Trang

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Làm sao ra quyết định được nếu không biết sự thật? Lại “Diễn Tiến Hòa Bình” :-))

GS. Jones ở ĐH Harvard: “Có một sự phấn khích mới trong cộng đồng những người trẻ, những người đầy lý tưởng về  báo chí, và đang nỗ lực dành cả cuộc đời mình để đóng góp cho sự nghiệp báo chí. Điều quan trọng với những người như tôi là giúp những nhà báo mới đó thấu hiểu những giá trị quan yếu của báo chí như chúng tôi đã từng nhìn nhận. Đó là những giá trị như tính xác thực, đặt công dân lên hàng đầu, tính khách quan...

Nhà báo không bao giờ được phép dừng tranh đấu để có được quyền lực và khả năng hoàn thành trách nhiệm đó: nói cho người dân nghe sự thật...”
+++++++++++


"Làm sao chúng ta có thể nhìn nhận điều gì là tốt cho chúng ta nếu sự thật bị che giấu hay giữ kín? Bạn sẽ trở nên bối rối và không thể phân định nổi đúng sai về bản thân quyền lực đang cố che giấu thông tin ấy. Bản thân thông tin chính là một quyền lực, đó là điều không phải bàn cãi." 


Giám đốc Trung tâm Shorenstein về báo chí, chính trị và chính sách công Đại học Harvard nhận định về vai trò của báo chí trong cuộc trao đổi với VietNamNet.


Nhà báo Lê Khánh Duy: Hôm nay, Tuần Việt Nam rất vinh dự được chào đón GS Alex Jones từ Trường Đại học Harvard đến tham dự bàn tròn.


GS Alex Jones: Tôi cũng rất vui sướng và vinh dự được tới Việt Nam và đặc biệt là tới đây tham dự bàn tròn với các bạn.


Nhà báo Lê Khánh Duy: Alex, tôi biết rằng ông đóng rất nhiều vai trò trong ngành công tin tức ở Hoa Kỳ, vậy tôi có thể giới thiệu ông thế nào đây, như một nhà báo, một tác giả sách, một người dẫn chương trình hay một học giả?


GS Alex Jones: Tôi, trước hết, vẫn là một nhà báo. Tôi đã làm nhà báo cho tờ The New York Times trong nhiều năm. Đúng là tôi có giảng dạy ở cả Đại học Duke và Đại học Harvard, nhưng trái tim tôi vẫn là trái tim của một nhà báo. Tôi tin tưởng rằng báo chí vô cùng quan trọng vì vậy tôi rất tự hào được là một nhà báo.


Nhà báo Lê Khánh Duy: Hãy để tôi giới thiệu một chút về Alex Jones. Với tư cách nhà báo, ông từng là phóng viên cho tờ The New York Times từ năm 1983 đến 1992, ông giành giải thưởng danh giá nhất của báo chí Hoa Kỳ Pulitzer vào năm 1987. Với tư cách một học giả, ông là giáo sư tại trường Đại học Harvard. Với tư cách một tác giả, ông viết cuốn sách "Sự biến mất của tin tức", một trong những cuốn sách hay nhất tôi từng đọc về nền công nghiệp báo chí Hoa Kỳ. Hiện tại, Alex Jones là Giám đốc Trung tâm Shorenstein về báo chí, chính trị và chính sách công thuộc Đại học Harvard.




Alex, tôi biết rằng khi ông được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc  Trung tâm báo chí, chính trị và chính sách công của Harvard, ông nói rằng: "Nhiệm vụ của trung tâm Shorenstein là làm sáng tỏ ảnh hưởng của báo chí lên chính trị và xã hội." Tôi biết rằng đây là một mối quan hệ rất phức tạp, nhưng hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ này rất quan trọng. Vậy chủ đề chính của cuộc bàn tròn ngày hôm nay sẽ là báo chí, chính trị và mối quan hệ giữa hai thực thể này.


GS Alex Jones: Đúng vậy, tôi nghĩ báo chí đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Dùng từ báo bây giờ có khi không còn hoàn toàn chính xác nữa mà phải dùng chữ truyền thông tin tức thì chính xác hơn bởi bây giờ tin tức được truyền tải bằng rất nhiều cách thức khác nhau qua truyền thông mới, audio, video... Nhưng vai trò của báo chí thì không thay đổi, đó là cung cấp cho độc giả, cho công dân thông tin họ cần để được tự do và tự chủ.


Vai trò quan yếu của báo chí là một bộ máy cung cấp những tin tức chính xác, trung thực và nghiêm túc giúp độc giả hiểu về thế giới, chính phủ và các quyền lực xung quanh họ. Có thế họ mới tự đưa ra được những quyết định và đánh giá về vận mệnh và sự tự chủ của chính họ.


Trong cuốn sách của tôi như bạn đã biết, tôi đưa ra lập luận rằng dạng thức báo chí quan trọng nhất (tôi gọi nó là hạt nhân thép) là báo chí viết về những vấn đề nghiêm túc. Đó không phải là những tin tức về ngôi sao điện ảnh...


Nhà báo Lê Khánh Duy: .... người nổi tiếng, tin đồn, tội ác, thể thao, những loại tin mang tính giải trí không nằm trong phạm trù hạt nhân thép mà ông nói?


GS Alex Jones: Đúng vậy, các thông tin giải trí trên đều cần  nhưng nó không mang trong lòng sứ mệnh công lợi của báo chí. Sứ mệnh đó phải là cung cấp những thông tin có sức nặng chính trị lớn, xác thực và đáng tin cậy cho công dân để họ tự đưa ra quyết định cho chính mình.


Nhà báo Lê Khánh Duy: Như chúng ta đều biết, trong kỷ nguyên số hiện nay, báo in và ngành công nghiệp tin tức đang gặp khó khăn. Ông có thể làm rõ tình hình của ngành công nghiệp báo chí ở Mỹ hiện nay, những khó khăn và thách thức mà ngành này đang gặp phải ảnh hưởng thế nào tới hạt nhân thép mà ông nói?


GS Alex Jones: Tôi nghĩ rằng ở đây tồn tại một thách thức kép. Thứ nhất, đó là thách thức từ truyền thông mới. Bởi truyền thông mới đang "bào mòn"  báo chí truyền thống ở nước Mỹ. Trong khi đó, báo chí truyền thống lại là bộ máy tạo ra những hạt nhân thép như tôi nói ở trên. Truyền hình cũng góp phần nhưng không nhiều, truyền hình là hình ảnh và tin tức truyền hình ở Mỹ không có tham vọng tập trung vào chính trị và chính sách mạnh như báo in. Như vậy, khi mô hình kinh doanh của các tờ báo in bị đe dọa, nó phá hủy những hạt nhân tin tức nghiêm túc bởi có tới 85% tin nghiêm túc được sản xuất bởi các tờ báo.


Thứ hai, đó là thách thức từ sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này giáng một đòn thứ hai vào báo chí Hoa Kỳ. Điều tốt là nó giúp báo in nhận ra rằng họ phải thay đổi trong một thế giới mới, thay đổi những gì họ đã làm và đang làm.  Ở Mỹ hiện tại, hầu hết các tờ báo đều có lãi.  Mô hình báo chí chủ yếu là báo chí thương mại, lợi nhuận thương mại làm nên mô hình doanh nghiệp tư nhân, tôi nghĩ đây vẫn là mô hình tốt nhất. Mô hình này bắt đầu ổn định nhưng cái giá phải trả là nhiều chi phí phải cắt giảm, và cách thức người ta cắt giảm chi phí lại dẫn tới việc loại bỏ những nhà báo tốt nhất và có giá trị nhất. Đúng ra nếu mọi thứ được cải thiện, sẽ có thêm nhiều nhà báo được tuyển dụng,  nhưng đó là ở những ngành khác, còn ngành công nghiệp tin tức thì không như vậy.




Tuy nhiên, xét về mặt tốt, với truyền thông mới, có rất nhiều kênh mới, cơ chế mới để phân phối và tạo ra tin tức. Có một sự phấn khích mới trong cộng đồng những người trẻ, những người đầy lý tưởng về  báo chí, và đang nỗ lực dành cả cuộc đời mình để đóng góp cho sự nghiệp báo chí. Điều quan trọng với những người như tôi là giúp những nhà báo mới đó  thấu hiểu những giá trị quan yếu của báo chí như chúng tôi đã từng nhìn nhận. Đó là những giá trị như tính xác thực, đặt công dân lên hàng đầu, tính khách quan... Đó là những giá trị tôi tin rằng chúng ta cần giữ gìn cho dù các cách thức phân phối thông tin có thể thay đổi. Những giá trị đó phải tiếp tục được duy trì trong tương lai.


Nhà báo Lê Khánh Duy: Tôi nghĩ rằng những giá trị đó không chỉ quan trọng với báo chí, mà còn với chính trị. Ông có thể làm rõ thêm tại sao những giá trị nền tảng của báo chí lại quan trọng như vậy đối với một nền chính trị dân chủ?


GS Alex Jones: Có một thực tế mà chúng ta đều thừa nhận. Làm sao chúng ta có thể ra quyết định tốt được nếu chúng ta không biết sự thật, làm sao chúng ta có thể nhìn nhận điều gì là tốt cho chúng ta nếu sự thật bị che giấu hay giữ kín. Bạn sẽ trở nên bối rối và không thể phân định nổi đúng sai về bản thân quyền lực đang cố che giấu thông tin ấy. Bản thân thông tin chính là một quyền lực, đó là điều không phải bàn cãi.  Quyền lực của báo chí là sử dụng quyền lực của thông tin để lan truyền nó tới mọi người, để mọi người đều có quyền lực về thông tin như vậy chứ không chỉ một số ít. Đó là quyền lực báo chí và cũng là trách nhiệm của báo chí.


Nhà báo Lê Khánh Duy: Vâng, một trong những ví dụ nổi bật nhất minh họa cho quyền lực báo chí trong lịch sử Hoa Kỳ là vụ WaterGate, một chuỗi bài báo có thể lật đổ một tổng thống. Gần đây, vụ Wikileaks cũng gây chấn động chính giới Hoa Kỳ. Theo ông, những vụ như Wikileaks của thời đại số có thể thay thế những WaterGate của thời đại báo in trong việc buộc chính phủ phải có trách nhiệm giải trình?


GS Alex Jones: Tôi nghĩ Wikileaks chỉ đại diện cho nguồn tin. Ví dụ nhân vật Deep Throat trong vụ WaterGate chỉ là nguồn tin. Tôi nghĩ việc tung tin ồ ạt lên mạng như vậy không tạo ra sức nặng lớn lắm, Wikileaks có thể tung ra hàng mớ tin tức nhưng có thể không ai chú ý đến bởi có quá nhiều, quá nhiều. 


Mọi người bơi giữa một biển vô tận thông tin. Người ta sẽ không để tâm tới Wikileaks cho tới khi những thông tin trên đó xuất hiện trên các tờ báo uy tín như The New York Times, The Guardian và The Spiegel. Bởi đó mới là những tổ chức báo chí được người dân tin tưởng và tín nhiệm. Chỉ khi thông tin từ Wikileaks được đưa tới các tờ báo uy tín thì thông tin mới được "tiêu hóa" thành tin tức. Tôi nghĩ một mình Wikileaks mà không có những thể chế tin tức kia thì không thể hiệu quả được. Giờ đây, bạn cứ lên mạng mà xem, bạn có thể thấy đủ mọi thứ, người ta nói đủ thứ về đủ thứ, nhưng ai mà tin được, người dân chỉ tin vào những tờ báo mà họ tín nhiệm thôi. Đó là lý do tôi nói tại sao những tổ chức báo chí nghiêm túc vẫn luôn có quyền lực lớn và các nhà báo chuyên nghiệp có quyền lực lớn.


Ở khắp mọi nơi, nhà báo chuyên nghiệp luôn được nhìn nhận với sự nghi ngờ và thận trọng. Đó là điều tốt, nhà báo phải được nhìn nhận như thế. Nhưng đồng thời, người ta cũng dựa vào nhà báo để được biết điều gì đang thực sự diễn ra, và nhà báo không bao giờ được phép dừng tranh đấu để có được quyền lực và khả năng hoàn thành trách nhiệm đó: nói cho người dân nghe sự thật.


Còn tiếp...

Tác giả: Khánh Duy (thực hiện)


http://bietkichxaxu.blogspot.com/2012/01/lai-dien-tien-hoa-binh-lam-sao-ra-quyet.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét