Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Nghi án U-23 VN bán độ tại SEA Games 26: CQĐT vào cuộc

Hôm qua, VFF đã nhờ đến sự giúp đỡ của cơ quan điều tra về những nghi án tiêu cực của cầu thủ U-23 Việt Nam để làm rõ trắng đen.



Một quan chức của VFF đề nghị giấu tên cho biết mong muốn của VFF là trong sạch đội ngũ bóng đá. Ngược lại, nếu các cầu thủ không dính chàm như dư luận mấy ngày qua cứ đồn thổi thì cũng cần minh oan cho các em.

Từ những nghi vấn về mặt chuyên môn…


Chiều qua (24-11), chúng tôi xác minh về việc cơ quan điều tra có mời ba cầu thủ giải trình gì không thì VFF thừa nhận có phối hợp với bộ phận bảo vệ an ninh nội bộ thuộc Bộ Công an nhưng thông tin mới chưa được tiết lộ.

Có nhiều ý kiến phân tích của nhiều giới về những ngờ vực cầu thủ U-23 Việt Nam có tiêu cực ở các trận đấu vòng bảng, ngoại trừ trận thắng đậm đà U-23 Brunei 8-0. Theo đó, 45 phút đầu trận nào các học trò của HLV Goetz cũng không biết thắng như trận U-23 Đông Timor 2-0, thậm chí còn bị thủng lưới trước như trận thắng U-23 Philippines 3-1, thắng U-23 Lào 3-1.

Đỉnh điểm nghi án đều đổ dồn vào trận thắng U-23 Lào, từ bàn thua sớm với tư thế “mời ông xơi” của hàng thủ đến cái thẻ đỏ của Long Giang ở phút 16. Ngay cả khi Anh Tuấn vào sân mấy phút cuối, chân sút của Đồng Nai không có một lần chạm bóng vì rất nhiều đồng đội chỉ lo chuyền ngang, chuyền về hoặc không tổ chức tấn công.

Cho đến lúc U-23 Việt Nam bất ngờ có quả phạt đền ở gần cuối trận, không ai nghĩ đấy là phạt đền khi lững thững quay về sân nhà vì nghĩ là Văn Quyết ăn vạ bị phạt thẻ. Hoặc mối ngờ vực Trọng Hoàng cố tình sút hỏng phạt đền hay nhiều tình huống các chân sút Văn Quyết, Hoàng Thiên… sút cầu môn không thể tệ hơn. Thậm chí, ở tình huống đội trưởng U-23 Lào Lamnao giật chỏ vào mặt Anh Quang để nhận chiếc thẻ vàng thứ hai rời sân cũng là một yếu tố không hẳn ngẫu nhiên ở một trận cầu có quá nhiều nghi vấn.




HLV Goetz không hiểu tại sao các cầu thủ lại thi đấu tệ như thế. Ảnh: ANH DŨNG

… Đến những trạng thái của HLV Goetz ở Jakarta

Một ngày trước trận tranh hạng ba, HLV Falko Goetz vẫn rất lạc quan về một chiến thắng an ủi cho học trò và cho mình ở lần đầu tiên dẫn dắt đội tuyển mang tầm vóc quốc gia. Thế nhưng thực tế trận đấu không như kỳ vọng của ông và các bài đánh không như những gì ông dạy cầu thủ. Ông thầy người Đức ở trận này đã bất động trong khu vực kỹ thuật và mặc nhiên giao quyền cho các trợ lý điều chỉnh trận đấu.

SEA Games 26 đã đẩy Goetz đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sau trận thắng ngược U-23 Philippines 3-1, ông cười rất tươi với cú lội ngược dòng ngoạn mục mà các học trò gặp rất nhiều khó khăn nếu không có pha đánh đầu phản lưới nhà của đối thủ.

Đến trận hòa U-23 Myanmar 0-0, ông Goetz than thở cầu thủ dứt điểm kém, khác hẳn với những buổi tập trên đất Indonesia ông chú trọng rèn bài dứt điểm. Niềm tin của Goetz phát tiết sau trận thắng Brunei 8-0, ông kiêu hãnh khi cả hàng tấn công đều nổ súng.

Trận gặp Lào, ông Goetz đã lớn tiếng trong phòng họp 15 phút nghỉ giữa hiệp. Sau khi ghi ba bàn thắng ở hiệp hai, Goetz mới bật mí hiệp một cầu thủ của ông chơi quá tệ.

Mọi sự lợn gợn ở vòng bảng có thể chìm đắm đi nếu U-23 Việt Nam đứng vững trong trận bán kết với chủ nhà Indonesia mà ông Goetz che chắn cả đội mắc sai sót chứ không riêng cá nhân nào. Cho đến trận thua bạc nhược Myanmar 1-4 tranh HCĐ thì Goetz thẫn thờ như người mất hồn và không ngần ngại phán: “Đây là trận đấu tồi tệ nhất của U-23 Việt Nam”.

Những nghi án bán độ còn dang dở

Vòng loại World Cup 1998: Khi Huỳnh Đức bất ngờ đá tung lưới Trung Quốc (kết quả Việt Nam thua 1-3) thì chính một trợ lý sau đó đã tâm sự: “Để “thua” trận Trung Quốc khi nằm “kèo trên” thì nhiều cầu thủ sẽ gỡ trận tiếp theo và có thể là còn thua ở những trận khác nữa”. Kết quả là sau đó đội tuyển thua liền 0-4 rồi 0-4 trước Turkmenistan và Tajikistan dù đội Việt Nam có đến hai lần đổi HLV trưởng.

Tiger Cup 1996: Trong trận hòa Lào, HLV Weigang từng chỉ thẳng mặt bốn cầu thủ và hét lên: “Các anh nhận bao nhiêu tiền để bán độ trận đấu này?”. Sau đó thì ông Weigang đề nghị mua vé máy bay đuổi bốn cầu thủ này về nước, sau giải sẽ xử lý nhưng lúc đấy trưởng đoàn Tô Hiền xin tha cho họ để đái công chuộc tội. Kết quả giải đấu đấy Việt Nam đoạt HCĐ và huy chương đấy đã che lấp một vụ bán độ.

Sau AFF Suzuki Cup 2010: Các quan chức VFF trong cuộc họp nội bộ đã chỉ đạo ban huấn luyện kiên quyết không đưa một trung vệ kỳ cựu vào đội tuyển nữa. Đây là cầu thủ nổi tiếng chơi cá độ trên mạng và bị hoài nghi là người làm ảnh hưởng lớn đến hàng loạt thất bại của đội tuyển Việt Nam. Cầu thủ này sau đó đã “mất tích” ở CLB một thời gian dài do bị xã hội đen “gí” vì nợ cá độ lên đến gần 10 tỉ đồng.

CÔNG TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét