Trang

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

VIỆT NAM TUẦN QUA



Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt – Mỹ, thỏa thuận Việt Nam – Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, là những vấn đề thời sự được quan tâm nhiều nhất tại Việt Nam tuần này.




AFP photo/Vietnam News Agency
Ông Đới Bỉnh Quốc và TT Nguyễn Tấn Dũng 
trong cuộc họp của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác 
song phương Việt – Trung 
tại Hà Nội ngày 7 tháng 9 năm 2011.



Đối thoại Việt – Mỹ, thỏa thuận Việt - Trung




Cùng lúc với chuyến đi Mỹ của phái đoàn quân sự Việt Nam do Thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu, một phái đoàn khác dưới sự hướng dẫn của Trung tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam cũng lên đường sang Bắc Kinh.



Nếu tại Washington, đại diện Việt – Mỹ bàn thảo về gia tăng hợp tác quốc phòng, duy trì an ninh trong khu vực; thì mục tiêu chuyến đi Trung Quốc của phái đoàn tướng Ngô Xuân Lịch là giải quyết những khác biệt giữa hai bên về vấn đề chủ quyền tại Biển Đông.



Theo các nguồn tin chính thức, trong hai ngày đối thoại chiến lược quốc phòng tại nước Mỹ, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng.
Hoa Kỳ một lần nữa khẳng định là với tư cách một cường quốc Thái Bình Dương, Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ lợi ích của mình trong khu vực.




Đại sứ Mỹ David Shear 
trong cuộc họp báo đầu tiên tại Hà Nội 
vào ngày 9 tháng 9 năm 2011. 
AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam.



Phía Mỹ cũng lặp lại với đại diện Việt Nam rằng tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông là một trong các lợi ích quốc gia của Mỹ.



Cùng lúc đó, thông tấn xã Việt Nam trong bản tin phổ biến hôm 20 tháng 9, trích lời Trung tướng Ngô Xuân Lịch cho biết: các tranh chấp tại Biển Đông giữa Việt Nam với Trung Quốc có thể giải quyết thông qua đàm phán như hai phía đã từng thành công tại Vịnh Bắc Bộ.



Thêm vào đó, vẫn theo lời tướng Lịch, trong cuộc gặp giữa phái đoàn quân sự Việt Nam với Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên mong muốn thúc đẩy các quan hệ quốc phòng lên một tầm cao mới, theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt, đã được lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc coi như kim chỉ nam cho các quan hệ song phương.



 Giá xăng dầu làm lộ ‘thâm cung bí sử’



Về xã hội, Việt Nam Tuần Qua chứng kiến cuộc tranh cãi giữa hai Bộ Tài chính và Bộ Công thương Việt Nam chung quanh việc nên hay không tăng giá xăng dầu thêm một lần nữa.




 Một cây xăng ở Hà Nội 
chụp hôm 21/9/2011 
của Tổng công ty xăng dầu Petrolimex. 
RFA photo



Theo những người trong cuộc, buổi hội thảo về "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường" do Bộ Tài chính chủ trì hôm 20/9 biến thành cuộc tranh cãi song phương gay gắt, trước sự chứng kiến của các chuyên gia đầu ngành và báo chí.



Nếu ông Nguyễn Cẩm Tú, thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng “cách điều hành thời gian qua như kiểu “bịt mắt bắt dê”, tức cứ làm mà không biết mục tiêu là gì cả”. Và “nếu không giải quyết được vấn đề này thì đừng hòng giải quyết được các biện pháp khác."



Thì Thứ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ “phản pháo” ngay rằng: “Tôi biết rất rõ kiểu làm ăn của các doanh nghiệp xăng dầu. Vì vậy quan điểm điều hành của Bộ Tài chính sẽ không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân".



Chứng kiến cuộc cãi vả của hai ông Thứ trưởng, nhiều người cho rằng sự kiện này đã vô tình làm lộ ra nhiều chuyện “thâm cung bí sử” trong cung cách điều hành thị trường nói riêng, cũng như cơ chế của nền kinh tế Việt Nam nói chung.



Trả lời Khánh An của đài Á Châu Tự Do, Anh Hà Trực, một quản lý nhà hàng tại TPHCM bày tỏ:


“Em nghĩ nó còn có một phần nào đó mập mờ, lắt léo, rồi đút lót nữa cho nên em chưa chắc. Rồi còn bên xăng dầu, em nghĩ rằng ngay cả bản thân họ cũng có cách để báo cáo gian. Em nghĩ rằng tất cả những vấn đề đưa ra ngày hôm nay chẳng qua là mị dân thôi, bởi vì em thấy người dân người ta quá bức xúc…”


Sở hữu đất đai nhưng không có chỗ ở



Cũng trong lĩnh vực xã hội, một cuộc tranh luận khác, về một vấn đề rộng lớn hơn cũng vừa diễn ra ở Hà Nội.

 
Một cuộc hội thảo mang tên “Hoàn thiện báo cáo rà soát luật đất đai, luật Kinh doanh bất động sản” diễn ra ở Hà Nội hôm thứ Tư 21 tháng 9, các luật sư, chuyên gia cho rằng, về mặt chính thức, hiến pháp Việt Nam qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế người dân lại đang bị thiếu chỗ ở.



Cảnh người dân khiếu kiện đất đai 
trước cơ quan công quyền từ năm 2006. 
Photo courtesy of VietnamNet.



Tại cuộc hội thảo diễn ra sôi nổi với những vấn đề liên quan sở hữu đất, giá đất, cò đất…, Tiến sĩ Trần Quang Huy thuộc Đại học Luật Hà Nội lưu ý đến vấn đề gọi là “sở hữu toàn dân”, nhấn mạnh rằng “đây là khái niệm trừu tượng, thực tế không có chủ thể nào gọi là toàn dân cả”.



Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, từng là Thứ trưởng Tài Chánh, bày tỏ hy vọng Hiến pháp mới sẽ điều chỉnh vấn đề này, vì “sở hữu toàn dân thực ra là vô chủ”.



Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thì khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai không có ý nghĩa về mặt luật pháp, mà nó còn dẫn tới tình trạng lạm dụng, trục lợi. Hay nói cách khác, đất thuộc sở hữu toàn dân nhưng người dân lại thiếu chỗ ở.


VN sắp hóa rồng



Về kinh tế, Việt Nam tuần này đón nhận các tin tức lạc quan về triển vọng hóa rồng trong tương lai không xa.



Nhật báo tài chính nhiều uy tín của Mỹ, tờ Wall Street Journal số đề ngày thứ Hai 19 tháng 9 nhận định rằng, Việt Nam đang là một trong số các quốc gia trên thế giới đang trên đà trở thành “con hổ kinh tế”.

  

Theo phân tích của Wall Street Journal, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế như dân số trẻ, năng động, với tuổi bình quân 27.


Thêm vào đó Việt Nam còn có vị trí địa lý thuận lợi để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới, và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.



Công trình xây dựng Tòa nhà Bitexco Financial 
tại TPHCM. 
RFA PHOTO.



Tuy vậy cũng có nhiều chuyên gia nghi ngờ về khả năng trở thành hổ của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó Việt Nam chưa được nhiều nứơc công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ và đầu tư vào Việt Nam vẫn là một quá trình đầy gian nan.



Cũng theo giới phân tích, để có thể trở thành một “con hổ kinh tế” thật sự, Việt Nam cần phải có các biện pháp hữu hiệu để kiềm chế đà lai phát gia tăng, có thể lên tới hơn 19% vào cuối năm nay.


Trời hành cơn lụt mỗi năm



Và cuối cùng, thưa quý khán thính giả, như đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, đây là thời điểm mà người Việt Nam từ Nam chí Bắc lại phải vất vả đối phó với thiên tai bão lũ.



Mới đầu mùa, đã có ít nhất 10 người thiệt mạng vì các trận mưa lũ, hàng trăm hécta hoa màu bị phá hủy.


Gánh chịu thiệt hại nặng nhất vẫn là đòn gánh miền Trung, nơi thường xuyên phải hứng chịu các cơn bão lũ, lại còn phải oằn mình những nguy cơ từ hàng trăm các đập thủy điện lớn nhỏ được xây dựng ồ ạt trên thượng nguồn các con sông lớn trong thời gian gần đây.






http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-weekly-review-show-38-09242011094749.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét