Trang

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Chuyện chưa kể ngày 27 tháng 11 - Thư gửi con trai

Posted on by Dân Làm Báo


Một người bạn gửi cho tôi lá thư này. Tôi đã xin phép được đăng lên đây, để mọi người cùng đọc và chia sẻ


Con trai yêu quý!




Suốt đêm qua mẹ phải ngồi trong toilet vì bị ngộ độc thức ăn, đến nỗi 2 bàn chân mẹ bị xuống máu sưng phù lên. Sáng nay, mẹ ra khỏi giường trong tình trạng mệt mỏi vì thiếu ngủ, và kiệt sức vì bị mất nước. Nhưng hôm nay là một ngày quan trọng, ngày mọi người đi ủng hộ ra luật biểu tình! Mẹ không thể bỏ đồng đội.


Trưa hôm qua, công an đã mời theo kiểu ép buộc tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, chú Phạm Chính và anh Dũng “hỏa lò” đến làm việc, mãi tận tối khuya mới thả ra. Sáng nay chú Diện lại bị buộc phải tiếp tục đến làm việc với công an, nếu không sẽ bị cưỡng chế như tội phạm. Điều này báo hiệu hôm nay sẽ có đàn áp, bắt bớ lớn. Vì thế hôm qua, mẹ đã dặn dò và bàn giao tất cả tài chính cho bố. Mẹ cũng đã chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cá nhân cần thiết nhất (đồ lót, tất chân, khăn mặt và bàn chải đánh răng) vào chiếc balô của mẹ.

Vừa rửa mặt xong thì mẹ nhận được tin nhắn của bác Bích Phượng: “Nếu hôm nay chị bị bắt, nhờ em báo tin giúp cho bố chị và động viên cụ nhé. Chị tin vào khả năng thuyết phục của em”. Đọc tin nhắn của bác Phượng, lòng mẹ bỗng trào lên cảm giác vô cùng chua xót, không thể nói nên lời.

Mẹ hẹn bác O cùng đi xe máy vào gửi ở sân khu tập thể nhà bà ngoại, rồi đưa vé xe cho cậu D và dặn: “Nếu chị không về thì cất xe máy vào nhà, và đừng nói với mẹ là chị bị bắt. Cứ bảo là chị đi công tác nhé, kẻo mẹ buồn”. Bởi nếu mẹ gửi xe máy ở Bờ Hồ mà hôm nay bị bắt, thì không thể lấy được xe về, vì vé xe mình cầm, mà lại không được liên lạc hoặc gặp gỡ người nhà.

Mẹ và bác O ra đến vườn hoa Lý Thái Tổ thì hỡi ôi, thực là khủng khiếp. Có đến hàng trăm công an chìm nổi giăng khắp khu vườn hoa và quanh bờ hồ, cùng những chiếc xe cảnh sát và xe buýt đã đợi sẵn để bắt người. Giá mà với những âm mưu xâm lược của bọn bành trướng, và với cả vạn lao động lậu Trung Quốc đang tràn ngập khắp VN, lực lượng an ninh cũng “chăm sóc” kỹ thế này có phải đất nước được bình yên không. Giá như những ngư dân Việt Nam vô tội đang hàng ngày bị bắt nạt, bị cướp trên ngay chính hải phận của nước mình, cũng được nhà nước quan tâm như thế này có phải ngư dân được an toàn không. Đằng này họ lại quá cảnh giác với những người đồng bào tuần hành tay không.

Ở Bờ Hồ, đoạn gần cầu Thê Húc, mẹ gặp bác Phượng, anh Phương, chú Lê Dũng và một số gương mặt quen thuộc. Mọi người tay bắt mặt mừng trước những con mắt gườm gườm của vô số “kẻ lạ” lởn vởn quanh đó..

Đến 9h thì những người biểu tình tay không bắt đầu đi cùng nhau thành một đoàn khoảng hơn 30 người, trật tự và ôn hòa. Không biểu ngữ, không khẩu hiệu như những ngày biểu tình chống Trung Quốc, cũng chẳng hô hào. Rồi anh Phương giở ra lá quốc kỳ, hai tay dâng lên trên đầu, trân trọng, đường hoàng và kiêu hãnh. Khó có hình ảnh nào đẹp hơn thế con ạ, anh ấy mặc chiếc áo đỏ có sao vàng, dáng cao, thanh, nét mặt đẹp sáng ngời và quả cảm, sải bước chậm rãi, kiêu hùng và vững chắc. Trên cánh tay giơ cao của anh ấy là lá cờ đỏ rực, phấp phới. Mẹ và bác Phượng đi gần đó, “những kẻ lạ” cũng đi bên cạnh. Rồi một gã mặt mũi hung hãn yêu cầu anh Phương bỏ lá cờ xuống. Anh Phương tảng lờ như không nghe thấy. Bác Phượng lên tiếng phản đối: “Lạ thật, sao người ta mang cờ tổ quốc mà lại cấm. Chẳng lẽ yêu nước cũng phải có ngày à?”. Rồi bỗng nhiên “huỵch”, màn đàn áp bắt bớ quen thuộc bắt đầu. Chắc con còn nhớ cái kiểu bắt người ấy, đối với mẹ thì những âm thanh, những động tác ấy sẽ vĩnh viễn hằn in trong tâm trí mẹ. Người đầu tiên họ bắt là anh Phương, và hầu như cùng lúc đó là bắt những người đi trong nhóm. “Bắt lấy người này!”, một gã hét lên và chỉ vào mẹ. Mẹ đứng im để bọn họ bắt, mẹ thực lòng muốn bị bắt theo mọi người. Nhưng bọn họ lại bắt người đứng đằng sau mẹ. Chú Lê Dũng, anh Đức “xoăn”, chú Hiếu “gió”... đều bị xốc nách lôi lên xe. Mẹ nhìn sang bên trái thấy bác Phượng vẫn đứng đó. Lòng đầy phẫn uất, mẹ nhìn lên xe bus thì thấy bọn chúng đang cúi xuống cùng đánh một ai đó ở sàn xe, gần chỗ cửa ra vào, tim mẹ thắt lại, chúng đánh ai thế nhỉ?

Bi hùng!!!

Như rắn bị chặt từng khúc, đoàn biểu tình tan thành mấy nhóm. Mẹ và bác Phượng cùng với một số cô bác khác tiếp tục đi về hướng Thủy Tạ. Đến đoạn Tràng Thi thì mọi người lại rủ nhau quay về phía tượng đài Lý Thái Tổ. Vừa đến đoạn gần bưu điện TP thì lại thấy một chiếc xe bus nữa cạp sát vỉa hè, đám đông chen lấn, xô đẩy, và lại những động tác, những âm thanh đó. Họ lại bắt tiếp các bác các chú khác lên xe. Mẹ chưa đi khỏi chỗ đó bao lâu thì cảnh đó lại tái diễn lần thứ 3. Mẹ đứng lại như người mất hồn, rồi cảm giác buồn, căm phẫn và thất vọng lại trào lên. Nhìn lên xe, mẹ thấy luật sư Lê Quốc Quân, bác Viễn ( hình như là phóng viên báo nước ngoài), và một số người nữa vừa bị bắt. Luật sư Lê Quốc Quân và bác Viễn dù bị bắt vẫn thò đầu ra cửa sổ xe lên án việc bắt người trái phép, trước đám đông người dân đang đứng quanh đó. Một tên đeo băng đỏ đưa tay đóng xầm cửa sổ xe bus lại ngay sát mặt bác Viễn và chú Quân.

Mẹ và bác Phượng lạc nhau. Bước đi trong vô thức, mẹ lê đến một chiếc ghế đá gần gốc cây to có một bà đang ngồi bóp chân, và ngồi xuống. Lòng mẹ rối bời với ý nghĩ bác Phượng đã bị bắt lên xe. Mẹ lo cho bác ấy quá, bởi vì bố của bác ấy vừa bị ngã, hiện đang phải nằm một chỗ. Ngay cả tiểu tiện, đại tiện cũng phải phục vụ tại giường, mà nhà bác ấy lại chỉ có 2 bố con. Mẹ định ngồi thêm một lúc rồi sẽ đi thẳng về nhà bác Phượng, để chăm sóc và động viên ông. Nhưng khi gọi lại vào di động cho bác thì mẹ mừng quá, bác vẫn ở ngoài Bờ Hồ. Bác Phượng bảo rằng anh Phương bị đánh đau lắm. Thì ra người bị đánh lúc đó là anh Phương. Mẹ bỗng cảm thấy như giọt nước mắt biến thành giọt máu nóng hổi lăn trên má mẹ.

Ôi, Phương! Mẹ bắt đầu khóc. Tâm hồn mẹ khi ấy bỗng trở nên yếu đuối lạ. Đau buồn lẫn uất ức, mẹ lấy điện thoại ra gọi liền cho con mấy cuộc. Mẹ thèm được tâm sự với ai đó, nhưng con không nghe máy.

Nhìn về phía gốc cây to sát hồ, mẹ thấy nghệ sĩ già Violon Tạ Trí Hải đang ngồi bần thần kéo đàn. Mẹ đi đến và ngồi xuống cạnh ông, lòng khao khát được ông kéo cho nghe bài Lên Đàng, như những ngày hè tuần hành rực lửa vừa qua: “Đoàn ta chen vai nề chi chông gai lên đàng, ta người Việt Nam. Nhìn non sông huy hoàng đoàn ta bước lên đàng cùng hiên ngang hát vang..... Đoàn ta ghi trong lòng đời hi sinh anh hùng, nhìn non sông thẳng xông!.”. Thì ra ông Trí Hải cũng bị bắt, nhưng vì ông quá già và được nhiều người biểu tình phản đối, co kéo ông lại, nên họ phải thả ra sau khi đe dọa ông nếu còn ở đó thì sẽ bắt luôn. Từ đằng xa một anh thanh niên biểu tình đem đến đưa vào tay ông một trái dừa đã chặt sẵn, có cắm cái ống mút. Thêm một cô biểu tình viên mang theo cả đứa con trai 2 tuổi, cả hai người ngồi xuống bên mẹ và ông Trí Hải. Tất cả mọi người đều im lặng, những gương mặt hằn nỗi thất vọng và phẫn uất. Hai người này không có mặt lúc mọi người bị bắt lên xe. Quanh đó, những cặp mắt cú vọ của những kẻ lạ nhìn chòng chọc vào đám người của mẹ, canh chừng.

Rồi cô Phạm điện thoại báo tin xe đã đưa những người bị bắt về trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà, ở tận Đông Anh. Mẹ đứng dậy chào ông Trí Hải, (hai cô chú còn lại cũng đứng dậy hẹn tìm về Hà Đông), rồi đi về bà ngoại lấy xe, để tìm đường đến Đông Anh. Đi được một đoạn, mẹ chợt quay lại thì thấy 2 cái đuôi đang bám theo đằng sau. Mẹ cười khẩy nghĩ : A! Các người cứ việc bắt tôi đi!

Mẹ chưa bao giờ biết đi xe máy xa như thế. Nhưng hôm nay mẹ phóng vù vù, hệt như một tay đua thành thạo, và trên đường dường như chỉ có mình mẹ nên chẳng phải tránh ai. Chú Tiến Nam liên tục gọi và chỉ đường cho mẹ. Khi mẹ đến nơi thì đã có hơn hai chục cô chú bác khác đang đợi trước cổng trại phục hồi nhân phẩm. Có cả chú Chí Đức, “Binh nhì Tiến Nam”, Chí Tuyến...

Than ôi, sống trong một đất nước “Độc lập”, “Tự do”, “Dân chủ”, mà những tâm hồn trong sáng, sẵn sàng hi sinh vì dân vì nước lại bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm như thế này sao?

Những người biểu tình không bị bắt đã chia thành 2 nhóm. Nhóm đông hơn đợi ở Đông Anh vì ở đây giam nhiều người hơn, còn nhóm kia thì về Hà Đông đợi để đón chú Xuân Diên bị giữ từ sáng. Chú Quốc Quân cùng chú Hiếu “gió” đã bị họ đưa từ Đông Anh về Hà Đông. Nhóm người ở 2 đầu liên tục liên lạc thông báo tình hình.cho nhau. Cảnh tượng đó đã khiến mẹ rất xúc động.

Mãi tối mịt họ mới thả những người bị bắt. Lúc ra cổng, một gã còn cố thụi thật mạnh vào bụng một bác biểu tình vừa được thả khiến bác ấy vừa đau vừa tức, cứ nhào vô đòi đánh trả làm cả hai bên cùng phải đứng ra can ngăn. Rồi hai bên lại ùa lại với nhau mừng mừng tủi tủi. Mẹ những muốn ôm chầm lấy anh Phương, như nỗi khát khao của mẹ suốt những tiếng đồng hồ chờ đợi bên ngoài. Nhưng cảm giác thật lạ, mẹ ngại đến gần anh ấy.

Xót xa trước cảnh họ bắt bớ và đánh người như thế, xót anh Phương bị đánh trên xe, chú T cứ gầm lên “Nhà tao còn 2 người bỏ xác trong Nam giờ chưa đưa được về đây, để bây giờ chúng mày lại quay ra đàn áp nhân dân thế này à? Chúng mày đừng có mà mất dậy”. “Tao là T đây, chúng mày ra mà bắt tao”.

Nghe chú T tố cáo những hành động ngang ngược của công an, dân xung quanh và những người đi đường hiếu kỳ xúm lại đông đến tắc hết cả đường. Mấy chục gã công an đóng cổng, tắt đèn, đứng im lìm bên trong. Mẹ tưởng họ đi đâu hết nên mới yên ắng thế, nhưng lúc ghé qua khe cổng nhìn vào, mẹ thấy tất cả bọn họ vẫn đứng nguyên đó, không dám ho he gì.

Than ôi! Thật thương thay cho dân Việt ta!

---------------

Bọn họ bắt mọi người về đây giam giữ nhưng lại không trả lại về chỗ cũ. Mọi người phải đi xe bus về Hồ Gươm lấy xe máy. Những người không bị bắt, đi xe máy lên đây cũng đi theo sau xe bus cùng về Hà Đông để gặp đoàn đang đón chú Xuân Diện. Còn mẹ, tay lái yếu, lại chưa quen đường nên mẹ bị lạc vào con đường đê vừa vắng vừa tối. Suốt đọc đường mẹ vừa đi vừa hỏi thăm, cứ nơm nớp bị cướp, bị giết. Mẹ thầm tiếc, giá mà chết trong cuộc biểu tình thì có phải được chút hiệu quả tranh đấu cho nhân dân không. Chết thế này thật uổng, thật vô ích. Vậy rồi đến khuya mẹ cũng về được đến nhà, cái cột sống vốn không chịu được việc ngồi lâu giờ đau nhức vô cùng. Nhưng mẹ vẫn ngồi vào bàn, mở máy lên để viết xong những lời tâm sự này gửi cho con, một đồng đội của mẹ đang ở xa.

Mẹ yêu con!

Hà Nội ngày 27/11

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét