Trang

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Học sinh lớp 5, lớp 7 vẫn mù chữ

Không có học sinh mù chữ
dù vẫn đến lớp mỗi ngày mới là chuyện lạ
tại Việt Nam hiện nay. (Hình: Internet)
Hậu quả 'bệnh thành tích giáo dục' ở Việt Nam

ÐỒNG THÁP (NV) - Một số thầy cô giáo trường tiểu học An Bình B ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp gây chấn động dư luận khi tiết lộ tin đang dạy nhiều học sinh... không biết chữ.

Ðây là vụ “lùm sùm” thứ hai sau vụ một học sinh lớp 7 được khám phá tại Qui Nhơn: vẫn đến lớp đều đặn mà không biết đọc và không biết viết.


Một giáo viên Ðồng Tháp xin được giấu tên tiết lộ sự thật phũ phàng: “Lớp tôi có khoảng năm, sáu em đang học lớp 3 nhưng hoàn toàn mù chữ. Tại một lớp 5 khác có học sinh không làm được bài toán chia. Thế nhưng chúng tôi được lệnh của thầy hiệu trưởng vẫn phải chấm điểm 10 bài thi cuối kỳ của các em.”

Tình trạng này, theo nhiều thầy cô giáo trường tiểu học An Bình B, kéo dài hàng chục năm nay. Có người biết nhưng hiểu rằng không thể nào làm khác được nên không dám hé môi.

Báo Tuổi Trẻ xác nhận tình trạng này và cho biết đã đích thân gặp một học sinh lớp 3/1 trường tiểu học An Bình B. Em tên Nguyễn Thị Kim Chi, ngụ tại xã An Bình chỉ đọc được vài chữ trong bảng 26 chữ cái tiếng Việt. Bé Chi cười trừ khi nhìn vào chữ cái “m,” hoặc “n,” hoặc “h.”

Một em khác của trường tên Mai Phước Thiện đang học lớp 5/1 không làm được toán chia. Dù vậy, bài kiểm tra môn toán làm ở lớp ngày 7 tháng 12 vừa qua gồm rất nhiều bài toán chia lại được thầy chấm điểm...10. Em Thiện thú nhận chép “nguyên xi” bài giải trong sách hướng dẫn chứ không hề biết làm toán. Khi được yêu cầu làm thử bài tính 5.24 chia cho 4 thì em này cắn bút chịu thua.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, ông hiệu trưởng trường tiểu học An Bình B, Vương Thành Chia xác nhận “có nghe tin của các giáo viên ở trường phản ảnh sức học yếu của học sinh” và cam kết sẽ “coi lại xem sao.”

Nguồn tin này đã gây chấn động dư luận tỉnh Ðồng Tháp mặc dù không lạ đối với một số thầy cô giáo tỉnh này. Một nhà giáo cho biết đang có một học sinh lớp 2 của ông bị mù chữ. Ông yêu cầu ban giám hiệu đưa em này xuống lớp 1 để học lại nhưng họ không đồng ý vì sợ mất điểm thi đua.

Một giáo viên khác khẳng định đó là bệnh thành tích đã làm ngành giáo dục đi thụt lùi trong gần 40 năm qua tại miền Nam Việt Nam.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời của nhà giáo này nói rằng “bệnh thành tích nhan nhản cả nước chứ không phải riêng tại Ðồng Tháp.” Theo bà, thầy giáo sẽ bị trừng phạt nếu để học sinh ở lại lớp và họ bị thúc ép phải làm mọi cách để 100% học sinh được lên lớp, mặc dù không đủ sức để theo học lớp cao hơn. Bà cũng cho biết, mỗi lớp có từ hai học sinh có sức học dưới mức trung bình thì giáo viên đó bị tước danh hiệu “lao động tiên tiến” nghĩa là bị cắt tiền thưởng quý, tiền thưởng năm.

Bà thú nhận: “Tôi nghĩ rằng vì sức ép của cuộc sống, hầu như không có nhà giáo nào đứng trên bục giảng vì lợi ích của học sinh mình.”

Một giáo viên khác xác nhận thực tế phũ phàng của nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Bà nói: “Học sinh lớp 3 không đọc được chữ cái thì không lạ bằng chuyện học sinh lớp 7 mù chữ và học lớp 9 mà không thuộc cửu chương. Nếu không có những chuyện lạ kỳ đó thì đó mới là... lạ trong nền giáo dục Việt Nam nước ta hiện nay.”

Chỉ vài tuần trước đây thôi, người ta đã khám phá trường hợp cậu bé 15 tuổi đến lớp học mỗi ngày mà không biết đọc, không biết viết. Cậu bé này tên Nguyễn Văn Nhất, cư dân thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, học sinh lớp 7A5 trường trung học Ðống Ða, Qui Nhơn.

Ngày 17 tháng 7, 2011, báo Tuổi Trẻ tường thuật một hội nghị “Tổng kết 4 năm thực hiện chỉ thị của thủ tướng về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” tổ chức ở ngay tỉnh Ðồng Tháp (cái tỉnh đang có nhiều học sinh lới 3, lớp 5 mà vẫn mù chữ). Trong bản tin này, tờ báo thuật lời ông Phạm Vũ Luận, thứ trưởng Giáo Dục, nhìn nhận bệnh thành tích trong giáo dục “vẫn chưa xóa sạch được.”

Ðến ngày 10 tháng 12, 2011, báo Dân Trí có bài viết nói học sinh “ngồi nhầm lớp” vẫn còn là vấn nạn.

Năm 2007, báo chí ở Việt Nam đua nhau đưa tin phần lớn các tỉnh ở Việt Nam đều có tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” rất trầm trọng. Tức là có tình trạng học sinh học trung học mà không biết làm các phép tính căn bản. Không biết chữ vẫn có bằng tốt nghiệp trung học. Số lượng học sinh “ngồi nhầm lớp” trên cả nước thời gian đó có thể nói vô cùng phổ biến vì các quan chức sợ “mất điểm thi đua.” Các học sinh yếu kém đều cho lên lớp, cho dù không học được gì. Năm này, tỉ lệ học sinh bỏ học cũng vô cùng kinh hoàng.

Bây giờ, một chút tin tức hé ra cho thấy những hô hào chấn chỉnh “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục tại Việt Nam vẫn không có bao nhiêu thay đổi trong thực tế. (PL & TN)


*** *** ***

TAG :


*** *** ***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét