Trang

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Bị đối xử như tù, 30 người cai nghiện ma túy trốn trại -

Bị đối xử như tù, 30 người cai nghiện ma túy trốn trại




HẢI DƯƠNG (NV) - Nằm trong một âm mưu hoạch định sẵn, khoảng 30 người cai nghiện ma túy tại một trung tâm ở tỉnh Hải Dương đã bỏ trốn lúc nhân viên trực gác mở cửa cho xe hơi chạy vào.

Người cai nghiện leo cả hàng rào kẽm gai để bỏ trốn. (Hình: VNExpress)
Nhà cầm quyền tỉnh Hải Dương xác nhận tin này hôm 13 tháng 12, cho biết mới bắt lại được 12 người.
Số người còn lại đang tiếp tục bị tầm nã, đa số thuộc giới trẻ.
Ban lãnh đạo trung tâm cai nghiện đã lập tức đe dọa sẽ áp dụng mức kỷ luật tối đa đối với những người trốn trại. Dư luận cho rằng lời hăm dọa này sẽ làm cho số người đang đào thoát không dám tìm đường quay trở lại trung tâm cai nghiện.

Người nhà của một người cai nghiện xin được giấu tên cho biết trung tâm cai nghiện không khác một nhà tù. Chế độ hà khắc mà những người được gọi là “quản giáo” áp dụng đối với người cai nghiện và cuộc sống thiếu thốn tiện nghi khiến nhiều người chỉ muốn trốn trại rồi “ra sao thì ra.”

Tình trạng trốn trại của người cai nghiện ma túy liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây. Năm rồi, trên 500 người cũng đã đồng loạt trốn khỏi trung tâm cai nghiện Hải Phòng.

Theo báo mạng VNExpres, phải vất vả lắm thì cuối cùng người ta mới đưa số người này trở lại trại cai nghiện.

Trước đó, tại trung tâm giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên ở huyện Củ Chi, Sài Gòn cũng đã xảy ra vụ trốn trại tập thể. Hàng trăm người nghiện phá các phòng trại, dùng gậy gộc uy hiếp nhân viên bảo vệ rồi trốn chạy ra ngoài. Cuộc đào thoát này gây náo loạn cả một vùng rộng lớn suốt đêm. Ða số người bỏ trốn không biết đường đi cuối cùng đã bị bắt trở lại.

Hồi tháng qua, Liên Hợp Quốc (LHQ) hối thúc nhà cầm quyền Việt Nam phải đóng cửa các trung tâm cai nghiện cưỡng bức vì những cáo buộc các con nghiện ở đây bị đối xử như tù nhân và bị bóc lột sức lao động. Tuy nhiên trang báo điện tử của Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011 phổ biến câu trả lời của Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lương Thanh Nghị khi bị phóng viên hãng thông tấn Mỹ AP yêu cầu bình luận về khuyến cáo của đặc phái viên đã nói rằng, việc “Ðưa các con nghiện vào trung tâm cai nghiện là 'biện pháp nhân văn.'” (PL)

http://www.nguoi-viet.com

Tin liên quan:

Cai nghiện cưỡng bức là 'biện pháp nhân văn?' 

Tư Ngộ/Người Việt

Trang báo điện tử của Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011 phổ biến câu trả lời của Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lương Thanh Nghị khi bị phóng viên hãng thông tấn Mỹ AP yêu cầu bình luận về khuyến cáo của đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) hối thúc chế độ Hà Nội đóng cửa các trung tâm cai nghiện, đã nói rằng, việc “Ðưa các con nghiện vào trung tâm cai nghiện là 'biện pháp nhân văn.'”

Những người bị cưỡng bách cai nghiện, không được cung cấp thuốc cai nghiện mà chỉ là cưỡng bách lao động, như lột vỏ hạt điều trong hình này, và không được trả lương. Họ bị giam giữ trong các trung tâm cai nghiện có thể nhiều năm. (Hình: VietnamNet)
Các trung tâm này thực chất chỉ là những nhà tù trá hình mà các con nghiện (một số không nhỏ cũng là những người bị nhiễm bệnh HIV/AIDS) bị cưỡng bách cai nghiện với một thời hạn khá co giãn.

Theo luật phòng chống ma túy của Việt Nam, thời gian bị nhốt trong các trung tâm cai nghiện từ một đến hai năm. Trên thực tế, thời gian giam giữ ở đó dài hơn.

Theo một bản tin trên trang mạng chinhphu.vn.com thì con nghiện có thể bị giam giữ tới 4 năm hoặc 5 năm, như nghị định số 94/2009/NÐ-CP ngày 26 tháng 10, 2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung của luật phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy.

Sau khi giải thích lòng vòng rằng thì là mà báo cáo viên đặc biệt Anand Grover của LHQ “đánh giá cao những thành tựu kinh tế, xã hội nổi bật của Việt Nam, quyết tâm, nỗ lực và sự nghiêm túc của chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm, chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương...” ông Nghị ca rằng, “Thực tế chứng tỏ cai nghiện tại các trung tâm là biện pháp hiệu quả, giúp người nghiện xa rời ma túy, phục hồi sức khỏe và trở về tái hòa nhập cuộc sống.”

Ông gọi biện pháp đưa các con nghiện vào cưỡng bách cai nghiện trong các trung tâm là “biện pháp nhân văn.”
Không biết cái gọi là “biện pháp nhân văn” là cái gì? Ông muốn nói “nhân đạo” và “văn minh” nói rút lại?

Bỏ qua cái ý nghĩa “nhân văn” không biết đích thực là gì, chỉ xét đến “biện pháp hiệu quả” để “giúp người nghiện xa rời ma túy, phục hồi sức khỏe và trở về tái hòa nhập cuộc sống,” người ta thấy ngay ông phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lên giọng bịp bợm.

Ông chỉ là một thứ “lưỡi gỗ” không hơn không kém, giống y chang các kẻ tiền nhiệm của ông như Nguyễn Phương Nga, Lê Dũng, Phan Thúy Thanh...
Ngày 5 tháng 12, 2011, ông Anand Grover phổ biến lời tuyên bố đăng tải trên trang web của Văn phòng Cao Ủy Nhân quyền LHQ sau 10 ngày quan sát tại Việt Nam, khuyến cáo chế độ Hà Nội “nên đóng cửa tất cả các trại cai nghiện.”

Lý do, theo ông nêu ra là các người bị giam tại các trung tâm cai nghiện “bị tước đoạt quyền từ chối cai nghiện cưỡng bách, và quyền đồng ý trong các quyết định liên quan đến họ về y tế.”
Ông cáo buộc các trung tâm này duy trì sự kỳ thị, phân biệt đối xử, như vậy, cản trở các nỗ lực đối phó với dịch bệnh HIV/AIDS và cũng không giúp giảm bớt tệ trạng mãi dâm.

Báo nhà nước nói ngược với 'phát ngôn nhân'

Báo Lao Ðộng ngày 21 tháng 2, 2008 tường thuật phiên họp “Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành luật phòng chống ma túy” nói rằng: “Số liệu khảo sát thực tế ở các địa phương cho thấy người cai nghiện khi về địa phương sau 6 tháng thì tái nghiện 20-50%; sau 1 năm tái nghiện 60-65%; sau 2 năm tái nghiện 70%, sau 3 năm tái nghiện 80-85%, cá biệt có những nơi tái nghiện tới 100%.”

Giữa năm nay, ngày 3 tháng 6, 2011, báo Quân Ðội Nhân Dân viết: “...theo thống kê của Cục CSÐT tội phạm về ma túy, tỷ lệ tái nghiện vẫn ở mức báo động từ 70 đến 80%. Ðáng lo ngại là độ tuổi của người nghiện có xu hướng ngày càng trẻ hóa, số dưới 30 tuổi chiếm đến 68.3%, đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân viên nhà nước chiếm tỷ lệ không nhỏ.”

Tỉ lệ tái nghiện như vậy mà gọi là “hiệu quả”?
Tệ hại hơn nữa, tháng trước, ngày 5 tháng 11, 2011, tờ An Ninh Thủ Ðô, báo tuyên truyền của Sở Công An Hà Nội, viết: “Theo nhiều báo cáo, tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện lên đến 90%. Nhưng với tư cách là người đã theo dõi tệ nạn ma túy nhiều năm, có thể khẳng định tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện lên tới 99%.”

Chính vì vậy, cũng trong bài viết đó, có tựa đề “Nghiện, cai nghiện, tái nghiện,” tờ ANTÐ nói “người cai nghiện thành công cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay” tại trung tâm cai nghiện của Hà Nội.

Khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đưa ra bản phúc trình ngày 7 tháng 9, 2011 tố cáo chính sách cưỡng bách cai nghiện tại Việt Nam chỉ thực chất là bóc lột sức lao động của con nghiện trong các nhà tù trá hình, bà Nguyễn Phương Nga (khi đó còn là phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao CSVN) họp báo ngày 9 tháng 9, 2011 lu loa rằng: “Báo cáo mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mới công bố là không có cơ sở, xuyên tạc thực tế công tác cai nghiện tại Việt Nam với dụng ý xấu.”
Sao ông Lương Thanh Nghị, thay thế mồm bà Nga, không dám gọi báo cáo của ông Grover là “có dụng ý xấu?”

Kết quả gần như số không về cai nghiện mà báo chí của chế độ đưa ra đã tố cáo phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao là tuyên truyền xảo trá.
Hiện nay, theo báo Ðất Việt ngày 12 tháng 12, 2011, cả nước có tới 123 “trung tâm giáo dục và cai nghiện ma túy.”

Bản tin ngày 5 tháng 11, 2011 của tờ ANTÐ viết: “Số liệu do Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội cung cấp trong cuộc giao ban ngày 28 tháng 10, 2011 cũng cho thấy hiện nay có 34,076 người nghiện đang cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện và cộng đồng, tính từ đầu năm 2011 đã có 110,720 lượt người cai nghiện bắt buộc, 2,473 lượt người cai nghiện tự nguyện và 5,141 lượt người cai nghiện tại cộng đồng. Gọi là lượt, bởi vì mỗi người nghiện đều có số lần cai nghiện lên đến hàng chục lần. Riêng Hà Nội hiện nay có gần 10,000 người đang được cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét