Trang

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Dùng phẩm màu “bẩn” nhuộm đường ăn

(Dân Việt) - Một số cơ sở kinh doanh đường nhỏ lẻ ở các tỉnh ĐBSCL đang lén lút trộn phẩm màu nhằm “biến” đường cát trắng thành phẩm sang đường màu vàng kem, gây nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Cơ sở pha chế đường của ông Thích (ảnh do đoàn kiểm tra cung cấp).

Sáng 20.2, theo ghi nhận của chúng tôi, tại các điểm bán đường trong nội ô TP.Cần Thơ có một nghịch lý là giá đường cát vàng lại cao hơn đường cát trắng.
 Trong khi đường cát trắng được bán lẻ chỉ với 19.000 đồng/kg (loại rẻ nhất) thì đường cát vàng hạt to lên đến 20.000 đồng/kg. Bình quân mỗi tấn đường pha trộn chủ cơ sở lời 1 – 2 triệu đồng.

Theo nhiều chuyên gia, hiện trên thị trường, loại đường màu vàng kem được người tiêu dùng ưa thích và sử dụng mạnh. Họ cho rằng, đường chưa được tẩy trắng nên ít độc hại so với đường cát trắng.
Hãi hùng “lò” pha chế

Theo ghi nhận của Dân Việt, tại các chợ đầu mối lớn ở trung tâm TP.Cần Thơ, đường cát có màu vàng kem được bày bán rất nhiều. Có một thực tế là, khi hỏi nguồn gốc của đường cát vàng, đa phần các tiểu thương đều… lắc đầu.

Phải nhờ đến sự giới thiệu của người quen, và trong vai người có nhu cầu tiêu thụ đường cát vàng với số lượng lớn, phóng viên mới có thể thâm nhập được đường dây cung cấp đường này. Chị H - một tiểu thương tại chợ Cái Khế (Cần Thơ), tiết lộ: “Trên khu vực Thốt Nốt, Cái Răng (TP.Cần Thơ)… có rất nhiều “lò” sản xuất đường từ trắng sang vàng”.

Tại một cơ sở cung cấp đường ở Thốt Nốt, chúng tôi ghi nhận, công đoạn “pha màu” hết sức đơn giản! Sau khi mua đường cát trắng đã thành phẩm từ các nhà máy đường, các cơ sở kinh doanh lấy phẩm màu mua trôi nổi trên thị trường pha với nước lã tạo thành hỗn hợp để phun vào đường cát trắng. 

 Tiếp đó, họ dùng máy trộn đều. Chẳng bao lâu sau, đã có đường cát có màu vàng kem.

Chủ cơ sở này khẳng định: “Anh muốn mua bao nhiêu cũng có”. Khu vực này từ lâu được ví như “đầu não” để tuồn đường vàng đi các chợ đầu mối và các chợ nông thôn miền Tây”.

Ngoài việc pha phẩm màu không rõ nguồn gốc, theo ghi nhận của chúng tôi, mặt bằng “sản xuất” tại các “lò” pha chế vô cùng dơ bẩn. Đường được đổ trực tiếp xuống nền nhà để trộn.

Trước đó, ngày 6.1, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quận Cái Răng, TP.Cần Thơ tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh đường cát của ông Lê Văn Thích - ngụ khu vực phường Yên Bình, phường Lê Bình, quận Cái Răng. 

Tại đây, bất ngờ đoàn phát hiện cơ sở đang dùng máy để trộn phẩm màu không rõ nguồn gốc vào đường cát trắng, chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.

Nguy cơ ung thư...

Bác sĩ Võ Văn Khiêm – Trưởng phòng Y tế quận Cái Răng cho biết: UBND quận Cái Răng đã ra quyết định phạt cơ sở của ông Lê Văn Thích về 2 hành vi: Không đăng ký ATVSTP và kinh doanh thực phẩm có phẩm màu không rõ nguồn gốc với số tiền lên đến 25 triệu đồng. 

“Đứng về góc độ chuyên môn, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất người tiêu dùng nên mua đường thành phẩm đã được đóng gói, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng” – ông Khiêm khuyến cáo.

Còn theo một kỹ sư hóa tại TP.HCM, thông thường các chủ cơ sở đường dùng phẩm màu để biến đường trắng thành đường vàng. Để bảo đảm không gây hại đến người tiêu dùng, chỉ có thể sử dụng phẩm màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép. 

Tuy nhiên, giá thành các loại phẩm màu thực phẩm thường cao gấp 4 lần các loại phẩm màu công nghiệp. Do đó, các cơ sở kinh doanh đường thường sử dụng phẩm màu công nghiệp. Khi cơ thể bị tống các chất phẩm màu công nghiệp vào, nguy cơ gây bệnh ung thư là khó tránh.

Tại châu Âu, các chất phụ gia dưới đây đã bị cấm dùng trong thực phẩm cho trẻ em: Tartrazine (màu vàng chanh); qiunoline (màu vàng), brilliant (xanh); sunset yellow (vàng), carmoisine (màu đỏ tổng hợp), carmine (màu đỏ son), allura red AC (đỏ) và chất bảo quản sodium benzoate. 
Theo các nghiên cứu, thực phẩm có chứa màu công nghiệp sẽ dẫn đến nguy cơ mắc chứng tăng động ở trẻ em, ảnh hưởng tiêu cực đến trí tuệ của trẻ, khiến chỉ số IQ giảm ít nhất 5,5 điểm...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét