Trang

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Exxon Mobil tìm thấy mỏ dầu mới ở thềm lục địa Việt Nam, Bắc Kinh sẽ phản ứng ?




Vị trí mỏ dầu khí ( đánh dấu bàng chấm đen)
mới được phát hiện.
DR
Vào hôm nay, 27/10/2011, tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon xác nhận đã tìm được dầu khí tại một vùng ở Biển Đông, trên thềm lục địa ở miền Trung Việt Nam. Thông tin được loan báo vào lúc Trung Quốc liên tiếp đe đọa những ai hợp tác với Việt Nam trong các đề án ngoài Biển Đông mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ. Giới quan sát đang tự hỏi là Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao ?


Khu vực có dầu khí thuộc một lô ngoài khơi Đà Nẵng, mà phía Việt Nam đã trao cho Exxon quyền thăm dò và khai thác. Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bản thông cáo công bố vào hôm nay, Tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil cho biết là mũi khoan thứ hai mà họ thực hiện ngoài khơi Đà Nẵng vào tháng 8/2011 đã giúp phát hiện ra dầu khí. Công việc khoan dò do Công ty Thăm dò và Khai thác ExxonMobil Việt Nam, (bộ phận của tập đoàn Mỹ tại Việt Nam) tiến hành.


Ông Patrick McGinn, thuộc bộ phận báo chí của Exxon, tuy nhiên đã không cho biết chi tiết về trữ lượng mỏ dầu khí, chỉ cho biết là tập đoàn Mỹ đang phân tích dữ liệu từ giếng khoan thứ hai này, sau khi một mũi khoan thứ nhất đã không mang lại kết quả.

Tuy nhiên, trước đó, báo chí Anh Mỹ đã tiết lộ rằng ExxonMobil đã phát hiện ra một mỏ khí đốt có trữ lượng đáng kể ở một lô ngoài khơi bờ biển Đà Nẵng, thuộc bể trầm tích Phú Khánh.

Theo Financial Times, một quan chức tập đoàn dầu khí PetroVietnam, đối tác của ExxonMobil, cho biết là đã tìm thấy khí đốt, trong khi giám đốc điều hành một công ty dầu hỏa khác thăm dò gần lô 118 xác định rằng mỏ vừa phát hiện có "một tiềm năng đáng kể", căn cứ vào nền địa chất của khu vực.

Theo Wall Street Journal, khu vực được khoan dò nổi tiếng là có trữ lượng dồi dào. PetroVietnam và nhiều tập đoàn quốc tế khác đã bắt đầu công việc sản xuất tại nhiều mỏ quan trọng trong vùng này, trong lúc một số công ty khác như Petronas của Malaysia, Premier Oil trụ sở tại Anh Quốc, Gazprom của Nga và Total của Pháp, cũng vừa phát hiện ra một số mỏ dầu khí trong khu vực này.

Lẽ ra, phát hiện của Exxon không có gì đáng nói vì chỉ là một thông tin kinh tế bình thường. Vấn đề là trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã đột nhiên hung hăng hẳn lên đối với tất cả các tập đoàn dầu hỏa có đề án hợp tác với Việt Nam để thăm dò khai thác dầu khí tại vùng Biển Đông mà Bắc Kinh tự nhận có chủ quyền trên hơn 80% diện tích.

Do đó các nhà quan sát đang chờ đợi xem phản ứng của Trung Quốc sẽ ra sao trước diễn biến mới này trong công cuộc hợp tác giữa Việt Nam và Exxon, tập đoàn dầu hỏa thuộc hàng lớn nhất thế giới hiện nay.

Phải nói là ExxonMobil đã được chính quyền Việt Nam cấp phép thăm dò và khai thác 3 lô 117, 118 và 119 ngoài khơi bờ biển Đà Nẵng, nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, dựa trên quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, dù nằm hẳn trong thềm lục địa Việt Nam, khu vực có các lô này lại bị Trung Quốc tranh chấp căn cứ vào điều được Bắc Kinh cho là chủ quyền lịch sử của họ trên gần như toàn bộ Biển Đông.

Trong thời gian trước đây, Bắc Kinh từng bị chính quyền Mỹ công khai tố cáo là đã gây sức ép trên các tập đoàn dầu hỏa quốc tế, trong đó có cả Exxon, buộc các hãng này phải hủy bỏ đề án hợp tác với Việt Nam tại Biển Đông, nếu không muốn công việc làm ăn của họ tại Trung Quốc bị ảnh hưởng.

Gần đây hơn là những yêu sách nhắm vào New Delhi và hãng dầu hỏa ONGC, đòi phải hủy bỏ đề án của tập đoàn quốc gia Ấn Độ thăm dò khai thác hai lô 127 và 128 cũng ở ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam. Sau khi những đòi hỏi này bị Ấn Độ bác bỏ, Trung Quốc đã để cho báo chí liên tiếp đả kích và đe dọa New Delhi cũng như Hà Nội.










Hình: REUTERS
Ảnh minh họa: Giàn khoan Bạch Hổ
ngoài khơi bờ biển Vũng Tàu
Tờ Financial Times ngày 27/10 loan tin tập đoàn dầu khí Exxon Mobil có trụ sở tại bang Texas của Hoa Kỳ vừa phát hiện mỏ dầu quan trọng, giàu tiềm năng trên Biển Đông, ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam.

Theo tin của Wall Street Journal, Exxon đã tiến hành khoan giếng thăm dò thứ hai ngoài khơi bờ biển Đà Nẵng hồi tháng 8 và tìm thấy có các loại khí hydrocarbon. Một phát ngôn nhân của công ty cho biết các dữ liệu thu thập được từ giếng thăm dò trên lô 119 đang được phân tích.

Trữ lượng của giếng dầu này chưa được tiết lộ, nhưng việc phát hiện ra dầu khí trên vùng biển mà Trung Quốc cũng dành chủ quyền càng gây chú ý tới các tranh chấp trên vùng Biển Đông giàu tài nguyên mà các bên liên quan đang tìm cách xoa dịu.

Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil được chính quyền Việt Nam cấp giấy phép cho thăm dò dầu khí tại các lô 117, 118, và 119 ngoài khơi duyên hải Đà Nẵng.

Khu vực này nằm trong vùng mà Hà Nội tuyên bố thuộc đặc khu kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, dựa trên luật biển quốc tế.






Nguồn: USDA Press Release, Xinhua, 
Hoosieragtoday.com






***   ***   ***







Tập đoàn ExxonMobil của Hoa Kỳ loan báo đã tìm thấy dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam, gần đường yêu sách chủ quyền chín đoạn của Trung Quốc.

Giếng khoan ở lô 119 (điểm đen)
nằm gần đường chín đoạn của Trung Quốc

Báo Wall Street Journal (WSJ) trong bản tin gửi từ Houston, Texas, nơi Exxon Mobil đặt đại bản doanh, cho hay hãng này đã tìm thấy dầu sau mũi khoan thứ hai hồi tháng Tám ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam.

Mũi khoan đầu tiên đã được thực hiện hồi tháng Tư nhưng không có kết quả.

WSJ dẫn lời một người phát ngôn của Exxon nói hôm thứ Ba 25/10 rằng các thông số thu được từ giếng khoan số hai nằm trong lô 119 ngoài khơi Đà Nẵng đã được chuyển đi phân tích tiếp.

Lô 119 nằm ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, thuộc vùng biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam, rất gần đường chín đoạn mà Trung Quốc lập ra để đòi hỏi chủ quyền Biển Đông. Đường yêu sách này còn được gọi là đường 'lưỡi bò', bao quanh tới 80% diện tích Biển Đông.

Thông tin mới loan ra mang tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ trong lĩnh vực dầu khí mà còn trong khía cạnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại khu vực.

Nó cũng cho thấy thái độ mạnh bạo của công ty Hoa Kỳ trong việc tiếp tục theo đuổi các dự án làm ăn với Việt Nam cho dù bị áp lực từ Trung Quốc.

Hồi tháng 7/2008, Trung Quốc đã gây sức ép buộc ExxonMobil ngừng dự án với Việt Nam tại khu vực mà Bắc Kinh nói là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Dự án bị Trung Quốc phản đối lúc đó nằm trên thềm lục địa phía Nam, gồm các lô 135 và 136, khu vực Tư Chính - Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn. Exxon lúc đó không tuyên bố rút lui, nhưng sau đó cũng không có thêm thông tin gì về tiến độ dự án.

Trữ lượng dầu khí

WSJ nhận xét rằng nếu lượng dầu khí mà ExxonMobil tìm thấy quả thực có khả năng thương mại, thì đây là tin mừng cho Việt Nam, quốc gia trông chờ nhiều vào thu nhập từ dầu thô.

Tờ báo này nói đa số các mỏ dầu mà Việt Nam đang khai thác đều đã quá lâu năm và khó có thể thỏa mãn nhu cầu năng lượng và xuất khẩu ngày càng tăng.

Việt Nam đang là nước sản xuất dầu thô lớn thứ ba Đông Nam Á.

Tuy nhiên giới phân tích nói cần phải chờ xem trữ lượng tiềm năng của giếng khoan này là bao nhiêu.

Tiềm năng dầu khí có thể làm tăng tranh chấp

WSJ dẫn lời phân tích gia Phil Weiss từ công ty Argus Research nói: "Khó có thể bình luận tầm quan trọng của phát hiện mới này khi chúng ta chưa biết trữ lượng, nhưng chắc chắn đây là tin tốt đối với Exxon vì khu vực khoan dầu được nhiều người cho là giàu tiềm năng".

Nhiều công ty nước ngoài đã tìm thấy dầu tại khu vực này, như Petroliam Nasional Bhd. của Malaysia, Premier Oil Plc. của Anh, Gazprom OAO của Nga và Total SA của Pháp.

Giếng khoan của ExxonMobil ở lô 119, nếu nhìn trên bản đồ trực tuyến mà chính Trung Quốc đưa ra, nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam, nhưng cận kề một trong chín đoạn của 'đường lưỡi bò'.

Gần lô 119 là lô 120, mà Công ty thăm dò - khai thác dầu khí Neon Energy của Úc đã cùng đối tác Việt Nam thăm dò địa chấn hồi tháng Năm năm ngoái.

Lúc đó phía Việt Nam đã phải cử tàu hải quân ra hộ tống công việc thăm dò của Neon vì sợ phản ứng của Trung Quốc.

Ngoài lô 119, ExxonMobil còn có dự án thăm dò ở hai lô kế cận là 117 và 118, đều nằm trong vùng thềm lục địa miền Trung Việt Nam.

Tiềm năng dầu khí nếu được chứng thực ở các lô trên thềm lục địa Việt Nam có khả năng sẽ làm tranh chấp chủ quyền tại khu vực thêm gay gắt.

Bằng nhiều cách, Trung Quốc đã gây áp lực buộc nhiều công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam phải rút lui.

Thế nhưng trong khi các hãng dầu như BP của Anh chấp nhận ngừng dự án, thì các công ty Mỹ, được tin là có hậu thuẫn của Washington, giữ thái độ kiên quyết hơn.

Các bài liên quan

Chủ đề liên quan






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét