Trang

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Hậu quả cưỡng chế: Cơn bĩ cực của vợ con chủ đầm

Cơn bĩ cực của vợ con chủ đầm
TP - Những ngày này, vợ con chủ đầm Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý đến nhà chị Mịn (vợ anh Đoàn Văn Thoại) ở Tân Quang (xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng) tá túc. 

Nhà bị san phẳng, hai chị Thương và Hiền đưa lũ trẻ đi ở nhờ
Nhà bị san phẳng, hai chị Thương và Hiền đưa lũ trẻ đi ở nhờ.

Anh Thoại hiện đang lẩn trốn vì bị xác định có tham gia vụ xả súng bắn bị thương 6 cán bộ, chiến sĩ công an và quân đội. Ngôi nhà cũ ở thôn Thúy Nẻo (xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng) vốn do ông Đoàn Văn Thiển (bố anh Vươn, đã mất) xây dựng từ số tiền tích cóp từ nuôi vịt nhiều năm trước giờ chỉ còn lại mẹ anh Vươn (hơn 80 tuổi) và người em út bị tâm thần Đoàn Thị Nhánh (39 tuổi) đang ở.

Buồn đau khi chồng đang bị giam, ngôi nhà ở đầm đã bị san phẳng dù không nằm trong phần đất bị cưỡng chế, nhưng chị Nguyễn Thị Thương (42 tuổi, vợ chủ đầm Vươn) và chị Phạm Thị Báu (tức Hiền, 30 tuổi, vợ chủ đầm Quý) vẫn cảm thấy an ủi phần nào khi họ được ở ngoài lo Tết cho đám con trẻ. 

Chị Thương và chị Hiền được tại ngoại dù đã bị khởi tố bị can về tội chống người thi hành công vụ.

“Giờ tôi cũng chẳng biết làm thế nào, đến đâu tính đến đó, thương nhất là mẹ già và đứa em tâm thần không biết lấy gì mà ăn. Trước đây, hằng tháng, chúng tôi vẫn gửi tiền về nuôi mẹ. Sự việc xảy ra như thế, đau buồn lắm. Tôi chỉ mong được hưởng lượng khoan hồng, anh Vươn anh Quý được tại ngoại về ăn Tết” - chị Hiền nói.

Kể từ ngày được tại ngoại, 2 chị Thương và Hiền vẫn xuống khu đầm 21ha của gia đình chưa bị cưỡng chế, hy vọng kiếm được chút con tôm, con cá để lo cái Tết cho gia đình.

Lực lượng trông coi ở đây yêu cầu họ muốn vào đầm phải xin giấy cấp trên, nhưng 2 chị cho biết đã ra UBND xã Vinh Quang xin mãi vẫn chưa được. 

“Khu đầm 21ha của nhà tôi chưa bị cưỡng chế còn nhiều tôm, cá lắm. Tôi nhìn thấy nhiều người cứ ngang nhiên vào đánh bắt hết tôm cá mà xót lòng lắm” - chị Hiền nói.

Ông Nguyễn Văn Đại (ở Hải Dương) kể, anh Đoàn Văn Vươn rất chịu khó. Năm 2001, bị bão đánh vỡ đoạn đê bao ngoài biển bảo vệ đầm, anh Vươn có thuê máy xúc của ông Đại làm lại đê bao, với giá công 250 nghìn đồng/giờ. 

Làm xong đoạn đê bị vỡ, anh Vươn nợ số tiền tổng cộng tính ra hơn trăm cây vàng lúc bấy giờ. “Đến giờ, gia đình anh Vươn đã trả được đồng nào đâu và tôi cũng chưa đòi vì thấy Vươn là người chất phác, chịu khó làm ăn. 

Mỗi dịp Tết đến, Vươn lại đến nhà tôi biếu con cá. Nhiều lúc muốn gọi điện thoại hỏi thăm việc làm ăn của Vươn ra sao, tôi cũng chẳng dám gọi vì ngại Vươn tưởng mình gọi đòi tiền nợ nên thôi”- ông Đại nói. 

Giờ tôi cũng chẳng biết làm thế nào, đến đâu tính đến đó, thương nhất là mẹ già và đứa em tâm thần không biết lấy gì mà ăn. Trước đây, hằng tháng, chúng tôi vẫn gửi tiền về nuôi mẹ. Sự việc xảy ra như thế, đau buồn lắm”. - Chị Hiền nói

Lam Khê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét