Trang

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Vì sao có án oan sai?

2011-11-27
Một trong những tồn tại của ngành được nói ‘nắm cán cân công lý trong xã hội’ là ngành tòa án. Thế nhưng thực tế cho thấy các cấp xét xử ở Việt Nam lâu nay đã đưa ra nhiều phán quyết sai lệch, mà trong nước thường gọi là ‘án oan sai’.


Nguồn VietGiaiTri.com


Ba thanh niên được VKSNDTC xác định bị án tù oan
Nguyên nhân vì sao tình trạng đó lại diễn ra nhiều như thế?
Thông tín viên Định Nguyên có bài tìm hiểu sau đây.
Báo Pháp Luật (TP Hồ Chí Minh hay Pháp luật VN?) số ra ngày 10/11/2011 có đánh giá về tình trạng án oan sai ở VN, xin trích nguyên văn “Hằng năm ngành tòa án có hàng nghìn vụ án sơ thẩm và phúc thẩm xét xử sai phạm bị huỷ án, gây nên hàng nghìn án oan sai, đẩy hàng nghìn, chục nghìn con người vào cảnh khốn cùng, gia đình họ tan đàn xẻ nghé, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào luật pháp.” Nhận định như thế cho thấy tình trạng án oan sai ở Việt Nam hiện nay đã đến hồi báo động; mặc dù không nêu cụ thể số liệu án oan sai là bao nhiêu.

Vi phạm pháp luật

Xin phép được điểm lại một số vụ án với kết quả oan trái mà dư luận trong nước nói nhiều đến trong những năm qua.
Vụ án “vườn mít” tỉnh Bình Phước là một minh họa rõ nét cho việc vi phạm pháp luật trong tiến trình vụ án qua các bước từ điều tra, khởi tố đến tuyên án.


Chương IX, Điều 120 – khoản 1 Bộ luật Tố Tụng Hình mà Quốc Hội Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003 quy định về tạm giam như sau: “Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.” Thế nhưng theo báo Đại Đoàn Kết số ra ngày16/6/2011, anh Lê Bá Mai, bị cáo trong vụ án “vườn mít”, chỉ được phóng thích sau hơn hai ngàn ngày tạm giam, từ tháng 11/2004 đến khi Tòa Án Nhân Dân tỉnh Bình Phước tuyên bố trắng án vào ngày 24/5/2011, mặc dù trước đó vào tháng 5 năm 2007 tòa án Tối Cao khẳng định là chưa đủ cơ sở để xét xử ông Lê Bá Mai về tội “hiếp dâm” và “giết người”.
Một vụ án khác mà mức độ vi phạm trình tự tố tụng khá nghiêm trọng.


Anh Nguyễn Đình Lợi. Nguồn VTC.VN
Anh Nguyễn Đình Lợi. Nguồn VTC.VN 
Ngày 12/12/2002, TAND tỉnh Hà Tây mở phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Đình Lợi 16 năm tù giam, Nguyễn Đình Tình 14 năm tù giam và Nguyễn Đình Kiên 11 năm tù giam về tội cướp tài sản và hiếp dâm trong đêm 24/10/2000 tại Yên Nghĩa, Hà Tây. Trong thời gian 8 năm thụ án, Lợi 2 lần bị bệnh phải nhập viện (2006, 2008). Tại đây BS Phạm Thị Hồng phát hiện ra Lợi “chưa hề nếm mùi vị ái tình” hay khác hơn là còn trai tân. Bằng lương tâm chức nghiệp cùng với sự hổ trợ của dư luận, vụ việc đến tai ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước lúc bấy giờ. Ông chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét lại. Ngày 26/1/2010 VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm, vạch ra 9 điểm sai trong quá trình điều tra tố tụng qua hai phiên tòa, đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án này, tạm đình chỉ việc thi hành án phạt tù đối với 3 bị cáo Tình, Kiên, Lợi, chờ phiên Giám đốc thẩm.


Theo ông Nguyễn Đình Lập là bố của Nguyễn Đình Lợi, sai phạm đầu tiên rõ nhất của vụ án nầy là hiện trường thật của vụ án không phải là hiện trường trong hồ sơ điều tra. Cơ quan điều tra đã dời hiện trường đến một địa điểm khác cách hiện trường thật đến hơn 1Km. Vi phạm Điều 64, Chương 5 của Bộ Luật Hình Sự. 

Tiếp theo sai phạm của cấp dưới là sai phạm của TAND tối cao. Theo quy định tại điều 283 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự về thời hạn giám đốc thẩm thì: “Phiên tòa giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị”. Đến nay đã gần hai năm chưa có phiên tòa Giám Đốc Thẩm. Điều này có nghĩa là lưỡi gươm oan trái vẫn còn treo trên đầu ba nạn nhân đau khổ nầy.
Nhưng nguy hiểm hơn là giam giữ không xét xử, không thông báo cho gia đình nạn nhân, không cho gặp mặt. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày. Sau hai năm rưỡi thụ án, trong một bản án mà ông không phải là thủ phạm, ngày mãn hạn tù ngỡ là sẽ được sum họp với gia đình, người thân, nhưng “người ta” đã tái giam ông một cách vội vã mờ ám không kịp nhìn mặt vợ con và bặt vô âm tín hơn một năm nay – từ 19/10/2010. Dư luận chung nghĩ rằng dù có táo tợn đến đâu ngành điều tra xét xử Việt Nam cũng không thể giấu biệt tích ông mãi ngoại trừ ông Nguyễn Văn Hải đã bị chết.

Lợi ích cá nhân, chính trị

Trong phạm vi án dân sự cũng không thiếu những vụ án oan sai.
Ngày 17/7/2002, Ông Võ Tấn Hiệp bị tòa án huyện EaH’leo ra phán quyết kê biên bán đấu giá miếng rẫy 2,4 hecta của ông trong một vụ án không dính líu gì tới gia đình ông. Ngày 28/9/2002, chánh án tòa án tỉnh ra kháng nghị khẳng định là tòa án huyện đã kê biên “nhầm đối tượng”, vi phạm hàng loạt các quy định của luật Tố Tụng Dân Sự và tuyên hủy bản án của tòa án Huyện. Bất chấp tất cả, tòa án huyện EaH’leo vô cùng ngoan cố, một mặt ém kháng nghị số 30 của tòa án tỉnh, một mặt vẫn cho thi hành án. Đội thi hành án bán miếng rẫy nầy cho bà Nguyễn Thị Hoa và vội vã cấp “sổ đỏ” cho chủ mới trong vòng một tháng. Đẩy gia đình ông Hiệp xuống đáy khốn cùng. Tám năm liền ông vác đơn đi khiếu nại khắp nơi, từ huyện lên tỉnh rồi từ tỉnh xuống huyện. 

Ông giống như trái banh bị đá qua đá lại trên sân chơi của ngành tư pháp tỉnh Đak Lak. Họ coi như không hề có Nghị quyết 388 của thường vụ Quốc ban hành ngày 17/3/2003 về việc bồi thường cho người bị oan trong án oan sai, tại Mục 2, Điều 8, khoản 1 quy định “Tài sản của người bị oan bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu phải được trả lại ngay.”
Báo Tiền Phong số ra ngày 15/11/2010 loan tin ông Võ Tấn Hiệp đã đến trước Tòa Án Nhân Dân huyện tẩm dầu tự thiêu. Rất may ông được người dân chung quanh cứu thoát.


do-anh-dan-250.jpg
Thẩm phán Đỗ Anh Dân đang điềm "nhiên tuyên" án vụ tranh chấp này. Photo courtesy of Tạp chí Pháp Lý. 
Bộ luật Tố Tụng Dân Sự năm 2004 của Việt Nam cho phép lấy lời khai của nhân chứng bên ngoài trụ sở của tòa án (theo khoản 1, điều 87, chương VII). Những tưởng điều nầy sẽ làm tăng tính công minh của bản án, nhưng giới hữu trách ngành tòa án thường vận dụng ngược lại để trục lợi cho mình.


Báo Dân Trí thuật lại chuyện bà Đỗ Anh Dân, thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyện, cùng với thư ký tòa án đến nhà nhân chứng Dương Thị Nga dụ dỗ chị ký đơn gây bất lợi cho bị đơn là bà Hoàng Thị Bích Hồng, trong vụ án dân sự tranh chấp vay tài sản. Chị Nga không đồng ý, bà thẩm phán bèn quay ra dụ bố chị Nga là ông Dương Văn Sáu viết thay với tư cách là cha ruột của chị Nga, và bà Thái, thư ký tòa án, đã đọc nội dung đơn cho ông Sáu viết, sau khi không tiếc lời mắng nhiếc chị Nga. Sự việc đổ bể khi bà Hồng xuất hiện. Hai vị quan tòa rút nhanh. Rất may là ông Sáu đòi lại được lá đơn ông vừa viết theo lời đọc của bà Thái.


Ngoài ra còn có những trường hợp nguyên đơn là người dân và bị đơn là các cấp chính quyền có hành vi xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
Luật sư Trần Lâm, nguyên chánh án tòa án nhân dân tối cao, nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến án oan sai mà cụ thể như một số vụ vừa nêu:
“Cái án oan sai có thể xảy ra vì ngành tòa án rã riệu. Nhưng vấn đề này không phải do sự thật nó khó tìm hiểu nên mới oan sai mà do con người làm nên oan sai. Con người gây nên oan sai do những nguyên nhân như thế nầy.
Thành ra ngoài chuyện rối rắm mà thành oan sai thì còn có nghi ngờ sự oan sai là có chủ động vì lý do chính trị, lý do cá nhân, lý do lợi ích vật chất.
Luật sư Trần Lâm
Nguyên nhân thứ nhất trình độ quá kém. Trong mớ bòng bong như thế không tìm ra được ánh sáng. Nguyên nhân thứ hai là vô trách nhiệm, làm qua loa cho xong chuyện. Thứ ba nữa là có tác động của những người làm cho sự thật không được phơi bày.
Nhưng đấy chỉ là mới nói về nguyên lý. Nó còn một tình hình rất là lôi thôi, Tòa án thể hiện cái chế độ. Có thể một vụ án người ta che dấu cái nầy, bóp méo cái kia vì mục đích riêng tư. Người ta “dính” vào vụ án làm cho rối những điều luật, vì đứng về mặt chính trị nó không có lợi [cho họ]. Thành ra ngoài chuyện rối rắm mà thành oan sai thì còn có nghi ngờ sự oan sai là có chủ động vì lý do chính trị, lý do cá nhân, lý do lợi ích vật chất. Còn do điều kiện xã hội, những người có thẩm quyền muốn kết quả [xử án] phải uốn theo ý muốn của họ. Như vậy sẽ có lợi cho họ, vì nếu để vụ án bị phanh phui ra thì vị trí chính trị của họ sẽ bị thương tổn. Do vậy chính họ làm cho việc xét xử trở nên sai lầm.”
  
Chưa tôn trọng luật sư

Còn LS Trần Vũ Hải nhấn mạnh đến yếu tố luật sư. Ông cho biết :
"Tóm lại, theo tôi quan trọng nhất là điều tra. Những sai sót, cẩu thả của giai đoạn điều tra, hạn chế cả quyền của luật sư trong giai đoạn nầy. Ở đây tôi muốn nói đến vai trò luật sư, tức người phản biện cơ quan điều tra, vẫn chưa được tôn trọng. Từ phía người dân đến cơ quan tố tụng. Luật pháp cũng chưa có cơ chế để đảm bảo rằng việc vi phạm [quyền hạn luật sư] đó bị xử lý. Thứ hai, tòa án cũng chưa thật sự độc lập, cũng chưa tôn trọng luật sư. Họ có sự nể nang các cơ quan tố tụng khác, bởi vì nể nang cũng là vì chưa độc lập hoàn toàn.”
Bộ luật Tố Tụng Dân Sự ban hành ngày 15 tháng 6 năm 2004, chương II, Điều 13, khoản 2 quy định:“Cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trường hợp người tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét