Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Kinh hoàng kiến thức Đại Biểu Nhân Dân

Nhật Bình

 


Ít có cuộc thảo luận nào tại quốc hội lại làm người dân, nhất là dân mạng, điên tiết như buổi họp ngày 17/11/2011. Chủ đề của buổi này là chương trình xây dựng luật pháp, đặc biệt về luật biểu tình. Giữa những khuôn mặt ngồi ngáp vặt, “ruồi bu không muốn đuổi”, của các đại biểu như vẫn thường thấy trên đài trên mạng, bỗng nhiên xuất hiện Đại biểu Hoàng Hữu Phước đứng lên đọc một bài tham luận soạn sẵn dài như sớ táo quân, với nhiều câu phán tóe lửa về lý do tại sao không nên có Luật biểu tình và Luật lập hội. Ông cũng kiên quyết đòi loại bỏ hai dự án luật này ra khỏi chương trình nghị sự của quốc hội trong suốt khóa 13.



Được biết, ông Phước đại diện cho một đơn vị cử tri tại Sài Gòn. Ông còn là Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần Mỹ-Á. Theo lý lịch chính thức, ông có bằng cử nhân Anh văn, thạc sĩ Quản trị kinh doanh và Phát triển nhân lực. Ông từng là giáo sư Đại học ngoại ngữ Hà Nội và một số văn bằng, chức tước khác nữa.

Nhưng càng thêm thời gian sau bài phát biểu của ông tại Quốc hội ngày 17/11/2011, người ta càng nghi ngờ về bản lý lịch hoành tráng đó. Có người trên mạng xã hội Facebook gọi ông là “Phước té giếng” với đầy đủ lý lẽ chứng minh. Ông Phước đã làm gì, nói gì ngày 17/11?

Một cách tổng quát, Đại biểu Phước đã dùng một thủ thuật không mấy lương thiện – dù đó là phát minh của ông hay của Ban tuyên giáo trung ương giao phó — đó là cột trọn vẹn chủ đề biểu tình vào MỘT chữ tiếng Anh, rồi dẫn người nghe đi vào hướng tranh luận về từ ngữ, và khẳng định các dẫn chứng của ông về MỘT từ ngữ đó đủ để chứng minh không nên có Luật biểu tình. Hiển nhiên ông tự tin cái bằng cử nhân Anh văn và chức giáo sư Đại học ngoại ngữ của mình sẽ đủ loè người chung quanh, sẽ không ai dám cãi lại các luận chứng của ông.

Khổ thay, ông và những người giao việc cho ông cứ quên nay đã là năm thứ 11 của thiên niên kỷ thứ 3 với mạng Internet chạy 24/24. Các dẫn chứng của ông sai trật nặng nề. Nặng đến nỗi cả tuần sau, các chữ ông nói vẫn còn kéo theo những chế diễu, những trận cười thú vị, và những tiếng sửa lưng thẳng thừng.


Ông Phước phán rằng chữ biểu tình, tiếng Anh là demonstration, chỉ có từ năm 1913 và là sản phẩm của ông Gandhi ở Ấn Độ. Chữ này chỉ trở nên thông dụng vào những năm 1960 chống Tổng Thống Mỹ Kennedy. Lập tức, nhiều nhà trí thức, bloggers, và “người biết đọc” chỉ ra những dữ kiện đó của ông Phước sai bét. (Và xin khỏi lập lại ở đây).


Nhưng nếu cứ cho đó là những dữ kiện đúng đi nữa thì chúng vẫn không liên hệ gì mấy — chứ chưa nói gì tới chứng minh — câu tuyên bố tóe lửa của ông: “Điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ.”  

Không cần học cao hiểu rộng gì, một người dân bình thường quan sát những gì xảy ra chung quanh mình và thế giới bên ngoài qua Internet cũng đủ thấy hầu hết các sự thật sau đây:


Tự bản chất, “biểu tình” hay “biểu đồng tình” là những hành động để cùng bày tỏ, cùng lên tiếng chung về một vấn đề. Vì vậy có cả biểu tình để cùng ủng hộ và biểu tình để cùng đòi hỏi, chứ không chỉ biểu tình để cùng phản đối. Ông Phước chỉ cần nhớ các cuộc biểu tình do chính Nhà nước tổ chức để “ủng hộ nhân dân Irắc”, “ủng hộ nhân dân Cuba”, v.v. Các cuộc biểu tình đó có là một phần trong khẳng định “biểu tình là để chống lại chính phủ” của ông Phước không?


Với chức năng cùng ủng hộ, cùng phản đối, hay cùng đòi hỏi đó, biểu tình đã là cách hành xử của con người từ khi có con người, chứ không bắt đầu từ ông Gandhi ở thế kỷ 20. Chỉ có cách biểu lộ ra là khác nhau theo tiến trình tiến hóa của nhân loại, từ hành động cùng giơ cao cờ phướng, kiếm cung, gậy gộc của ngày xưa đến giơ cao biểu ngữ, biểu tượng, băng rôn của hôm nay đến các hình thức biểu tình trên mạng của ngày mai. Ông Phước chỉ cần ôn lại xem chính Mác Lê - chứ chưa cần viện dẫn ai khác - đã nói gì về các hình thức biểu đồng tình trong lịch sử con người.



Đối tượng của các cuộc biểu tình cũng có nhiều loại:


Người ta có thể biểu tình để (1) phản đối một chính phủ cấp quốc gia, cấp tỉnh quá tham nhũng hay quá vô dụng; (2) phản đối một cá nhân chủ hãng, chủ khu phố, hay cả ban quản trị tư doanh quá tham lam, quá gian ác; (3) phản đối một bộ luật, một chính sách quá ngặt nghèo, quá bất công; (4) phản đối một tờ báo, một đài truyền thanh truyền hình về những lời lẽ vu khống hay quá suy đồi; (5) ngay cả phản đối một quốc gia khác đã có lời nói hay hành động xúc phạm đến nước nhà; và còn nhiều loại đối tượng bị phản đối khác nữa chứ không riêng gì các chính phủ.


Người ta cũng có thể biểu tình để (1) ủng hộ một chính phủ biết bảo vệ danh dự quốc gia, bảo vệ lãnh thổ trước một ngoại bang gian manh; (2) ủng hộ một đạo luật mới có tình có lý mà quốc hội chưa chịu thông qua; (3) ủng hộ những nạn nhân đang bị đối xử bất công hay bỏ rơi, ngay cả những bào thai còn trong bụng mẹ; (4) ủng hộ chào mừng các đoàn quân từ chiến trường trở về; và còn nhiều loại đối tượng được ủng hộ khác nữa.


Với những sự thật nêu trên, mà ai cũng có thể liệt kê vô số bằng chứng, hầu hết nhân loại ngày nay đã công nhận một cách quá hiển nhiên biểu tình là một phần rất tự nhiên của xã hội gồm những con người sống chung với nhau. Hơn thế nữa, biểu tình đem lại nhiều mặt lợi ích cho quốc gia, từ cải sửa các điều sai trong xã hội đến huy động sức mạnh dân tộc chống ngoại xâm. Chính vì thế, nó đã được kể trong số các quyền căn bản của con người mà cả nhân loại, kể cả Nhà nước CHXHCNVN, đã long trọng ký kết. Tuy nhiên, giới lãnh đạo CSVN chỉ đề cao và kịch liệt đòi duy trì quyền biểu tình... cho tới ngày họ lên ngồi ghế cai trị.


Trở lại chuyện ông Phước. Khi các dẫn chứng không đúng và luận điểm chính yếu đã sai bét như trên, các câu phán kế tiếp của ông Phước bắt đầu làm người ta bực. Ông dõng dạc hỏi quốc hội: “Việt Nam có cần cho các cuộc biểu tình chống chính phủ hay không, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của chính phủ hay không?” Rồi ông trả lời luôn: “Nếu không cần tại sao lại đưa ra dự án Luật biểu tình, nói rồi, nói mãi như thể nó là khuôn vàng thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do, dân chủ?” Nói cách khác, ông hỏi dân tộc Việt Nam có nên tiến hóa cùng với nhân loại hay không? Hay chỉ nên đông lạnh ở nửa thế kỷ trước; chỉ tiếp tục cúi đầu xác tín chính phủ là cha mẹ, không bao giờ sai; và “con cái” được cho cái gì thì mừng cái đó, kể cả các quyền làm người?

Nhưng cũng có khúc ông Phước làm người ta mỉm cười. Theo ông, một trong những lý do không nên có Luật biểu tình là vì: “Các cuộc biểu tình gây ách tắc giao thông, làm xã hội rối loạn, xâm hại đến quyền mưu cầu hạnh phúc của toàn dân.” Thử hỏi ông, trước hết, nạn kẹt xe hàng ngày ở Sài Gòn và biểu tình cái nào có trước? Kế đến, ai làm nghẽn lưu thông, người biểu tình đi trên lề đường hay các xe công an đóng chốt đường phố lại để hăm dọa và ngăn cản dân chúng tham gia các đoàn biểu tình? Cho đến giờ cuộc biểu tình nào là xã hội rối loạn, chỉ cần xin ông MỘT thí dụ thôi? Khi công an đàn áp dân chúng thực thi quyền của họ thì họ có đang “xâm hại đến quyền mưu cầu hạnh phúc của dân không”? Và sau hết, chính ông Phước tự mâu thuẫn khi phán tiếp một cách hỗn láo và hồ đồ rằng:“Những người biểu tình chỉ là một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên học sinh những người chưa là công dân có thu nhập, có việc làm.” Tại sao chỉ một nhóm “vài chục, vài trăm” người biểu tình mà ông coi thường lại có thể làm ông quá lo sợ cho cả xã hội như vậy?

Nụ cười của người nghe càng lúc càng mở rộng khi nghe câu khẳng định kế tiếp: “Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình.” Hiển nhiên, không có cơ quan tư nhân nào tại Việt Nam dám thu thập thống kê trong lãnh vực nhạy cảm này, còn các cơ quan nhà nước lại chẳng cần loại thống kê “vô bổ” đó. Thế thì làm sao “đa số công dân” có thể bày tỏ nếu họ ủng hộ Luật biểu tình? Dùng lá phiếu ư? Ai cho mà bầu! Nói với báo đài ư? Báo đài nào dám đăng! Cùng kéo ra đường mà nói ư? CHƯA CÓ Luật biểu tình! Thế là đủ một vòng tròn lẩn quẩn — Vạn sự khởi đầu.... lại.

Chỉ khi nói đến Luật lập hội, ông Phước mới thực sự nói năng nghiêm túc và để lộ nỗi lo âu thật sự: “Nếu Luật lập hội là để tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt Trận vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt Trận, vậy Luật lập hội có cần không?” Ông Phước nói ra một điều mà nhiều đảng viên CS đã biết rõ và nhiều lãnh đạo CS đã lo từ lâu. Đó là nếu có những chọn lựa khác, đại khối nhân dân sẽ không chọn đảng CSVN trong vai trò lãnh đạo nữa, sau khi đã thấy tầm tác hại của đảng này trên dân tộc suốt 8 thập kỷ qua. Một điểm nữa ông cũng nói thật: luật pháp và cả quốc hội này phải phục vụ đảng trước hết và trên hết. Lợi ích của toàn dân và cả đất nước, theo ông, không thể vi phạm qui luật này.


Và để kết thúc cái mà nhiều bloggers gọi là “bài phát biểu sùi bọt mép” đó, ông Phước tóm gọn vào một khẳng định cuối: “Việt Nam chưa đủ trình độ dân trí.” Nói cách khác, ông bảo dân Việt còn dốt lắm, chưa hiểu và chưa biết dùng các quyền này. Nghe đến đây, chính những cựu quan chức Đảng từng nằm trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam phải đặt vấn đề. Trong suốt thời gian “chiến tranh chống Mỹ” trước 1975, lãnh đạo Đảng không ngừng ca ngợi ý nghĩa và ra lệnh tận dụng các cuộc biểu tình tại miền Nam. Hóa ra, dân trí thời đó cao hơn bây giờ nhiều?! Hơn thế nữa, sau 36 năm, khi dân trí vẫn thấp, như ông Phước thừa nhận, bất kể các phát minh khoa học trong lãnh vực thông tin và giáo dục, thì rõ ràng không phải “dân trí” là điều đáng lo, mà “lãnh đạo trí”, kể cả “đại biểu trí”, mới là mấu chốt của vấn đề. 


Nếu tiếp tục loại lãnh đạo như 36 năm qua, thì 36 năm nữa lại đến phiên cháu nội, cháu ngoại ông Phước phán “Việt Nam chưa đủ trình độ dân trí.” Và sau hết, ông Phước quên mất chính những “người Việt còn dốt đó” là những người đã bầu ra ông và cả quốc hội cơ đấy. Ông Phước đang ám chỉ gì về cả quốc hội và chính ông? Không cười sao được?!


Dĩ nhiên, trong mỗi tập thể đều có những cá nhân đơn lẻ lập dị, chạm dây, tàng tàng,... Nhưng vào ngày 17/11 vừa qua, Đại biểu Hoàng Hữu Phước không đơn độc. Tiếp theo sau phát biểu của ông, các đại biểu như Huỳnh Thế Kỳ, đơn vị Phan Thiết; Đặng Ngọc Nghĩa, đơn vị Thừa Thiên-Huế; Nguyễn Thanh Tùng, đơn vị Bình Định, v.v... cũng lên tiếng biểu đồng tình và đòi loại bỏ chủ đề Luật biểu tình ra khỏi nghị trình thảo luận.


Nhìn cảnh đó người ta mới giật mình về tập thể các đại biểu nhân dân. Sự nông cạn và nghiêng lệch trong kiến thức, quán tính nói lấy được, và thái độ khinh bỉ nhân dân là tình trạng lan tràn chứ không phải giới hạn ở một, hai người. Đây không phải những câu nói ba hoa tại một buổi họp tổ dân phố nhưng là các phát biểu tại một diễn đàn quốc gia, trước ống kính truyền hình và sự theo dõi của báo chí. Làm sao giải thích hiện tượng “can trường” đến thế?!


Nếu các đại biểu như ông Hoàng Hữu Phước thực sự tin vào những điều ông đã phát biểu thì người ta phải đặt dấu hỏi về cái hệ thống, guồng máy đã nặn ra loại trí óc méo mó như vậy. Và với thời đại thông tin Internet với đủ loại ngôn ngữ hiện nay, kiểu trí óc lười biếng cập nhật như ông Phước có đủ tiêu chuẩn làm đại biểu nhân dân không? Tuy nhiên, có xác suất rất cao cả nhóm ông Phước - cả người tung lẫn các kẻ hứng - đều chỉ đứng lên diễn kịch bản do Ban tuyên huấn trung ương biên soạn mà thôi. Riêng ông Phước cứ nhìn giấy mà đọc. Và sau hết, cũng có thể chính ông Phước là một thành viên của Ban tuyên huấn, cố tình bẻ cong sự thật và tiếp tục xem dân như “đàn vịt”.



Nhưng dù là trường hợp nào bên trên thì tập thể đại biểu nhân dân này — với một vài biệt lệ — vẫn góp phần giải thích được tình trạng đất nước hôm nay.

Tập thể đại biểu này lại càng chứng minh qui luật: Muốn đất nước được thực sự canh tân phải có một thể chế thực sự dân chủ. Lý do đơn giản là chỉ các đại biểu do dân tuyển chọn vì lợi ích của đất nước mới đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Dân tộc Việt Nam đã chứng kiến quá nhiều loại bệnh tật sản sinh từ tệ nạn Đảng Cử Dân Bầu vì quyền lợi của lãnh đạo. Loại ung thư này đã đến lúc phải chấm dứt.

DienDanCTM 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét