặp), thì chúng tôi sẽ sẵn sàng gặp.


Chúng tôi đang muốn gặp họ công khai với sự chứng kiến của phóng viên trong và ngoài nước, bà con kiều bào để tìm hiểu xem vì sao họ còn hận thù với đất nước. Và cũng để họ hiểu rõ rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn mở rộng vòng tay đối với họ, nếu họ thực sự muốn hướng về Tổ quốc, mang lại lợi ích cho cộng đồng và cho đất nước”.

Có lẽ ông Sơn phải là người hiểu rõ tại sao nhà nước Việt Nam đã thất bại trong kế họach không thật lòng này mới đúng. Lý do vì đảng CSVN chỉ muốn “hòa hợp” mà không muốn “hòa giải”.


Nhà nước chỉ muốn “hội nhập” mà không muốn bị “hòa tan”, chủ trương “đổi mới” mà kiên quyết “không đổi màu” thì lập trường này chỉ gây chia rẽ và khơi rộng thêm vết thương dân tộc.

Trả lời câu hỏi: “Qua một số kênh báo chí quốc tế, một số đối tượng Việt Nam ở nước ngoài phản ánh về việc khó khăn trong xin visa về nước. Xin ông cho biết đối tượng nào không được giải quyết và chúng ta có công bố rõ ràng không?

Ông Sơn đáp: “Trước hết, những đối tượng bị cấm nhập cảnh Việt Nam, chúng ta đã có danh sách cụ thể. Đó là những đối tượng công khai tham gia các tổ chức hoạt động chống lại Chính phủ và Nhà nước Việt Nam với âm mưu lật đổ chính quyền.


Phần lớn đây là những người chủ chốt, cầm đầu các Đảng phái phản động đang tìm cách chống đối lại chúng ta, đi ngược lại với lợi ích nhân dân. Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở nước ngoài nắm danh sách cụ thể của từng người. 

Số còn lại không nằm trong danh sách chủ chốt, chúng ta vẫn cho về bình thường, để họ khỏi không thể bao biện rằng Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hay cư trú đi lại. Con số này chúng ta cũng đã có con số thống kê chính xác và biết rõ họ về nước làm gì.

Có thể khẳng định, số người đến cơ quan đại diện nhận được visa hoặc không nhận được visa là do có tham gia hay không vào các tổ chức phản động chống phá đất nước. Còn tất cả các công dân làm ăn sinh sống bình thường ở nước ngoài, trở về nước hết sức dễ dàng vì đã có quy định của Thủ tướng năm 2007 là miễn visa cho những người còn hộ chiếu Việt Nam….”

Như thế rõ ràng là ông Nguyễn Thanh Sơn đã nhìn nhận có đối lập chính trị với đảng CSVN trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cả với một số không nhỏ người ở trong nước.


Nhưng nếu đảng và nhà nước chỉ muốn thi hành Nghị quyết 36 để đem lợi cho mình và buộc những người bất đồng chính kiến với mình phải “đầu hàng” vô điều kiện thì quả thật những người cầm đầu đảng đã chũi đầu xuống cát.

Và đây cũng là lý do tại sao đảng đã mất 13 năm xây dựng, chỉnh đốn đảng mà tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” lại lan rộng và nhanh trong cán bộ, đảng viên.

Vậy miệng lưỡi ông Nguyễn Thanh Sơn có còn cần cho công tác thi hành Nghị quyết 36 nữa không hay chính những cán bộ có trách nhiệm đưa Nghị quyết này đến thành công cũng đã “tự biến” từ trong đầu, nói chi đến một vài “Việt kiều” đang xum xoe làm cái việc cong lưng “bắc cầu” cho ông Sơn qua sông?

Phạm Trần
(02/012)



http://ethongluan.org/component/content/article/1329-mieng-luoi-nguyen-thanh-son.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét