Trang

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Tác dụng của những cuộc biểu tình “chống Trung Quốc”


Nguyễn Thiện Nhân
-
“Đã có dấu hiệu tích cực từ trong nước đến quốc tế, nếu không có nhiều cuộc biểu tình nổ ra, liệu Đảng và chính phủ có khẩn trương? Thành quả không tự dưng mà có, tất cả đều phải do mồ hôi nước mắt của những người đấu tranh khởi tạo mà nên” – Nguyễn Thiện Nhân
Tác dụng của những cuộc biểu tình trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8 năm 2011 là rất lớn, đáng để lịch sử ghi nhận:

Thứ nhất, nó thu hút sự quan tâm của công chúng khiến người dân tìm hiểu tin tức “lề trái” ngày càng đông đảo hơn, đó là những tin tức mà báo chí chính thống bị kiểm duyệt không đăng hoặc đăng qua loa hoặc đăng không chính xác. Thứ hai, nó khiến Đảng bật đèn xanh cho truyền thông chính thống “lề phải” đưa các tin tức quan trọng về tình hình biển đông và cổ vũ tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân. Thứ ba, nó chuyển tải thông điệp đến bạn bè quốc tế về chủ quyền của VN trên biển đông. Thứ tư, nó buộc chính phủ phải dần dần hành động theo ý chí của nhân dân. Thứ năm, nó cổ vũ cho sự đấu tranh nội bộ của những cán bộ lãnh đạo, đảng viên có tư tưởng cấp tiến.

Cụ thể, trong thời gian biểu tình, các tin tức về “biển đông” ban đầu lác đác xuất hiện trên một số báo “lề phải” theo sau tin “lề trái”; càng về sau xuất hiện dần nhiều hơn và chi tiết, chất lượng hơn nhiều. Tuần đầu, báo “lề phải” gọi biểu tình là “tụ tập”. Tuần sau và các tuần kế nữa thì im lặng. Đến những tuần cuối mới chịu gọi là “biểu tình” và …ô hay, chính quyền Hà Nội ban hành hẳn thông báo cấm biểu tình!!! Sự chuyển biến chuyển từ tránh né sang đối diện, các báo chí lề phải không còn “kiêng kỵ” hay “e dè” khi nói về Hoàng Sa-Trường Sa nữa.

Liền sau 11 lần biểu tình, liên tục có các sự kiện ngoại giao quan trọng của Việt Nam đã diễn ra trong tháng 10, tạo khởi đầu tốt cho một chiến lược quốc tế hóa vấn đề biển đông.

Đáng mừng nhất là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trước quốc hội công khai  rằng: “VN khẳng định có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của VN. Đối với quần đảo Hoàng Sa, năm 1956 TQ đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông. Năm 1974, TQ dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa khi đó trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn (VNCH). Việt Nam Cộng hòa đã phản đối, lên án việc làm này và đề nghị LHQ can thiệp. Chính phủ cánh mạng lâm thời miền Nam Việt Nam cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này”.

Giành lại chủ quyền Hoàng Sa không thể chỉ bằng lời nói hay đàm phán song phương, đó thực sự là một cuộc đối đầu không tránh khỏi.


Đến tháng 11, Mỹ  hành động “tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương” thực chất là tiến hành chiến lược “bao vây TQ”.

Trung Quốc “nóng mũi” đáp trả: “Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào kêu gọi hải quân chuẩn bị sẵn sàng cho các đối đầu quân sự giữa lúc căng thẳng về hàng hải trong khu vực lên cao và việc Mỹ tích cực củng cố vị trí là một thế lực ở Thái Bình Dương” – vnexpress (Trích từ bài “Chủ tịch Trung Quốc yêu cầu hải quân sẵn sàng”).

Các hội nghị quốc tế về vấn đề biển đông đã và sẽ được tổ chức để mổ xẻ và tìm giải pháp cho các xung đột này, đây là việc thuận lợi cho VN và bất lợi cho TQ.

Như vậy, đã có dấu hiệu tích cực từ trong nước đến quốc tế, nếu không có nhiều cuộc biểu tình nổ ra, liệu Đảng và chính phủ có khẩn trương? Thành quả không tự dưng mà có, tất cả đều phải do mồ hôi nước mắt của những người đấu tranh khởi tạo mà nên.

Việt Nam ngày 7 tháng 12 năm 2011
Nguyễn Thiện Nhân.





***   ***   ***

TAG :



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét