Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Những tiếng gọi bạn thống thiết dưới màn sương


Biểu tình chống Tàu, ngày 19.6.2011 tại Hà Nội.

Phương Bích
Trong buổi sáng âm u của vùng sơn cước, tôi cầm ô đứng dưới làn mưa bụi dày đặc nhìn vào bên trong khu trại qua hàng rào sắt. Đằng xa bác Phan Trọng Khang cùng Ngô Duy Quyền đầu trần đang lững thững trong mưa đi bộ đến bên tôi. Cả ba chúng tôi đứng yên lặng bên nhau, cùng nhìn đau đáu vào bên trong, hy vọng dẫu chỉ một lần, được nhìn thấy Bùi Hằng từ xa. Chỉ sau dăm phút, nhác trông thấy ba bóng người đi qua khu nhà để xe, tôi và bác Khang căng mắt nhìn, đoán già đoán non không biết đó có phải là Bùi Hằng không. Rồi Quyền chợt kêu lên thảng thốt:
- Chị Bùi Hằng kia rồi!
Không biết có đúng hay không, nhưng tôi cũng bắt đầu kêu lên theo, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực:
- Hằng ơi! Hằng ơi! Hằng ơi! Phượng đây! Bác Khang đây! Quyền đây! Hằng ơi!...

Cả bác Khang và Quyền cũng kêu lên gọi Bùi Hằng. Tôi thấy Bùi Hằng dừng lại, cúi xuống nhìn ra ngoài đường qua những tán cây. Cô ấy giơ cả hai tay lên. Chúng tôi gọi liên tục, không biết nói gì, chỉ gọi mỗi tên cô ấy. Mọi người đang đứng từ xa, thấy chúng tôi gọi tên Bùi Hằng liền tất tưởi chạy đến, nhưng họ đã đưa Bùi Hằng đi khuất vào bên trong rồi. Những người không được nhìn thấy Bùi Hằng đều vô cùng nuối tiếc, nhưng rồi lại tự an ủi rằng sẽ lại được nhìn thấy cô ấy khi trở ra.
Tôi không nhớ mình có khóc hay không, nhưng bác Khang nói thấy những giọt nước mắt trên mi tôi. Chỉ biết rằng giây phút được nhìn thấy Bùi Hằng dẫu có cách xa hàng trăm mét và bị ngăn cách bởi hàng rào sắt và những rặng cây, nhưng cũng đủ khiến cho tôi xúc động biết chừng nào. Trời Tam Đảo vẫn mù mịt sương giăng, chúng tôi hết đứng lại ngồi, đếm từng giọt thời gian trôi. Hơn 11 giờ, đoán chừng sắp hết giờ thăm nuôi, tất cả chúng tôi lại kéo nhau ra đứng bên hàng rào sắt ngóng đợi. Thấp thoáng thấy bóng người đi ra từ khu nhà thăm nuôi, chúng tôi bắt đầu lấy hết sức gọi thật to:
- Hằng ơi! Chị Hằng ơi! Cô Hằng ơi! Bác Trai đây, chị Hiền đây, T30 đây, Phương đây...
Những tiếng kêu, tiếng gọi như vỡ òa ra trong niềm sung sướng, sau ngần ấy ngày đằng đẵng cách biệt. Dường như Bùi Hằng dùng dằng không muốn đi tiếp, cứ cố nán lại và cúi xuống nhìn ra ngoài. Thế là họ không cho Bùi Hằng đi qua khu nhà xe nữa mà bắt lộn trở lại. Dẫu không nhìn thấy bóng dáng cô ấy nữa, nhưng chúng tôi vẫn không ngừng gọi tên cô ấy. Lân Thắng lấy hết sức gào to:
- Chị Hằng giữ gìn sức khỏe nhé.
- Ừ!
Cô ấy trả lời đấy! Mọi người sung sướng bảo nhau.
Trong mỗi trái tim bạn bè  đều thổn thức một niềm thương cảm khôn nguôi với người bạn đang bị giam hãm bên trong hàng rào sắt kia. Những cánh hoa đào đem đến cho Bùi Hằng bị trả lại dường như cũng héo úa. Trên chặng đường về, tôi mới có thời gian để nhớ lại giây phút khi nhìn thấy bóng dáng Bùi Hằng. Lúc này mới có thời gian để cho nước mắt rơi. Bùi Nhân nói thấy mẹ đang khóc khi bước vào nhà thăm nuôi. Có lẽ cũng như chúng tôi, sau ngần ấy ngày bị giam cầm, mới được nhìn thấy nhau, làm sao không khỏi rơi nước mắt? Tôi đoán đêm nay trong trại giam (chúng tôi gọi cái cơ sở giáo dục đó là trại giam), hẳn nước mắt Bùi Hằng vẫn chưa ngừng rơi.
Có lẽ trong lịch sử của cái trại giam này chưa từng có một cuộc thăm nuôi nào xúc động đến thế. Liệu những tiếng gọi bạn thống thiết qua hàng rào sắt kia có lay động được chút tình thương yêu đồng loại nào, trong tâm hồn những con người đang cai quản ở cái trại giam này hay không? Tôi gạt nước mắt nghĩ: ác gì mà ác thế? Chỉ có nhìn nhau thôi mà cũng không cho người ta nhìn nhau. Ác gì mà ác thế không biết!

1 nhận xét:

  1. Trang báo của xuongduong trình bài lạ vậy , làm sao đọc được chữ

    Trả lờiXóa