Trang

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Chiến dịch 'Phải Lên Tiếng' ủng hộ các thanh niên Công giáo bị bắt ở VN


Một chiến dịch do giới trẻ ở hải ngoại khởi xướng hầu ủng hộ các thanh niên Công giáo bị bắt tại Việt Nam đang thu hút sự tham gia của giới trẻ người Việt sinh sống tại nhiều nơi trên thế giới. Chiến dịch ‘Phải Lên Tiếng’ kêu gọi viết thư bày tỏ tinh thần đoàn kết với 15 nhà hoạt động trẻ mà nhiều người trong số này bị cáo buộc là âm mưu ‘lật đổ chính quyền nhân dân’sau khi họ tham gia các hoạt động xã hội như phản đối dự án bauxite, tham gia biểu tình chống Trung Quốc, kêu gọi trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ. 
Các bức thư gửi tới địa chỉ phailentieng@lenduong.net và được chuyển đến thân nhân những người bị bắt. Tạp chí Thanh Niên hôm nay có cuộc trao đổi với 3 bạn trẻ tham gia chiến dịch viết thư từ Australia, Singapore, và Việt Nam.

Trà Mi - VOA

Hình: http://phailentieng.lenduong.net/

Chương: Em là Chương ở Sài Gòn.

Phan: Em là Đặng Thế Phan hiện đang ở Singapore, 27 tuổi.

Don: Em tên Don, ở Sydney, Australia.

Trà Mi: Về chiến dịch “Phải Lên Tiếng”, làm thế nào các bạn biết được chiến dịch này? Các bạn biết gì về những người mà các bạn đang ký tên ủng hộ?

Chương: Em có trao đổi với Ban tổ chức trên một diễn đàn trên mạng. Chiến dịch này rất tuyệt vời. Em có ấn tượng với ý tưởng viết thư chia sẻ cảm nghĩ với các nạn nhân sinh viên đang bị bắt. Những lá thư là những tình cảm gửi đến các bạn, tạo ra ảnh hưởng lớn trên cộng đồng mạng và đối với những người đấu tranh cho công lý, hòa bình tại Việt Nam.

Phan: Các bạn trong chiến dịch ‘Phải Lên Tiếng’ đã gặp nhau tại Manila trong đại hội 6 của Mạng lưới Tuổi trẻ Việt Nam Lên đường. Sau đại hội, mọi người ngồi lại bàn với nhau trên mạng, bắt đầu chiến dịch.

Don: Tại đại hội, tụi em có dịp gặp gỡ nhiều bạn trẻ trong nước. Từ đó, em rất muốn giúp đỡ xã hội Việt Nam, muốn các bạn trong nước có cơ hội như mình ở nước ngoài.

Trà Mi: Trước khi ký tên tham gia ủng hộ chiến dịch, các bạn biết gì về các bạn trẻ đang bị bắt? Các bạn có tìm hiểu về họ không, bằng cách nào?

Phan: Tuy không quen biết với các bạn đang bị bắt, nhưng mình rất khâm phục các bạn. Các bạn đã dám đứng lên chia sẻ sự bất mãn trong xã hội Việt Nam, nói lên sự thiếu công bằng trong xã hội, dám đứng lên chia sẻ lý tưởng, ước mơ, và đòi hỏi những thay đổi cho xã hội. Họ không phải đòi hỏi cho quyền lợi cá nhân, mà đã đại diện cho hàng chục triệu người Việt trong nước.

Trà Mi: Bạn cho rằng những người này dám dấn thân hy sinh vì lợi ích chung. Tuy nhiên, một số người bị bắt đã bị cáo buộc là theo đảng Việt Tân, có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Nếu những cáo buộc đó đúng, các bạn có còn ủng hộ họ nữa không?

Chương: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã áp đặt tội cho họ. Đây hoàn toàn là sự chụp mũ. Công dân không được đảng cho phép thực hành những quyền căn bản của con người. Các tội danh họ đưa ra là một sự phi lý trong xã hội này. Chúng ta không thể không ủng hộ các bạn trẻ này, vì những điều họ làm dựa trên pháp lý về quyền con người. Chúng ta phải đấu tranh ủng hộ họ bằng mọi cách.

Trà Mi: Chương cho rằng những cáo buộc của chính quyền là phi lý. Bạn có thể giải thích thêm những căn cứ, cơ sở nào khiến anh nghĩ đây là một sự chụp mũ?

Chương: Tất cả những người bị bắt đều không nhận được giấy triệu tập, giấy mời, hay lệnh bắt giữ. Họ đều bị bắt trong tình huống bất ngờ.

Phan: Các bạn đó xuất phát từ lòng yêu nước, họ muốn thay đổi xã hội. Với lý tưởng đó, không lý do gì mà mình không ủng hộ họ.

Trà Mi: Bạn nhận xét những người này có lòng yêu nước, nhưng nếu vì yêu nước mà họ có những hoạt động muốn ‘lật đổ chính quyền’, là điều trái pháp luật tại Việt Nam. Như vậy có chấp nhận được hay không?

Phan: Chúng ta đã thấy tại Bắc Phi và Trung Đông, hiện giờ các chính quyền phải theo lời yêu cầu của nhân dân, vì một chính quyền không có dân ủng hộ là một chính quyền không chính đáng.

Trà Mi: Ý bạn là hành động ‘lật đổ chính quyền’ đúng hay sai còn phải xét đến lợi ích chung của đất nước.

Phan: Có những lý do khiến dân phải nói lên sự bất mãn, đòi hỏi những thay đổi trong xã hội. Nếu chính quyền Hà Nội không nhận thấy sai lầm, sự bất mãn và bất công trong xã hội, vẫn tiếp tục con đường họ đã đi mà không nghe dân, thì dân đứng lên là điều chấp nhận được, nhưng theo cách ôn hòa, nghĩa là đấu tranh bất bạo động.

Trà Mi: Chương ở Việt Nam, bạn nhận xét thế nào về tình hình xã hội hiện nay? Trước trường hợp những người đang bị bắt, bạn có suy nghĩ thế nào?

Chương: Những người đấu tranh khác như anh Ba Saigon, anh Điếu Cày, luật sư Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung.., họ đều là những nhà đấu tranh dân chủ bất bạo động. Cách họ đấu tranh rất văn minh, nhưng cuối cùng nhà cầm quyền cũng chụp cho cái mũ ‘lật đổ chính quyền’. Những người đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam đều bị chung một tội đó.

Trà Mi: Các hoạt động đó, bên ủng hộ như các bạn thì cho là vì dân chủ, vì sự tiến bộ của xã hội, của đất nước. Nhưng nhà nước lại cho là ‘chống phá’, ‘gây rối’, ‘gây nguy hại an ninh quốc gia’, ‘lật đổ chính quyền’, ‘phản động’… Người trẻ định nghĩa thế nào là những hoạt động vì lợi ích chung và những hoạt động nào là có hại cho đất nước?

Don: Hoạt động của các thanh niên Công giáo trong nước rất hay, vì lợi ích chung. Nhiều người trong nước không biết về các vấn đề ngay tại Việt Nam, chẳng như vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa. Họ đã giúp nhiều người hiểu biết về vấn đề này, cũng như giúp cho các bạn ngoài nước hiểu nhiều hơn về tình hình tại Việt Nam. Điều đó rất hay.

Phan: Những việc làm có lợi cho đất nước là họ chia sẻ những thông tin, những tiêu cực họ nhìn thấy, để đòi hỏi sự thay đổi tiến bộ.

Chương: Hành động đúng đắn cần làm bây giờ là người trẻ Việt Nam cần phải lên tiếng vì lợi ích của chúng ta và của nhân dân nói chung. Đất nước này là của nhân dân, và người dân phải được quyền lên tiếng đòi lại những quyền lợi bị mất. Ở nước Việt Nam này, khi chúng ta lên tiếng vì sự thật, vì công lý, thì bị đảng cộng sản cho là phản động. Định nghĩa ‘phản động’ của nhà nước cộng sản Việt Nam rất lớn. Những hoạt động của các bạn đó có thể đúng đối với nhân dân, nhưng lại sai đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Mong nhà nước nhận ra được những điều sai quấy họ đang làm và thả các thanh niên Công giáo đang bị bắt cóc.

Trà Mi: Don và Phan, khi tham gia chiến dịch ‘Phải Lên Tiếng’ các bạn muốn gửi gắm thông điệp gì tới những người bắt giữ, tức chính quyền Việt Nam, những người đang bị bắt giữ, và công luận?

Phan: Chính quyền có thể bắt tù những người đó, nhưng không thể bắt tù tinh thần tranh đấu cho nhân dân Việt Nam. Chiến dịch ‘Phải Lên Tiếng’ muốn khuyến khích người trẻ Việt trên khắp thế giới về tinh thần này. Các bạn trẻ ở nước ngoài luôn vận động sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, giới hoạt động nhân quyền và tự do tôn giáo.

Don: Mình muốn góp phần thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam và giúp những người trong nước không được nói, không thể nói.

Trà Mi: Chiến dịch ‘Phải Lên Tiếng’ kéo dài trong 3 tháng, cao điểm là 10/12, nhân Ngày Nhân Quyền Quốc tế. Ngoài các bức thư ủng hộ 15 nhà hoạt động trẻ bị giam cầm ở Việt Nam, các bạn trẻ ở hải ngoại còn khởi xướng nhiều sinh hoạt vận động sự quan tâm của công luận quốc tế về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Chi tiết của các chiến dịch này có trên trang: http://phailentieng.lenduong.net

Để xem lại các câu chuyện hằng tuần trên Tạp chí Thanh Niên và bình luận với độc giả khắp nơi, mời quý vị truy cập vào chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần ‘Chuyên mục đặc biệt’ giữa trang chính. Xin quý vị bấm 2 lần vào mũi tên bên phải của 3 khung hình ở giữa trang. Tạp chí Thanh Niên sẽ trở lại cùng quý vị và các bạn vào giờ này, tuần sau.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét