Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Học giả Trung Quốc phủ nhận Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển



Trọng Nghĩa


Một vùng thuộc quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) 
- Biển Đông
DR
Vào hôm qua, 17/10/2011, Quỹ Hòa bình và Phát triển Carlos P. Romulo (CPRFPD) tại Philippines và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore đã phối hợp tổ chức tại Manila một hội nghị khoa học về Biển Đông. Vào lúc đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh trên Biển Đông, thể hiện qua tấm bản đồ hình « lưỡi bò », tiếp tục bị đả kích vì không dựa trên cơ sở luật pháp nào, đại diện Trung Quốc đã công khai phủ nhận giá trị của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.


Tham gia cuộc hội thảo, có hơn 20 nhân vật bao gồm cựu viên chức chính phủ và nhà nghiên cứu đến từ các thành viên ASEAN, cũng như từ Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Canada, Hoa Kỳ, và Châu Âu. Mục tiêu hội nghị là nhằm « làm sáng tỏ toàn bộ các vấn đề liên quan đến Biển Đông » và « giúp các chính phủ đối thoại chính thức với nhau ». Theo ban tổ chức, đối thoại giữa các bên liên can đã trở nên cần thiết, vì căng thẳng đã gia tăng trong khu vực Biển Đông trong những tháng gần đây, sau một loạt sự cố giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam.

Theo các nguồn tin báo chí, như tại các hội nghị khác về Biển Đông trong thời gian gần đây, hầu hết các diễn giả cũng như người tham dự đều đề cập đến tính mơ hồ, cũng như tính bất hợp pháp của các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, nằm trong tấm bản đồ đường « lưỡi bò » của họ. Có lẽ vì đuối lý, đại diện Bắc Kinh tại cuộc hội thảo Manila, vào hôm qua, đã công khai phủ nhận giá trị của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, trong vấn đề xác nhận chủ quyền.

Theo nhật báo Philippine Star, ông Trần Sỹ Cầu, giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, đã nhất mực bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh, khi cho rằng, các cứ liệu lịch sử đã chứng minh rằng Trung Quốc là nước đầu tiên khám phá ra vùng quần đảo Trường Sa, đã đến cư trú và phát triển khu vực đó từ thế kỷ thứ 16, 17. Do đó, vị giáo sư này, nguyên là Đại sứ đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, đã cho rằng : « Trường Sa đã trở thành vùng lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc từ thời đó ».

Điều đáng nói là cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc nói trên đã công khai phủ nhận giá trị của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, khi cho rằng văn kiện mà chính Bắc Kinh đã ký kết « không thể nào là nền tảng cho đòi hỏi lãnh thổ của một nước ».

Đối với ông : « UNCLOS không thể thay đổi vị thế pháp lý không chối cãi được của Trung Quốc, đó là có chủ quyền trên quần đảo Nam Sa [tên Trung Quốc của Trường Sa]. »

Trong báo cáo tại cuộc hội thảo, giáo sư Trần Kỷ Cầu đã cho rằng, các thế lực bên ngoài không nên can dự vào tranh chấp Biển Đông, vì quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, theo ông « chỉ làm tình hình phức tạp thêm ».

Theo các nhà quan sát, quan điểm do giáo sư Trần Kỷ Cầu hiện đang nằm trong một xu hướng mà Bắc Kinh đang theo đuổi : gây sức ép trên toàn thế giới để buộc mọi nước chấp nhận sửa đổi Công ước Liên Hiệp Quốc theo ý Trung Quốc, từ đó hợp pháp hóa được các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Trong bài nhận định do báo mạng The Diplomat công bố ngày 16/10 vừa qua, nhà báo Frank Ching, của tờ Wall Street Journal đã nêu bật ý đồ này của Trung Quốc khi nhận xét : « Có lẽ vì các lý do lịch sử (mà họ dựa vào để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông) đi ngược lại các nguyên tắc của Công ước Liên Hiệp Quốc UNCLOS, cho nên các học giả Trung Quốc đang kêu gọi xem xét lại Luật Biển".

Một giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á Đại học Hạ Môn, đã ghi nhận nhưng điều mà ông cho là "thiếu sót" trong UNCLOS, và kết luận « Trung Quốc phải xem xét tình hình riêng của mình trước khi thực thi UNCLOS. »

Điều đó, theo nhà báo Frank Ching, có nghĩa là mặc dù đã phê chuẩn Công ước, vốn đã có hiệu lực từ 17 năm nay, Trung Quốc không cần phải tuân thủ các quy định của văn kiện này, trừ phi công ước được sửa đổi theo hướng phù hợp với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét