Trang

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

EVN: Lương cao - lỗ nặng


Chuyện làm ăn, lương bổng và lỗ do đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quả là... đáng bàn.
EVN là doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện. Tuy nhiên, có thể nói hiếm khi doanh nghiệp chủ lực này đáp ứng đủ nhu cầu điện của đất nước. Thế nhưng trong khi nhiệm vụ chính chưa hoàn thành, doanh nghiệp này lại đầu tư dàn trải sang cả những lĩnh vực mạo hiểm và hiện đã phải gánh chịu những khoản lỗ.
Song điều đáng lưu ý hơn là dù luôn kêu lỗ nặng, nhưng ngay từ năm 2009 lương bình quân của người “nhà đèn” đã là 7,3 triệu đồng/tháng. Chuyện làm ăn, lương bổng và lỗ do đầu tư ngoài ngành của EVN quả là... đáng bàn.
Lương của lao động ngành điện cao hơn nhiều so với thu nhập trung bình của người dân (ảnh minh hoạ). Ảnh: TTXVN
Lương của lao động ngành điện cao hơn nhiều so với thu nhập trung bình của người dân (ảnh minh hoạ). Ảnh: TTXVN
Lỗ nặng

Vào tháng 3.2008, Báo Lao Động có loạt bài cảnh báo việc EVN “tự làm yếu mình” khi không tập trung đầu tư, phát triển lĩnh vực chính mà lại đầu tư ngoài ngành. Đến nay, hệ lụy đã xảy ra. Theo bà Phạm Chi Lan cũng như nhiều chuyên gia kinh tế thì EVN là DN đầu tàu trong lĩnh vực năng lượng. Với tình trạng thiếu điện triền miên thì thực sự vấn đề an ninh năng lượng cần được cảnh báo, đồng thời mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp cũng khó trở thành hiện thực? Bên cạnh đó, việc “ném tiền đầu tư ngoài ngành” cũng là báo động về “an ninh kinh doanh” của ngành.

Tại cuộc họp báo ngày 19.11 vừa qua, đại diện EVN cho rằng một phần khoản lỗ là do sản lượng thủy điện thấp, nên DN này phải đốt dầu và mua điện bên ngoài với giá thành cao. Thế nhưng trong thực tế thì EVN lại rất thụ động khi mà mình chưa sản xuất đủ điện, nhưng các DN khác gồm các DN tư nhân, DN điện thuộc ngành dầu khí sản xuất ra điện, nhưng EVN lại... không mua vì năng lực truyền tải yếu. Những vấn đề này đã cho thấy là DN “đầu kéo”, nhưng chính “đầu kéo” EVN lại bị chậm khiến cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác bị “dồn toa” vì chính sức ỳ từ DN đầu tàu.
Trong khi nhiệm vụ chính không hoàn thành, đến nay EVN lại bị “lụt” tới hơn 2.100 tỉ đồng đầu tư ngoài ngành. Trong đó, EVN Telecom lỗ nặng. Năm 2010, doanh thu của EVN Telecom chỉ đạt hơn 2.000 tỉ đồng, lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của EVN Telecom lên đến 5,1 lần (trong đó nợ phải trả là 7.760 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.586 tỉ đồng). Bên cạnh đó là các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành khác như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng thì dự kiến phải... 2 năm nữa mới thoái được vốn. Theo công bố mới nhất thì chỉ riêng năm 2010, EVN đã lỗ hơn 10.100 tỉ đồng, chưa kể gần 16.000 tỉ đồng lỗ đang bị “treo”.
Năm 2015, Hà Nội có thu nhập bằng lương EVN năm... 2009
Vấn đề khiến dư luận... choáng váng nhất là cho dù EVN không hoàn thành nhiệm vụ chính, cho dù DN này lỗ nặng thì lương của nhân viên EVN vẫn... cực kỳ cao. Hiện nay tập đoàn này có hơn 9 vạn CBCNV, thế nhưng từ năm 2009, lương bình quân đã là 7,3 triệu đồng/tháng, tương ứng với gần 88 triệu đồng/năm. Nếu so sánh tỉ giá USD vào thời điểm năm 2009 thì con số này tương ứng với khoảng khoảng 4.500USD/năm. Như vậy, con số thể hiện mức lương của nhân viên EVN này ngay từ năm 2009 đã gấp 4 lần so với thu nhập bình quân chung - khoảng 1.000USD/người/năm - của người dân Việt Nam.
Hệ thống truyền tải điện của EVN còn nhiều hạn chế. Ảnh: Kỳ Anh
Hệ thống truyền tải điện của EVN còn nhiều hạn chế. Ảnh: Kỳ Anh
Cũng với mức lương này, đại diện EVN cho rằng sẽ... khó sống ở thành thị. Thế nhưng, tại Hội nghị BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XV lần 2 (tháng 11.2010) xác nhận, năm 2010 tăng trưởng GDP của thủ đô ước đạt 11%, thu nhập bình quân đạt khoảng 37 triệu đồng (tương đương 1.900USD). Và phải tới Hội nghị BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội diễn ra hồi tháng 4.2011, thủ đô mới... đặt mục tiêu trong 5 năm tới, Hà Nội tăng trưởng GDP trung bình 12-13% mỗi năm. Với mức tăng trưởng này, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội cuối năm 2015 sẽ đạt 82-86 triệu đồng. Như vậy có nghĩa là mục tiêu thu nhập bình quân của người dân Hà Nội trong 4 năm nữa mới... ngang bằng mức lương trong quá khứ - năm 2009 của nhân viên EVN. Theo lãnh đạo EVN thì mức lương 7,3 triệu đồng/tháng của nhân viên EVN từ năm 2009 là khó sống ở thành thị; vậy không hiểu là 4 năm nữa, người dân Hà Nội mới đạt mức lương này thì sẽ chật vật đến mức nào!
Xã hội đang là “con tin” của ngành điện
Ngành điện lỗ là sự thật. Sự thật đã rồi và sự thật đó đang tạo ra một sức ép khi cả xã hội và cả nền kinh tế trở thành “con tin” của họ. Và bây giờ chúng ta phải lãnh toàn bộ hậu quả đó. Về ngắn hạn, không có giải pháp nào khác ngoài việc cho phép ngành điện tăng giá để họ bớt lỗ và tiếp tục hoạt động, thay vì cứ để DN trây ỳ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của cả nền kinh tế. Nhưng đấy chỉ là giải pháp tức thời, vì không thể DN cứ kêu lỗ là được tăng theo kiểu “tống tiền”, “ăn vạ”.
Tuy nhiên, tăng giá phải đi kèm với điều kiện: Tôi cho anh tăng giá lần này, anh phải có cam kết rõ ràng về lộ trình, có sự cạnh tranh đồng thời đi kèm với sự kiểm soát. Còn nếu muốn kiểm soát thì phải rõ ràng, phải minh bạch tất cả từ tiền lương, các khoản đầu tư... Nếu cứ giữ cơ chế tù mù thế này thì người dân sẽ phải chấp nhận tăng giá mãi.
Còn với câu chuyện đầu tư ngoài ngành đều lỗ thì đã là bài học nhãn tiền. Đầu tư ngoài ngành gây lỗ như thế thì ngành điện phải có sự xin lỗi người dân vì anh dùng nguồn lực của Nhà nước giao cho. Người dân đã hỗ trợ cho ngành điện trong khó khăn thì đổi lại, ngành điện phải có cam kết thể hiện bằng chương trình cải cách. Lương ngành điện khá cao như vừa công bố thì phải cắt giảm.
TS Nguyễn Đức Thành - GĐ TT Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐH Quốc gia HH)
Cao Sơn (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét