Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Khi người dân nơi đây rất bức xúc về trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn làm cho nhiều người chết do rơi từ cầu xuống vì không có lan can bảo vệ, mới đây là cái chết thương tâm của hai đứa trẻ thì trạm thu phí ở cây cầu này vẫn đang hoạt động

Cây cầu ‘tử thần’ và sự vô cảm

Sự việc hai cái chết thương tâm của hai chị em tại xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khi đi qua cây cầu “tử thần” chưa nguôi thì khi chúng tôi có mặt nơi đây, chính quyền sở tại vẫn ngang nhiên đặt “trạm thu phí” đối với phương tiện khi đi qua cây cầu mục nát này.

Khi mà câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu trong vụ việc hai đứa trẻ bị chết khi rơi từ cây cầu không có lan can đã là nỗi bức xúc từ lâu nay của người dân nơi đây, thì trạm thu phí ở cây cầu này vẫn đang hoạt động.


Nín thở qua ”cầu Ải”


 
Người dân của các thôn Vĩnh Phú, Vĩnh Long, Phú Thượng, Đồng Tiến, Hải Thành… thuộc xã Kỳ Khang hàng ngày phải liều mình qua cây cầu Long, mặt cầu bị bong, trên cầu không có lấy một lan can chắn hiểm, mỗi khi qua đây lại rùng mình vì có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào nếu chẳng may sơ ý.

Cây cầu Long Giang bắc qua Sông Nhà Lê, thuộc Xã Kỳ Khang có tổng chiều dài 55m rộng 3,5m đã tồn tại hàng chục năm nay, là cây cầu duy nhất của 2.800 hộ dân của 11 thôn ở xã Kỳ Khang. Khi xây dựng, cây cầu đã không có hệ thống lan can bảo vệ.
 
Cây cầu “tử thần” nơi hai chị em Hồng và Hà bị chết đuối
             
Mặt cầu nhỏ bé tồn tại những ổ gà, ổ voi. Nơi đây đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn, và đã có nhiều người chết do không có lan can bảo vệ. Nhưng chẳng được chính quyền khắc phục.
  
Mặc dầu vậy, trong những năm gần đây cây cầu có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng, mố cầu bị bong, mặt cầu xuất hiện nhiều ổ voi,ổ gà, chân cầu bị rạn nứt, hai bên bị sập những khối đá to.

Phía dưới bị lún xuống sông gần 1m khiến cây cầu nhìn thấp hơn. Nguy hiểm hơn, mặc dầu bề ngang của cầu rất hẹp nhưng không có lấy một thanh ngang chắn hiểm, dưới sông mực nước sâu hơn 3m lại chảy xiết nên những ai qua đây cũng không khỏi giật mình.
Đặc biệt là những lúc gặp phải xe ô tô đi qua, trời mưa đường trơn cầu vừa hẹp lại phải tránh xe.

Qua tìm hiểu, được biết, cây cầu này hàng ngày có hàng trăm học sinh của các trường THPT, THCS, Tiểu học phải đi qua. Đó cũng là nỗi lo lắng của những bậc phụ huynh khi hằng ngày phải nín thở nhìn các con qua cầu tìm chữ.

Anh Nguyễn Văn Hùng một phụ huynh có ba con học tại trường THCS và Tiểu học Kỳ Khang bày tỏ: Thấy con đi học lâu không về là vợ chồng tôi lại hồi hộp, mặc dầu bận công việc nhưng cũng phải cố ra đứng chờ bên cạnh cầu để chờ con vì sợ xảy ra gì khi đi qua cây cầu này.

Còn đối với những giáo viên hai trường THCS và tiểu học của xã, là hai trường có số học sinh và giáo viên đông nhất huyện, hàng ngày phải qua cây cầu này. Mọi người vẫn gọi nó một cái tên khác – cây cầu Ải, cái tên cầu đã được gắn từ lâu vì quá nguy hiểm.

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều học sinh và giáo viên rơi xuống đây. Một thầy giáo dạy tại trường THCS Kỳ Khang cho biết, nhiều lần họp trường, nhà trường có đề nghị xã làm rào chắn an toàn cho cầu để học sinh qua đây được đỡ nguy hiểm. Không hiểu sao xã hứa, nhưng không có động tĩnh gì thành ra cũng chỉ… chờ vậy.

Không chỉ những giáo viên nơi đây phản ánh mà người dân nơi đây cũng rất bức xúc về tình trạng của cây cầu quá nguy hiểm nhưng vẫn không được khắc phục. Thông tin phản ánh đã nhiều, chưa giải quyết được thì đã có hậu quả nghiêm trọng khi hai bé gái chết đuối.

             
Trong khi đó, trạm thu phí vẫn hoạt động trong nhiều năm nay. Hình ảnh phóng viên chụp được sau 2 ngày xảy ra sự việc hai bé gái chết đuối, được sự đồng ý của xã, người có nhiệm vụ gác trạm vẫn thu tiền các phương tiện, như chưa có chuyện gì xẩy ra.
  
Ông Đặng Hải Trinh (SN 1963) bức xúc nói: Cây cầu này đã lấy đi nhiều mạng sống của dân địa phương chúng tôi, nhiều lần họp dân phản ánh nhưng không hiểu sao đến nay vẫn không thấy ai đứng ra giải quyết”

Còn anh Trần Văn Dũng thì bộc bạch: nếu xã cần dân chúng tôi đóng góp để làm thì chúng tôi sẵn sàng, nhưng đằng này xã chỉ biết im lặng.

Cũng theo những người dân, hơn 3 năm trở lại đây đã xảy ra hàng trăm vụ rơi cả xe lẫn người xuống dòng sông này, cướp đi sinh mạng nhiều người dân. Còn xe, trâu bò qua lại bị té xuống sông thì diễn ra như cơm bữa. 


Chính quyền vô cảm?


Một người dân sống tại đây từng nhiều lần tham gia cứu vớt người bị té cho biết: Cầu đã như vậy, nhưng điều trớ trêu là tại cây cầu này lại xuất hiện một trạm thu phí qua cầu do xã cho một người dân đứng ra thầu thu phí, làm cho những lái xe không khỏi bực mình.
 
             
Theo thông tin từ Phó chủ tịch xã, mỗi năm xã thu được 40 triệu đồng tiền khoán cho hộ dân lập trạm thu phí. Thế nhưng cây cầu lại trở thành nỗi ám ảnh của hàng ngàn người dân.
  
Trạm thu phí đã được lập từ lâu nay, mặc dù cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng, chẳng có lan can bảo vệ. Chẳng ai muốn đi qua cây cầu tử thần này, nhưng vì là tuyến duy nhất của hàng ngàn người dân Kỳ Khang nên chẳng có cách nào hơn để qua sông.

Anh Lê Xuân Hải, một lái xe thường xuyên qua cây cầu này bức xúc nói, cầu đã hẹp lại ổ gà, ổ voi không có lấy một lan can mà không biết họ dựng trạm thu phí lên đây để làm gì, mỗi ngày có tới hàng trăm lượt xe qua, lượt nào cũng phải đóng phí.

Đáng chú ý là sau cái chết thương tâm của hai chị em Hồng và Hà, khi chúng tôi trở lại nơi đây, trạm thu phí vẫn được hoạt động công khai, bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Một người thu phí vẫn đều đặn ra chặn xe, thu tiền khi phương tiện đi qua cây cầu Ải.

Đem sự việc trên trao đổi với chính quyền xã thì được ông Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang cho biết, xã chưa làm được vì đang chờ kinh phí của huyện cấp về, hoặc chờ có dự án nào đó thì mới triển khai.

             
Mố cầu đã bị bong ra rộng và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa.
  
Thế nhưng khi hỏi đến câu chuyện xã lập trạm thu phí qua cầu từ bao giờ thì vị lãnh đạo xã này lại cho biết, trạm thu phí được lập từ năm 2001 do ông Nguyễn Tiến Phong đấu thầu. Mỗi năm phải nộp vào ngân sách xã 40 triệu đồng.

Khi hỏi đến số tiền lệ phí qua cầu thu được trong bao nhiêu năm qua xã sử dụng vào mục đích gì? Sao không tu sửa cây cầu thì ông phó chủ tịch xã im lặng rồi nói: Do xã còn nghèo?!.

Sau cái chết tức tưởi mới đây nhất của hai chị em, câu chuyện trách nhiệm của các cấp liên quan vẫn đang được bỏ ngỏ. Mặc dù tai nạn thương tâm xảy ra nhưng sự vô cảm của chính quyền sở tại vẫn tiếp tục khi trạm thu phí vẫn hoạt động và không có thêm biện pháp nào cảnh báo đối với người dân khi đi qua cây cầu này.

Thùy Vy – Duy Tuấn



+++++++++++++



Người mẹ ngất lịm tiễn đưa 2 con chết đuối


Cơn mưa tầm tã tại vùng quê nghèo Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) không ngăn nổi bước chân của những người đến tiến đưa hai chị em xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng. Người mẹ có hai con chết một lúc đã ngất lịm...  
Buổi chiều định mệnh ngày 5/12, cũng như bao lần khác, hai chị em Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Hà lại chở nhau bằng xe đạp qua cây cầu Long Giang rộng chưa đầy 2m. Trên cầu không có một thanh ngang chắn bảo vệ.

Rồi tai hoạ bỗng dưng ập đến khi hai cô bé phải tránh chiếc xe ngược chiều và rơi xuống sông. Hàng chục con người đã lao xuống dòng nước lạnh giá để mong sao cứu vớt được hai em.

Nhưng rồi, khi được vớt lên, người em đã chết. Còn thi thể người chị, phải mấy tiếng sau mới được đưa lên khỏi dòng nước đục ngầu, lạnh lẽo.

 
Buổi tiễn đưa đầy nước mắt.
  Trở lại vùng quê Vĩnh Phú của xã vào một ngày mưa rơi tầm tã. Cơn mưa ngày càng nặng hạt khiến cho không khí vốn đã u ám ở đây thêm buồn thảm. Vụ chết đuối thương tâm của hai chị em ruột đã khiến cho những bậc làm cha làm mẹ không khỏi xót thương.

Vừa mới đến đầu làng, tiếng trống, kèn vang lên, hai bên đường, những cây cờ đám ma đã được cắm xuống để chuẩn bị tiễn đưa hai đứa trẻ về với đất. Xen lẫn vào đó là những tiếng khóc thảm thiết của người mẹ cùng những giọt nước mắt của các thầy, cô, các  em học sinh trường THCS Kỳ Khang, nơi em Hà đang học. 

Ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở cuối xóm Vĩnh Phú, nơi thường ngày hai em Hồng và Hà vẫn vui đùa với những đứa em, nay thay vào đó là hình ảnh buồn u ám. Trên sân trước nhà, một chiếc bàn thờ được anh em họ hàng lập vội, đằng sau những nải chuối, khói hương nghi ngút là di ảnh của hai đứa bé gái.

Ngồi sát linh cữu hai em là người mẹ, cô bác chú dì. Những  tiếng khóc như ai oán trước cái chết thương tâm của hai em khiến cho những người có mặt không cầm nổi nước mắt.
Chị Trịnh Thị Nhi, một hàng xóm không giấu nổi xúc động: hai cháu là con đầu trong nhà, chúng nó siêng năng và lễ phép với mọi người lắm. Thường khi tan trường thì bé Hà lại về nhà cùng với chị đỡ đần giúp mẹ.

Nói rồi giọng chị Nhi nghẹn lại, như có cái gì mắc ngang cổ họng, đôi mắt rươm rướm nước mắt.

 
Trên chiếc bàn thờ lập vội, sau khói hương nghi ngút là di ảnh của hai đứa trẻ tội nghiệp.
  Đến tiễn đưa hai em hôm nay, có cả thầy cô giáo và các bạn học sinh đồng trang lứa. Ngày hôm qua còn mới vui đùa cùng nhau, thế mà...

Em Nguyễn Phương Anh, người bạn thân của Hà khóc nấc nghẹn ngào, hai quầng mắt đỏ hoe: “Hà ơi sao bạn lại bỏ lớp, bỏ bạn mà đi? Lớp học từ nay vắng bóng Hà, sao chúng mình chịu nổi?”. Những câu hỏi của trẻ thơ cứ vang lên, nhưng chẳng ai trả lời.

Chị Ngọc, người mẹ của hai em, mỗi lần ngước lên bàn thờ là lại ngất lên ngất xuống. “Trời đất ơi, các con ơi sao lại bỏ cha mẹ mà đi con ơi? Con nói con chờ cha về để cho tiền mua quần áo nhưng con lại bỏ đi nhanh rứa...? Con nói mẹ ở nhà chờ con để con vào đón chị về. Sao hai đứa đi mãi không về?”.

Những đứa em của Hà và Hồng còn quá bé, chúng vẫn chẳng thể biết được chuyện gì đang xảy ra, chỉ thỉnh thoảng lại hỏi ngây ngô: 2 chị đâu rồi? Những chiếc khăn tang trắng toát được người lớn thắt vào đầu chúng để chịu tang hai chị.
 
Bạn bè cùng trang lứa đến tiễn hai em về “nơi cuối cùng”.
  Nghe tin hai con mất, bố của hai em là anh Nguyễn Văn Quý, hiện đang đi lao động ở nước ngoài được hai tháng cũng đã hoảng hốt, bay về cho kịp lễ tiễn con.

Hàng xóm láng giềng cho biết, gia đình anh chị Ngọc có 5 người con. Hồng và Hà là hai chị đầu trong gia đình, còn sau là 3 đứa em nhỏ, do cả hai vợ chồng không có việc làm nên đầu năm vừa rồi, chị Ngọc phải chạy vạy tiền cho chồng đi lao động ở nước ngoài, kiếm tiền nuôi các con ăn học.

Những tiếng khóc ai oán vẫn vang lên. Mọi người ai cũng xót  thương cho hai đứa trẻ chết quá oan uổng. Nếu chính quyền và các cơ quan chức năng có trách nhiệm hơn, nếu cây cầu được dựng lan can và nhiều lắm những câu hỏi về trách nhiệm.



+++++++++++



Rơi xuống sông, 2 chị em chết thương tâm


Vụ việc đau lòng trên xảy ra vào lúc 13h ngày 5/12/2011, trên cầu Long Giang thuộc xóm Vĩnh Phú, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Nạn nhân là hai chị em ruột, người chị là Nguyễn Thị Hồng (SN 1995) và em gái là Nguyễn Thị Hà (SN 1997), đều là học sinh Trường THCS Kỳ Khang. 

Vào thời gian trên, người em là Nguyễn Thị Hà trên đường đi học về vào Thị trấn Kỳ Anh đón chị gái cùng về. Trên đường về nhà, qua chiếc cầu thì gặp phải một người đi xe máy ngược chiều. 


             
Hiện trường vụ việc

Do cầu hẹp, em Hà đã luống cuống, không thể kiểm soát tay lái nên cả hai chị em đã bị rơi xuống cầu.

Sự việc diễn ra khá nhanh, mặc dù được nhiều người dân phát hiện và tìm cách cứu nhưng do nước sông quá sâu lại chảy xiết nên 2 chị em đã bị nước cuốn trôi.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ xác của người em mới được vớt lên, còn thi thể người chị hiện vẫn chưa tìm thấy, nhiều người ở đây đang tập trung tìm kiếm.


 Người dân đang tìm kiếm thi thể nạn nhân

Cầu Long Giang nằm trên trục đường chính của xã Kỳ Khang, lượng người qua lại khá đông. Cây cầu đã quá cũ, bị hư hỏng nặng, mố cầu bị bong, hai bên cầu không có lan can bảo vệ.

Một người dân ở xóm Vĩnh Phú bức xúc, hầu như tuần nào ở đây cũng có người rơi xuống cầu. Chỉ tính hai năm trở lại đây đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn khi qua cầu, cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Thúy Vy




++++++++++++++


CẦN CÁC BẠN GIÚP MỘT TAY

Người phụ nữ yêu nước Bùi Thị Minh Hằng hiện đang bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ trái pháp luật tại trại tù trá hình, Cơ sở giáo dục Thanh Hà (Phân Khu 3 ), xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Chúng ta hãy treo avatar của chị Bùi Hằng, đăng ở blog câu : " HÃY TRẢ TỰ DO CHO BÙI HẰNG" và thay phiên gọi vào CSGD Thanh Hà để thăm chị Hằng, số phone là 0211-3832-033
-----> http://bietkichxaxu.blogspot.com/2011/12/nguoi-phu-nu-yeu-nuoc-bui-thi-minh-hang.html

Tiếp tục gởi thư ra quốc tế về sự bắt giữ trái pháp luật chị Minh Hằng tại Sài Gòn
-----> http://bietkichxaxu.blogspot.com/2011/11/thu-goi-quoc-te-ve-su-bat-giu-trai-phap.html


+++++

Hãy chung tay hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần để giúp gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn sống sót trước sự đàn áp tàn nhẫn, đánh đập, cướp bóc, cô lập, khủng bố tinh thần, ... của nhà cầm quyền CSVN. Liên lạc gia đình nhà văn theo thông tin như sau ---> http://bietkichxaxu.blogspot.com/2011/12/nha-van-huynh-ngoc-tuan-csvn-se-khung.html

+++++

Các bạn hãy ký vào thỉnh nguyện thư gửi TT Hoa Kỳ , xin can thiệp dùm trường hợp vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn hiện nay. ---> http://www.change.org/petitions/the-president-of-the-united-states-of-america-and-the-us-representatives-to-urge-the-vietnamese-government-to-cease-their-harassment


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét