Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

UBND TP Đà Nẵng vi phạm hiến pháp và pháp luật

SGTT.VN - Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật trước công văn do chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành ngày 3.1. Nội dung văn bản này, là chính quyền yêu cầu công an Đà Nẵng tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới đối với các trường hợp có chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ, không có nghề nghiệp ổn định. 

Văn bản hạn chế người nhập cư của UBNDTP Đà Nẵng vi phạm quyền tự do cư trú của công dân được quy định tại Hiến pháp và pháp luật. Ảnh: TL internet
Trong khi đó, theo luật Cư trú, tất cả các đối tượng trên đều được đăng ký thường trú nếu chủ nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý. 

Không chỉ có nhà, luật này còn cho phép đăng ký thường trú cả với những người ở trên tàu, thuyền, ph­ương tiện khác miễn là có giấy tờ.
Tuỳ tiện

Công văn trên còn nêu rõ mục đích là triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của thường trực thành uỷ và nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng để tăng cường công tác quản lý nhà nước, lập lại trật tự, kỷ cương trên một số lĩnh vực. 

Giám đốc các sở, ban ngành và chủ tịch các quận, huyện trên địa bàn đều nhận được công văn chỉ đạo trên.

Ngay khi tiếp nhận thông tin trên, luật sư Trần Công Ly Tao, phó chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.HCM, nói: “Đây là quy định rất tuỳ tiện của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Đáng băn khoăn hơn khi văn bản này vi phạm quyền tự do cư trú của công dân được quy định tại Hiến pháp và pháp luật”.

Cũng theo vị luật sư này, khi thành phố Đà Nẵng yêu cầu công an tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú cho công dân còn vi phạm thêm luật Cư trú. Bởi lẽ, công dân Việt Nam có quyền được tự do đi lại, tự do chọn nơi cư trú cho mình.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM cho biết thêm, bất kỳ một thành phố lớn nào trên thế giới đều có người nhập cư và những người nghèo khổ. 

Họ có thể là một phần của nguyên nhân làm cho thành phố chưa đẹp, chưa văn minh. Tuy vậy, không thể giải quyết bằng những văn bản hành chính như Đà Nẵng, dù mục đích có thể là tốt, là hướng thành phố đến những giá trị cao hơn. Việt Nam xây dựng một nhà nước pháp quyền thì pháp luật là thượng tôn, không thể có chuyện một địa phương lại ra quy định vi phạm pháp luật như thế.

“TP.HCM và thủ đô Hà Nội là hai đô thị lớn với hàng triệu người đến từ các địa phương khác. Nhưng hai nơi này vẫn không giải quyết vấn đề nhập cư như Đà Nẵng. 

Điều đó cho thấy rằng, để quản lý tốt các vấn đề xã hội, chính sách, dân sinh… thì chính quyền cần phải tính toán những giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn. Không thể phủ nhận, rằng những người nhập cư góp phần quan trọng trong việc phát triển TP.HCM và Hà Nội”, luật sư Hậu nói.

Đồng tình với hai quan điểm trên, một kiểm sát viên cấp tỉnh tỏ ra khá băn khoăn: “Luật là do Quốc hội ban hành, nhưng một địa phương như Đà Nẵng cũng có thể ban hành quy định trái ngược như vậy là rất… kỳ cục. 

Giả sử các địa phương khác trong nước cũng làm theo Đà Nẵng, nghĩa là “đóng cửa” với người nhập cư thì không lẽ ai ở tỉnh nào về tỉnh đó?! Hai chữ nhập cư cũng không đúng khi nói về công dân Việt Nam cư trú trên đất nước của mình”.

Người dân có quyền kiện

TP.HCM và thủ đô Hà Nội là hai đô thị lớn với hàng triệu người đến từ các địa phương khác. Nhưng hai nơi này vẫn không giải quyết vấn đề nhập cư như Đà Nẵng. Ảnh: TL SGTT
Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên khoa luật Dân sự, đại học Luật TP.HCM nói thêm: điều 12 luật Cư trú không bắt buộc nơi thường trú hay tạm trú của công dân. 

Như vậy, luật không giới hạn nơi ở của người dân. Công văn hay chỉ đạo của thành uỷ, nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng không thể cao hơn luật.

Hơn nữa, theo tinh thần điều 4 Hiến pháp, Đảng chỉ đạo đường lối còn pháp luật là tối thượng. “Theo tôi, bộ Tư pháp nên “tuýt còi” quy định này của thành phố Đà Nẵng. Còn người dân khi thấy không đồng tình với công văn trên thì có thể nhờ toà án giải quyết”, TS Nguyễn Văn Tiến nói.

Xung quanh tình huống giả sử chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành văn bản trái pháp luật, gây thiệt hại cho người dân thì sẽ chịu trách nhiệm ra sao, vị kiểm sát viên cấp tỉnh cho biết: trước tiên sẽ xử lý trách nhiệm cá nhân về mặt Đảng và tuỳ theo mức độ vi phạm mà cấp trên sẽ xử lý tiếp theo. 

Còn nếu công văn của chủ tịch là thực hiện theo nghị quyết của HĐND thì HĐND sẽ tiến hành họp huỷ bỏ nghị quyết đó. Trường hợp cơ quan này không huỷ bỏ thì nếu thẩm định nghị quyết sai luật, uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải quyết.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, trong trường hợp cụ thể người dân nào bị công an từ chối đăng ký thường trú thì kiện đối tượng trực tiếp này ra toà. Khi đó, UBND thành phố Đà Nẵng – nơi ra quy định trên cũng sẽ phải ra toà với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Thanh Nhã

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét