Trang

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Gần 90% doanh nghiệp Hải Phòng: Thờ ơ với bảo hiểm cháy, nổ!

GiadinhNet - Hải Phòng là địa bàn có nhiều doanh nghiệp đặc thù liên quan đến việc phải tham gia bảo hiểm cháy nổ (BHCN) bắt buộc, thế nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 10% số đó tham gia.

Lực lượng công an kiểm tra BHCN bắt buộc ở một đơn vị kinh doanh xăng dầu tại Hải Phòng.  Ảnh: M.LÝ

5 năm, "bắt" được... 10%
Dù nằm trong diện bắt buộc và có quyền lợi, nghĩa vụ sát sườn liên quan đến cháy nổ, song các doanh nghiệp Hải Phòng vẫn đang tìm cách "né" BHCN bắt buộc. Hầu hết họ đều cho rằng, nguyên nhân chủ yếu lại đến từ chính sách, mà cụ thể là những bất cập của Nghị định 130/2006/NĐ-CP về BHCN bắt buộc.
Nghị định 130/2006/NĐ-CP được ban hành ngày 08/11/2006, quy định về BHCN bắt buộc đối với tài sản của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, cơ sở phải mua BHCN bắt buộc. Theo đó, hiện nay Hải Phòng có trên 1.400 cơ sở, doanh nghiệp thuộc diện phải mua BHCN bắt buộc. Tuy nhiên trên thực tế hiện tại, số cơ sở, doanh nghiệp mua BHCN bắt buộc chỉ chiếm khoảng 10%.
Vì thế, khi xảy ra hỏa hoạn, nhiều cơ sở, doanh nghiệp khóc dở mếu dở, ngậm ngùi chịu thiệt hại mà không được đền bù. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2011 đến nay, Hải Phòng đã xảy ra 37 vụ cháy, 1 vụ nổ, làm chết 14 người, bị thương 33 người, thiệt hại hàng chục tỷ đồng tài sản của doanh nghiệp, người dân. Thế nhưng khi cần đến sự bù đắp, hỏi ra mới hay họ đều không tham gia BHCN bắt buộc. Lúc đó, giải pháp duy nhất được sử dụng là kêu gọi... tấm lòng từ thiện?! Vụ cháy ở xã Tân Dân (An Lão) vừa qua là một ví dụ điển hình.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về vấn đề này, Thượng tá Phạm Viết Dũng - Phó Giám đốc Sở cảnh sát PCCC Hải Phòng thừa nhận, từ khi Luật Phòng cháy chữa cháy và Nghị định 130/2006/NĐ-CP về BHCN bắt buộc có hiệu lực thi hành đã có tác động nhất định đối với ý thức phòng cháy chữa cháy và tham gia BHCN bắt buộc của người dân và các tổ chức. Thế nhưng, đánh giá về số lượng tham gia, Thượng tá Dũng cho rằng: "Trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập". 
Hẹp cửa "sống", rộng cửa lách! 
Ông Phạm Tuấn Minh, Phó trưởng phòng BH tài sản, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp viện đủ lý do để trốn tránh việc mua BHCN bắt buộc. Họ cho rằng họ không thuộc diện tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo Nghị định của Chính phủ. Doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất nhỏ lại càng không thừa nhận việc mua BHCN bắt buộc vì... không có văn bản, thông báo nào từ các cơ quan chức năng xác định doanh nghiệp của họ thuộc diện điều chỉnh của Nghị định(?!). Chưa kể, nhiều doanh nghiệp còn nhận thức lệch lạc, họ đã mua BHCN tự nguyện nên không phải mua BHCN bắt buộc. Doanh nghiệp hào hứng với BHCN tự nguyện vì chi phí rẻ hơn BHCN bắt buộc và về cơ bản lại bảo đảm quyền lợi cho họ. Thậm chí còn có doanh nghiệp cãi bừa: Công ty mẹ ở nước ngoài không đồng ý do... không biết có Nghị định về BHCN bắt buộc tại Việt Nam. 
Trong khi khối doanh nghiệp thờ ơ và tìm mọi cách để "né" BHCN bắt buộc thì nhiều cơ sở, nhất là 150 chợ ở Hải Phòng rất muốn mua bảo hiểm nói chung và BHCN bắt buộc nói riêng nhưng lại không mua được. Nguyên do bởi, Cảnh sát PCCC không cấp giấy " đủ điều kiện về PCCN" cho họ nên chẳng cơ quan bảo hiểm nào dám bán. Lý giải việc này, ông Hoàng Văn Bình, Trưởng phòng kiểm tra, hướng dẫn PCCC (Sở Cảnh sát PCCC Hải Phòng) cho biết: "Họ không đủ điều kiện thì làm sao cấp giấy đủ điều kiện được".
Đại diện Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Minh lý giải, xảy ra tình trạng trên là do những vướng mắc từ hệ thống văn bản pháp luật. Trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập như: Đối tượng buộc phải tham gia (16 nhóm) chưa bao quát, bản dịch tiếng Anh chưa hoàn thiện và công khai rộng rãi, biểu phí, mức khấu trừ BHCN bắt buộc cao hơn biểu phí bảo hiểm tự nguyện, chưa có hướng dẫn bảo hiểm, quy tắc đối với các rủi ro phụ. Quy định chỉ chi hoa hồng 5% cho cơ quan PCCC, trong khi người thực hiện, chào bán bảo hiểm không được hưởng cơ chế khiến doanh nghiệp bảo hiểm cảm thấy không thỏa đáng. Mặt khác, chế tài xử phạt chỉ từ 2 - 5 triệu đồng khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận không mua BHCN bắt buộc mà muốn... chịu phạt.
Trong khi đó, rủi ro do cháy nổ đang xảy ra ngày càng nhiều và mức độ gây thiệt hại cho doanh nghiệp ngày càng nghiêm trọng. Rất nhiều doanh nghiệp đánh giá cao sự ra đời của Nghị định 130 bởi nó giúp doanh nghiệp bớt khó khăn khi xảy ra sự cố cháy nổ song cũng không ít doanh nghiệp đang tìm mọi cách để né tránh nó. Họ có cơ sở, có điều kiện để né tránh cũng bởi bản thân Nghị định 130/2006/NĐ-CP về BHCN bắt buộc này không chỉ gây khó dễ mà còn để mở nhiều "lổ hổng" để doanh nghiệp có thể từ chối nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp bán bảo hiểm trong nước, lý do khiến các doanh nghiệp lựa chọn cơ quan bảo hiểm nước ngoài, liên doanh là do bảo hiểm của họ có thủ tục nhanh gọn, không đòi hỏi quá nhiều chữ ký, văn bản giấy tờ thủ tục, cơ chế thông thoáng, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt. Ví dụ: Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng có tới 70-80% Hợp đồng BHCN bắt buộc là mua của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài (chủ yếu là doanh nghiệp Nhật Bản) do đồng ngôn ngữ, cam kết không phức tạp và có chính sách chăm sóc khách hàng rất tốt.
Minh Lý

Hà Nội: Nhiều nhà máy nước tiền tỉ bỏ hoang

GiadinhNet - Những năm qua Nhà nước đã chi tiền để xây dựng 16 trạm bơm nước sạch cung cấp cho người dân vùng nông thôn, nhưng phần lớn là dang dở hoặc, xây xong rồi bỏ hoang.
Nhà máy nước Tam Hiệp xây xong rồi bỏ hoang. Ảnh: M.H
Đơn cử như công trình nước sạch tại xã Phùng Xá, Thạch Thất đã được đầu tư tiền tỉ để phục vụ nước sạch cho hàng nghìn người dân trong xã, nhưng sau khi khởi công gần chục năm nay những gì hiện hữu của công trình vẫn chỉ là một cái... ao tù cho người dân thả vịt.
Người dân tại thôn 6, xã Phùng Xá bức xúc cho biết: "Công trình đang thi công không hiểu sao không thi công tiếp, hiện tại người dân chúng tôi vẫn phải dùng nước giếng khoan có màu nước vàng khè, tanh lợm".
Theo ghi nhận, nếu công trình này được tiếp tục đầu tư thì các thiết bị tiền tỉ phần lớn sẽ phải "khai tử" vì thời gian bỏ hoang quá lâu nên đã gỉ sét, xuống cấp.
Cũng không kém phần thê thảm, đó là tình trạng "đắp chiếu" gần chục năm của trạm bơm nước sạch xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ. Công trình trên 7 tỉ đồng này sau khi được xây dựng xong, thay vì vận hành cung cấp nước cho người dân sử dụng thì lại bị bỏ hoang. Cạnh công trình bỏ hoang này có một nhà hàng ăn uống. Vô hình chung trạm bơm nước trở thành nơi "giải quyết nhu cầu cấp bách" cho nhiều thực khách.
Ông Nguyễn Xuân Thẩm ở xã Tam Hiệp nói: "Từ ngày có nhà máy nước, nhiều cấp ngành đến hỏi chúng tôi quá mà nước thì vẫn ở mãi tận đâu không thấy. Từ khi xây xong đến nay đã được hơn 7 năm rồi mà người dân chúng tôi vẫn phải mỏi cổ chờ nước. Ném tiền tỉ vào đó rồi bỏ hoang, xót xa quá"- ông Thẩm nói.
Thiết nghĩ đã đến lúc UBND TP Hà Nội cần phải rà soát lại tính hiệu quả của các công trình nước sạch này tránh tình trạng tiền của Nhà nước được đầu tư không phát huy hiệu quả để kết cục Nhà nước mất tiền và người dân vẫn khát nước sạch.
Mai Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét