Trang

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Trích nhật ký Trinh sát Khoai Lang: Trời ơi, lại còn thế này cơ, phát hàng cứu trợ mà làm như phát học bổng, lãnh đạo địa phương tươi cười trước ống kính, nâng hàng lên, rồi bà con đưa tay đón lấy, nhìn ngứa cả mắt...

Nhiều, rất nhiều lần việc cấp phát cứu trợ đã bị cán bộ địa phương chặn lại. Nói, đề nghị các anh từ từ chút. Sao từ từ? Nói chúng tôi vừa liên hệ, các anh truyền hình sắp tới. Hỏi, truyền hình tới để làm gì? Dạ, để các anh quay chính quyền địa phương phát hàng cứu trợ cứu dân. Mình nổi cáu, chúng tôi đi phát hàng cứu trợ cho dân các anh, dân đang đói, phát ngay cho bà con, bà con đang chờ kia, các cháu đang chờ kia, đợi truyền hình làm gì. Nói, dạ chưa được, phải chờ truyền hình quay. Nhiều lần lằng nhằng theo truyền hình quay mà phát điên.

++

TRUYỀN HÌNH ĐÃ TỚI CHƯA NHỈ?

alt
Đẹp trai thế này, chân cẳng giò dĩa thế này, lại hút thuốc lào dọc đường đi cứu trợ bão lụt thế này lại không quay truyền hình là sao? He he



Trong khoảng 10 năm làm báo Lao Động, mình không nhớ đã bao nhiều lần đi trao hàng cứu trợ bão lụt cho bà con.

Phải ở trong vùng rốn rũ, tận mắt thấy cảnh đói khát, cảnh chết chóc của bà con mình mới cảm được nỗi cơ cực vì lũ bão.

Mình nhớ, cái lần một thân một mình hết đi xe máy, chuyển sang đi bộ, đi thuyền, cưỡi trâu, vượt trên những con đường ngập bùn tới Hương Sơn, Hà Tĩnh trong đợt lũ quét khủng khiếp cách đây mấy năm. Dọc đường 8 lúc đó nước đã rút, mặt đường nổi lên, cứ đi một quãng lại thấy đỏ chói một cỗ quan tài. Nhà ngập trong bùn, trong nước, những quan tài người chết trong lũ đều phải đặt tạm trên đường, che tạm tấm bạt, chờ lũ xuống mới đưa chôn.

Lại nhớ một lần lên vùng rốn lũ xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, cả làng cả xã ngập trắng tận nóc nhà, trên tầng 2 của ngôi trường, một bà cụ đang ngồi nhai trầu bỏm bẽm bên quan tài gỗ, ruồi đã bâu đầy. Hỏi, ai chết, bà cụ nói, chồng bà chết, nhưng mấy ngày rồi nước chưa rút, không chôn được, nay có ruồi rồi.

Những vùng lũ ấy, đói khát mấy ngày bão lũ là khủng khiếp.

Một gói mỳ tôm đưa cho các cháu nhỏ, các cháu lấy răng xé toang, nhai rau ráu. Một phong lương khô đưa, các cháu bẻ vụn, vội vã cho vào miệng, nuốt nghẹn.

Đói và thiếu nước uống.

Rất nhiều hàng cứu trợ ùn ùn đưa về.

Một lần, mình đi theo đoàn của địa phương cứu trợ. Bọn mình tới nơi, nhảy xuống thuyền là vội vã phát mỳ tôm, phát bánh kẹo, gạo, nước uống ngay, nhưng không phải lần nào cũng thuận.

Nhiều, rất nhiều lần việc cấp phát cứu trợ đã bị cán bộ địa phương chặn lại. Nói, đề nghị các anh từ từ chút. Sao từ từ? Nói chúng tôi vừa liên hệ, các anh truyền hình sắp tới. Hỏi, truyền hình tới để làm gì? Dạ, để các anh quay chính quyền địa phương phát hàng cứu trợ cứu dân. Mình nổi cáu, chúng tôi đi phát hàng cứu trợ cho dân các anh, dân đang đói, phát ngay cho bà con, bà con đang chờ kia, các cháu đang chờ kia, đợi truyền hình làm gì. Nói, dạ chưa được, phải chờ truyền hình quay.

Nhiều lần lằng nhằng theo truyền hình quay mà phát điên. Trời ơi, lại còn thế này cơ, phát hàng cứu trợ mà làm như phát học bổng, lãnh đạo địa phương tươi cười trước ống kính, nâng hàng lên, rồi bà con đưa tay đón lấy, nhìn ngứa cả mắt.

Có những lần, bà con đội mưa, đợi, đợi hàng giờ liền chờ các chú truyền hình.

Nếu chúng mình gạt phắt đi chuyện đó, cứ phát, là kiểu gì địa phương nếu không gây khó dễ thì cũng hậm hực, chẳng thèm chào một câu.

Mình nhớ, lần lên cứu trợ ở một xã vùng sâu huyện Minh Hóa, hình như xã Hóa Sơn hay xã gì đó không nhớ lắm, cán bộ xã cứ bắt phải giao mấy xe gạo, mỳ tôm, vật dụng vào kho xã, không cho đưa tới tận tay dân. Hỏi vì sao? Dân đang cần từng hạt gạo, vì sao không tổ chức phát cho dân ngay? Trả lời, để xã liên hệ truyền hình. Bọn mình quyết định tự tổ chức đưa luôn. Đưa thì phải có thuyền vượt lũ. Hỏi xã thuyền, xã nói không có. May có mấy người dân nói thầm, chỗ kia, thuyền xã dấu chỗ kia. Bọn mình kéo thuyền ra, đưa hàng cứu trợ phát cho đến từng hộ. Vật vã cả ngày như thế, đến khi chào về, lãnh đạo xã biến đâu hết, không thèm hỏi lấy câu, làm như bọn mình đến phá hoại không bằng.

Bây giờ thì vẫn thế thôi, vẫn phải có truyền hình, chẳng thay đổi bao nhiêu cái vẻ hình thức ấy.

Có lần, sau chuyến cứu trợ về, ngồi nghỉ, mình nói với mấy em truyền hình rằng, bọn anh khổ như chó để vác gạo, vác mỳ tôm vào tận dân, đéo thấy hình đâu, mấy lão lãnh đạo đứng ở bến, giả vờ bê hàng, các em quay gì quay ghê thế, rồi phỏng vấn phỏng viếc, các anh đẹp trai lồng lộng đây, anh hùng bão lũ đây sao không quay. Mấy em cười he he, nói, các anh đưa hàng cứu trợ xong về ngủ, bọn em về dựng hình, phát sóng, mấy cha lãnh đạo xem còn điện thoại mắng, này, sao hôm đó tôi phát biểu nhiều vậy, tôi đón tiếp hàng cứu trợ lâu  vậy mà quay được tý hình là sao? Khổ lắm chứ bộ.

Rút kinh nghiệm, mấy lần mình đưa hàng cứu trợ tới đâu, mình vác theo cái máy quay ( loại vứt đi, không dùng được) giả vờ quay quay.
Thế là công việc chạy như bay, mấy tay lãnh đạo địa phương cười tươi hơn hớn, khua chân múa tay đôn đốc chia hàng cứu trợ rất nhanh.

Minh Phong- Blogs Cu làng cát ( báo Sài Gòn giải phóng) rất nhiều lần đi với mình, khen, anh khôn thật.

Rồi cười. Nhưng rồi hỏi, lỡ các cha xem ti vi không thấy đâu thì sao?
Mình rít một hơi thuốc lào, nói, kệ mẹ các lão, nhiệm vụ là đưa cho nhanh hàng cứu trợ để cứu đói cho dân không lo, lo đéo chi chuyện lên hình.

Nhưng âm mưu giả vờ quay truyền hình của mình rồi cũng lộ.

Sau này, đi trao hàng cứu trợ ở đâu, thế nào cũng nghe vang vọng một câu của lãnh đạo: Các đồng chí truyền hình tới chưa nhỉ?
__________

Trích nhật ký Trinh sát Khoai Lang


http://bietkichxaxu.blogspot.com/2011/12/trich-nhat-ky-trinh-sat-khoai-lang-troi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét