Trang

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

“Than tặc” làm mất 4.500 tỷ đồng mỗi năm

picture

Khu vực Đồi Sắn, thị trấn Mạo Khê, nơi bị than tặc lấy đi hàng ngàn tấn than dịp Tết Canh Dần (ảnh chụp khi đã hoàn nguyên) - Ảnh: P.H.S/Thanh Niên.



MAI MINH

 Đó là con số ước tính của Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Trần Xuân Hòa, khi ông nói về nạn khai thác, vận chuyển than trái phép đang ngang nhiên diễn ra và ngày càng trở nên mãnh liệt hơn.


Điều mà TKV lo lắng nhất hiện nay là gì, thưa ông?


Nhu cầu than của nền kinh tế tăng cao, đến năm 2015 dự kiến vào khoảng 58-62 triệu tấn; 2020 khoảng 111- 123 triệu tấn; 2025: khoảng 160-179 triệu tấn và 2030 khoảng 242-282 triệu tấn.

Trong khi đó, tài nguyên than đá ở bể than Đông Bắc và vùng nội địa, không kể bể than đồng bằng sông Hồng, tính đến 1/1/2011 là 8,9 tỷ tấn. Theo quy hoạch bể than Đông Bắc và các mỏ than khác (ngoài bể than đồng bằng sông Hồng), sản lượng thương phẩm phấn đấu tối đa khoảng 55-58 triệu tấn vào năm 2015; 60-63 triệu tấn vào năm 2020 và duy trì khoảng 65 triệu tấn giai đoạn 2021-2030.

Với mức huy động sản lượng này, bể than Đông Bắc còn được khoảng 30 năm, sau năm 2030 sẽ cạn kiệt.

Nguồn tài nguyên than có tiềm năng ở đồng bằng sông Hồng (khoảng 39 tỷ tấn) là chủng loại than phù hợp cho đốt điện nhưng chưa được thăm dò, xác minh đầy đủ, vỉa than nằm sâu trong lòng đất (dưới từ 600 - 2.000 m) là nơi có điều kiện địa chất công trình, địa chất thuỷ văn phức tạp, điều kiện khai thác khó khăn, trên bề mặt là ruộng lúa, làng mạc. Đến nay vẫn chưa xác định được công nghệ khai thác phù hợp, nên trong tương lai gần chưa thể hy vọng đưa vào cân đối năng lượng.


Theo tập hợp của các ngành sử dụng than thì từ năm 2015, Việt Nam sẽ bắt đầu thiếu than và tăng dần vào các năm sau. Năm 2015 thiếu 5,8 triệu tấn; năm 2016 thiếu 25 triệu tấn; năm 2017 thiếu 37 triệu tấn; năm 2018 thiếu 52 triệu tấn; năm 2019 thiếu 61 triệu tấn; năm 2020 thiếu 66 triệu tấn.

Tình hình thì khó khăn như vậy, nhưng việc khai thác, vận chuyển than trái phép diễn ra hết sức lộ liễu và công khai. TKV đang phối hợp với công an các tỉnh tổ chức vây bắt các đối tượng khai thác than trái phép. Với mức xử phạt khoảng 20 triệu đồng/xe than rồi sau một ngày bắt thì cũng phải thả xe như hiện nay thì không sao chấm dứt được nạn này. Mỗi năm nước ta mất đi một lượng than rất lớn do nạn khai thác, kinh doanh trái phép, tương đương với 4.500 tỷ đồng.


Theo ông, những lý do nào khiến cho “than tặc” trở nên ngày càng phổ biến như vậy?

Tôi cho rằng, trước hết là vì lợi nhuận từ hoạt động bất hợp pháp này là rất lớn. Lợi nhuận này được tạo ra từ chênh lệch giá.

Có hai dạng chênh lệch giá. Thứ nhất, tại thị trường nội địa, giá than (trừ giá bán cho ngành điện) ở khoảng 1,2-1,7 triệu đồng/tấn tùy loại. Trong khi giá than khai thác trái phép chỉ khoảng 400-500 nghìn đồng/tấn (chưa kể các chi phí khác).


Như vậy, nếu các đối tượng khai thác trái phép hợp pháp hoá than lậu thành than khai thác chính thức (được cấp phép, có đủ giấy tờ, hóa đơn...) thì lợi nhuận thu được khi bán tại nội địa ít nhất cũng gấp đôi.

Thứ hai, trong khi giá than nội địa ở mức như vậy, thì giá than xuất khẩu khoảng trên dưới 110 USD (trên 2 triệu đồng/tấn) và đối tượng khai thác trái phép cũng sẵn sàng hợp pháp hoá nó để xuất khẩu. Các khoản chênh lệch quá lớn này đã khiến các đối tượng thu gom, xuất lậu bất chấp mọi thủ đoạn, để qua mặt các cơ quan chức năng.


Đâu là giải pháp có thể chấm dứt nạn “than tặc”, theo ông?

Nhà nước cần đẩy mạnh việc thực hiện thị trường hóa giá than vì  đây mới là giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề than trái phép. Việc điều chỉnh theo cơ chế thị trường, thời gian qua triển khai chậm.

Khi giá than không còn được bao cấp như hiện nay, sẽ giúp mọi người tiêu dùng đều phải tham gia bảo vệ tài nguyên than, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên không tái tạo này và nạn khai thác, vận chuyển than trái phép cũng không còn động lực để tồn tại.

Mặt khác, thực tế cho thấy, với cơ chế giá than như hiện nay không chỉ tạo ra chênh lệch giá lớn giữa các hộ tiêu dùng trong nước với nhau và với giá  xuất khẩu, mà còn khiến các doanh nghiệp sử dụng than trong nước không có ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả than trong sản xuất, gây khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên than. Mà nguồn tài nguyên này của chúng ta không còn mấy dồi dào trong tương lai.


Tuy nhiên, khó khăn của Chính phủ trong điều hành giá, là không thể điều chỉnh một lần mà có thể thị trường hoá ngay được các loại giá đang còn bao cấp, như giá than vì như vậy có thể làm đảo lộn cả nền kinh tế.

Do đó, những giải pháp trước mắt cho tình trạng này, không chỉ chờ đợi các chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn, tự bản thân TKV cũng tính đến giải pháp cho mình, là thay đổi hình thức vận chuyển than từ khai trường đến các điểm tập kết bằng băng tải thay cho ô tô như hiện nay, vừa giảm được từ 10-15% chi phí trong khâu vận chuyển, vừa mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường và quan trọng hơn cả là hạn chế được tình trạng thất thoát than trong quá trình vận chuyển, cũng như tình trạng vận chuyển than trái phép.


Theo kế hoạch, đến năm 2015, TKV sẽ thay thế hoàn toàn hệ thống vận chuyển than bằng ôtô từ các mỏ, các nhà máy sàng tuyển ra các bến cảng tiêu thụ bằng các hệ thống băng tải. 

http://vneconomy.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét