Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Tình hình giáo xứ Thái Hà vẫn căng thẳng


Thanh Phương


Giáo dân giáo xứ Thái Hà trước UBND quận Đống Đa, 
Hà Nội ngày 27/10/2011 
Nguồn: giaoxuthaiha.org
Sau vụ những người tự nhận là « quần chúng tự phát » kéo đến phá cổng, gây hấn, uy hiếp các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong sân nhà thờ Thái Hà, Hà Nội ngày 3/11 vừa qua, tình hình tại giáo xứ này hiện rất căng thẳng. Theo linh mục Nguyễn Văn Phượng, chánh xứ nhà thờ Thái Hà, công an, mặc sắc phục lẫn thường phục, hiện đang bao quanh nhà thờ, trong khi giáo dân từ các nơi trở về đây để bảo vệ nhà thờ cũng như các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội.

Cho đến nay, vấn đề trao trả cơ sở tu viện cho giáo xứ Thái Hà vẫn không có tiến triển gì mới sau các cuộc gặp giữa đại diện giáo xứ với đại diện Bệnh Viện Đống Đa và Sở Y tế Hà Nội.

Giáo xứ Thái Hà cũng đang xem xét khả năng khởi kiện những người đã tham gia gây rối tại nhà thờ ngày 3/11, đặc biệt là những người đã có những lời lẽ sỉ vả và hăm dọa các linh mục, tu sĩ.

Trả lời RFI hôm nay, cha Nguyễn Văn Phượng, chánh xứ nhà thờ Thái Hà cho biết :

Cha NguyễnVăn Phượng 12/11/2011 Nghe (03:42)




Miến Điện: Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi có thể ra tranh cử nghị viện




Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi
nói chuyện với các nhà báo
trước tư dinh ở Rangoon, 29/10/2011
REUUTERS
Hôm nay, 12/11/2011, phát ngôn viên Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, Nyan Win, thông báo với hãng thông tấn Pháp AFP là lãnh đạo của tổ chức này, bà Aung San Suu Kyi, có khả năng ra tranh cử nghị viện sắp tới. Trong cuộc bầu cử này, cử tri Miến Điện sẽ bầu lại 40 nghị viên tại Thượng và Hạ viện.



Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Miến Điện đã bị giải tán cách nay một năm rưỡi và đã tẩy chay cuộc tuyển cử hồi tháng 11/2010 nhưng đảng đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đang xem xét khả năng xin đăng ký hoạt động trở lại.

Gần đây chính quyền Nayppyidaw đã sửa đổi luật điều hành các hoạt động chính trị, nhờ vậy Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi có thể trở lại sân khấu chính trị Miến Điện. Luật sửa đổi cho phép các nhân vật từng bị cầm tù được quyền tham gia các đảng phái chính trị và cho phép dư luận chỉ trích Hiến pháp của năm 2008. Văn bản này còn được gọi là « lộ trình dân chủ hóa » đất nước đã được thông qua vài ngày trước khi trận bão Nargis ập vào Miến Điện. Tới nay lộ trình dân chủ hóa nói trên vẫn gặp phải sự phản đối từ phía đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ.

Trước mắt, chính quyền Miến Điện chưa thông báo chính thức thời điểm tổ chức bầu cử bán phần. Chỉ biết là cử tri sẽ bầu lại 40 dân biểu tại Thượng và Hạ viện. Gương mặt đối lập hàng đầu là bà Aung San Suu Kyi có khả năng ra tranh cử tại khu vực ngoại ô Rangoon để giành chiếc ghế do dân biểu Aung Kyi đã bỏ trống sau khi ông trở thành bộ trưởng Lao động Miến Điện.

Sau bảy năm bị quản thúc tại gia, bà Aung San Suu Kyi đã được trả tự do vào tháng 11/2010, một tuần lễ sau cuộc tuyển cử tại Miến Điện.



Việt Nam và Chilê ký thỏa thuận mậu dịch



Hôm qua, 11/11/2011, trước khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương - APEC, tại Honolulu, tổng thống Chilê Sebastian Pinera và chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký một thoả thuận bãi bỏ thuế quan đối với hàng ngàn mặt hàng. Được thảo luận từ năm 2006 đến nay, việc bãi bỏ hàng rào thuế quan sẽ thúc đẩy mạnh mẽ trao đổi thương mại giữa hai nước.

Nguyên thủ hai nước đến Hawai tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC và đã có cuộc gặp gỡ song phương.

Tổng thống Sebastian Pinera cho rằng Chilê không chỉ chú trọng đến trao đổi hàng hóa, mà còn quan tâm đến lãnh vực dịch vụ và đầu tư.

Thỏa thuận vừa ký kết bãi bỏ thuế đối với hơn 9 000 mặt hàng, theo một lịch trình gồm nhiều giai đoạn. Trong vòng 3 năm sắp tới, hai bên sẽ dành cho nhau những điều kiện ưu đãi trong lãnh vực đầu tư và dịch vụ.

Chilê là nước xuất khẩu hàng đầu về quặng mỏ, còn Việt Nam rất mạnh trong địa hạt thủy sản và hàng may mặc.

Cùng với 7 nước khác, cả Việt Nam và Chilê đều tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, một cơ chế đang được Hoa Kỳ thúc đẩy nhằm thành lập một vùng tự do mậu dịch rộng lớn hai bên bờ Thái Bình Dương.

Theo số liệu của Chilê, trong năm 2010, nước này đã xuất sang Việt Nam 231 triệu đô la hàng hóa, trong lúc Việt Nam bán qua quốc gia Nam Mỹ này 107 triệu đô la. Thương mại giữa hai bên đã tăng 40% so với năm trước.



Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Mỹ sẽ gởi quân sang Úc phòng ngừaTrung Quốc



TT Mỹ và thủ tướng Úc
tại thượng đỉnh Cannes 2011
Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nhân chuyến công du nước Úc vào tuần tới thông báo gởi Thủy Quân Lục Chiến sang đóng tại Darwin. Sự kiện Hoa Kỳ đưa các đơn vị tác chiến sang Úc là một bước thay đổi lớn về mặt địa lý chiến lược. Theo báo chí Úc, đây là dấu hiệu cho thấy có mối quan ngại càng ngày càng lớn trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Theo nhật báo Sydney Morning Herald, ngày 16/11/2011 Tổng thống Mỹ sẽ đến thủ đô Canberra và sau đó lên thành phố Darwin ở vùng cực bắc nơi mà ông sẽ thông báo thành lập một căn cứ quân sự cho Thủy Quân Lục Chiến Mỹ.

Từ trước đến nay Hoa Kỳ chỉ có một số hoạt động giới hạn tại Úc kể cả tại trung tâm vệ tinh tình báo gần Alice Spring.

Sự kiện Hoa Kỳ đưa các đơn vị tác chiến sang Úc là một bước thay đổi lớn về mặt địa lý chiến lược.

Giới lãnh đạo chính trị Úc tuy từ chối bình luận về thông tin này nhưng cũng không phủ nhận. Ngoại trưởng Kevin Rudd giải thích là hãy để cho lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước chính thức loan báo kế hoạch « hợp tác quốc phòng giữa hai đồng minh ». Ông nhấn mạnh là « an ninh quốc gia » của Úc gắn liền với « liên minh quốc phòng vững chắc với Hoa Kỳ ».

Được AFP đặt câu hỏi, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ George Little cũng tuyên bố một cách khéo léo : "Úc là bạn và đồng minh của Mỹ, do vậy hai bên sẽ tiếp tục hợp tác và tăng cường quan hệ quân sự ».

Một nhật báo khác của Úc, The Autralian cho biết thêm là ngoài Darwin, nhiều địa điểm khác đang được Hoa Kỳ và Úc nghiên cứu trong đó có Perth ở phía tây.

Nếu Darwin được chọn thì lực lượng Hoa Kỳ sẽ đồn trú trong căn cứ Robertson Barracks. Nơi đây cũng là hậu cứ của khoảng 4500 quân Úc.

Kế hoạch này sẽ thắt chặt quan hệ đồng minh quân sự từ 60 năm qua và củng cố sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Châu Á.

Trong diễn văn đọc tại cuộc hội thảo quốc phòng vào ngày hôm nay 11/11/2011, bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith nhận định là trong tương lai sẽ có « thêm nhiều cuộc thăm viếng của chiến hạm, của máy bay quân sự cũng như sẽ có nhiều cuộc tập trận chung tại bắc Úc và tích trữ trang bị quân sự ».

Hiện nay, trong vùng Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã có hai căn cứ lớn tại Okinawa và Guam. Tại sao quân đội Mỹ lại cần thêm căn cứ tại Úc ?

Báo chí Úc và các nhà phân tích cho rằng « đối tượng » của dự án này là mối đe dọa của Trung Quốc.

Bắc Kinh mỗi năm mỗi tăng ngân sách quốc phòng và gấp rút tăng cường vũ khí. Vụ thử nghiệm hàng không mẫu hạm đầu tiên hồi tháng 8/2011là một hình thức để Trung Quốc bày tỏ tham vọng trên biển đã gây phản ứng lo ngại từ các nước trong vùng cho đến tận Hoa Kỳ.

Theo chuyên gia Georffrey Garrett, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại đại học Sydney thì “Trung quốc là một đối tượng quan trọng của Hoa Kỳ và Úc”.

Chiến lược đối phó của Washington dựa trên hai cột trụ : thứ nhất là củng cố quan hệ với đồng minh và với các nước bạn trong vùng để đề phòng sức mạnh quân sự của Trung Quốc biến chất.

Cột trụ thứ hai là « xây dựng một cấu trúc kinh tế khu vực dựa trên cơ sở kinh tế thị trường của Mỹ và Úc để về lâu về dài Trung Quốc có thể gia nhập. Tuy rằng Bắc Kinh vẫn còn do dự vì không muốn phải cải cách nội bộ ».






Dự luật trừng phạt các cựu quan chức cộng sản Hungary



Quốc hội Budapest
Dirk Bayer/wikimedia.org
Liên minh cầm quyền cánh hữu tại Hungary đang soạn thảo và đề xuất một số đạo luật với nội dung trừng phạt các lãnh đạo chế độ cộng sản cũ. Một phần công luận và chuyên gia Hungary cho rằng, những quyết định đó vừa khó thực hiện, vừa không mấy đạt được mục đích.


Thông tín viên Hoàng Nguyễn-Budapest 11/11/2011
(09:30)




Trừng phạt những thủ phạm chủ chốt thời 1956

Mang tên “lex Biszku”, một đạo luật đã được đảng cầm quyền Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ soạn thảo và chuẩn bị trình lên Quốc hội, tạo điều kiện để truy trách nhiệm hình sự những kẻ từng tham gia vào làn sóng đàn áp nhân dân sau cuộc cách mạng dân chủ mùa thu 1956.

Ðại diện cho đảng FIDESZ, dân biểu Gulyás Gergely cho hay, đạo luật sẽ chỉ ứng với một nhóm rất nhỏ, cụ thể là những kẻ đã đưa ra “đơn đặt hàng” trong những cuộc đàn áp, hoặc những nhân vật gạo cội của nền tư pháp, khi đó đã tham gia thực hiện làn sóng thanh trừng. Trả lời câu hỏi của giới ký giả, ông Gulyás cho hay, cùng lắm là có vài chục người như vậy, nhưng cũng có thể chỉ độ chục người.

Trong số đó, chắc chắn có ông Biszku Béla, năm nay đã 90 tuổi, người mà trường hợp của ông ta đã là lý do để giới lập pháp ra đạo luật này. Nhắc lại, trong 4 năm giữ chức Bộ trưởng Nội vụ sau cách mạng 1956: Biszku được coi là người trực tiếp chỉ đạo chiến dịch đàn áp của chính phủ mới, với chừng 300 án tử hình và 20.000 án tù đày dành cho những người tham gia cuộc cách mạng.

Cuối năm ngoái, Biszku Béla đã bị truy cứu hình sự do những phát biểu theo hướng công khai phủ nhận những tội ác của thể chế cộng sản thời 1956 và do đó, ông ta phải đối mặt với bản án tù giam tối đa 3 năm.

Cơ sở của hình phạt này, là một điều khoản được sửa đổi trong Bộ Luật Hình Sự (BLHS), theo đó, có thể phạt tù giam tối đa 3 năm đối với người nào công khai phủ nhận, tỏ ra nghi ngờ hoặc cho rằng tội ác diệt chủng của các thể chế Quốc xã và Cộng sản - cũng như các tội ác chống nhân loại khác - là “không đáng kể”.

Tuy nhiên, với đề xuất mới nhất mới đây, đảng FIDESZ muốn tạo ra một đạo luật riêng rẽ, chứ không nằm trong BLHS, trên cơ sở thừa kế nguyên tắc những tội ác chống lại sự nhân bản sẽ không bao giờ hết thời hiệu.

Nhìn lại lịch sử, khái niệm những tội ác chiến tranh chống hòa bình và chống nhân loại đã được nêu ra bởi Tòa án Quân sự Nürberg thời sau Ðệ nhị Thế chiến, và Công ước năm 1968 của Liên Hiệp Quốc (ký tại New York) cũng quy định rằng những tội ác kể trên không bao giờ hết thời hiệu. Hungary cũng phê chuẩn Công ước và năm 1971, nước này cũng ra một Pháp lệnh với nội dung như vậy, nhưng theo dân biểu Gulyás, Pháp lệnh này chưa thực sự trở thành một phần của nền luật pháp Hungary.

Bởi lẽ, điều khoản có liên quan của BLHS chỉ nói rằng các tội ác chống nhân loại không bao giờ hết thời hiệu, nhưng không đả động đến các tội ác chống lại sự nhân bản, mà theo đảng FIDESZ là một khái niệm khác, và ứng với trường hợp những cuộc đàn áp diễn ra sau khi cách mạng 1956 thất bại.

Ông Gulyás cũng nhận định rằng dự luật mới theo FIDESZ sẽ không vi hiến vì theo một quan điểm xưa của Tòa án Hiến pháp, việc thực hiện những bổn phận quốc tế khiến các tội ác chống sự nhân bản không bao giờ hết thời hiệu không vi phạm khái niệm hồi tố trong luật pháp.

Ðược biết, sau khi đạo luật có hiệu lực pháp luật, nhóm dân biểu FIDESZ trong Quốc hội sẽ “thực hiện những biện pháp cần thiết”, theo lời ông Gulyás. Nói đến mức độ nghiêm trọng của hình phạt, vị dân biểu này cho hay khoảng thời gian dài đã trôi qua đương nhiên là tình tiết giảm tội, và khẳng định: “Chúng tôi không muốn trả thù mà muốn công lý được tái lập tại Hungary, như tại da số các quốc gia cộng sản một thời”.

Một số ví dụ quốc tế cũng đã được đưa ra trong quá trình soạn thảo đạo luật. Chẳng hạn, năm 2009, một công tố viên nhà nước Czech đã bị án tù giam vì vai trò trong các vụ án ngụy tạo thời thập niên 50. tại nước Ðức thống nhất, nhiều lãnh tụ thượng đỉnh một thời cũng bị tòa kết án vì đã tham gia vào quá trình đưa ra quyết định lính biên phòng có thể sả súng bắn những người vượt biên.

Ðánh vào lương bổng hưu trí

Không chỉ nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự, nhóm dân biểu FIDESZ còn đề xuất việc soạn thảo một đạo luật mới, cho phép “điều chỉnh” lại lương hưu của một số cựu lãnh đạo thời cộng sản, mà họ cho là “cao quá mức”. Ðây là một vấn đề cũ, từng được đảng cực đoan JOBBIK đề xuất vào cuối năm ngoái, kèm một danh sách những người bị coi là có vai trò quan trọng trong thể chế cũ, và cần bị cắt giảm lương hưu đến mức tối thiểu.

“Cảm hứng” của các nhà làm luật trong sáng kiến mới này cũng vẫn bắt nguồn từ trường hợp cựu Bộ trưởng Nội vụ Biszku Béla: sau biến cố 1989, ông này sống yên ổn và không bị ai quấy rối tại biệt thự tại Đồi Hoa hồng, khu “thượng lưu” ở Budapest, với mức lương hưu năm 2010 là 240.000 Ft, tức là gấp 3-4 lần mức lương hưu của một người dân bình thường.

Ðược đưa ra trong chương trình nghị sự của Quốc hội Hungary tháng 11 năm ngoái, rốt cục, đề xuất của đảng JOBBIK được đánh giá là “theo hướng tốt”, nhưng cách thực hiện trong thực tế thì gặp phải rất nhiều vấn đề, nên tạm thời vấn đề bị để sang một bên, cho dù các đảng phái khác trong Quốc hội có hứa hẹn sẽ sửa đổi, chỉnh lý để đưa lại vào chương trình nghị sự.

Nói về dự thảo luật mới do FIDESZ đề xuất, dân biểu Lázár János cho biết: đảng cầm quyền muốn đưa ra một loại thuế mới - gọi bằng cái tên “thuế đền bù” - nhằm vào lương hưu của các quan chức cộng sản cũ, cũng như, của những người đứng đầu các tổ chức “ngoại vi” của chế độ cũ. Khoản tiền thu được từ đó sẽ được dành để trợ giúp các nạn nhân của cuộc cách mạng 1956 cũng như gia đình, thân nhân họ, thông qua các tổ chức từ thiện có liên quan.

Ðược biết, theo dự luật, ngoài các lãnh tụ đảng, các thành viên lãnh đạo của Ðoàn Thanh niên Cộng sản (KISZ), của cơ quan mật vụ chính trị (ÁVH)... cùng nằm trong tầm ngắm của dự luật mới này. Trong giai đoạn soạn thảo, đảng FIDESZ đã tham khảo kinh nghiệm về mặt pháp luật trong vấn đề này của một số quốc gia cộng sản cũ, như Ba Lan hoặc Cộng hòa Czech.

Luật mới, nếu được phê chuẩn, sẽ phù hợp với bản Hiến pháp mới có hiệu lực pháp luật từ ngày 1-1-2012. Dự tính, mức “thuế đền bù” được tính toán sao cho, khoản lương hưu của các quan chức thể chế trước vẫn còn được ở mức gấp đôi mức lương hưu tối thiểu do nhà nước quy định.

Ý kiến của công luận và giới chuyên môn

Công luận Hungary có những ý kiến nhiều khi trái ngược nhau, quanh câu hỏi có cần trừng phạt những thủ phạm chính thời cộng sản thông qua những đạo luật, những hình thức khác nhau như vậy hay không. Tu nhiên, có thể coi quan điểm sau đây của sử gia Eörsi László, làm việc tại Học viện 1956, là tiêu biểu.

Trả lời mạng tin index.hu, ông Eörsi cho rằng, “đương nhiên, những thủ phạm chính của các cuộc đàn áp, thanh trừng đã hoàn toàn thoát tội, đã không bị truy cứu trách nhiệm kể cả về mặt đạo đức, và đó là điều không đúng đắn”. Theo nhà sử học, sau biến cố 1989, những nỗ lực theo hướng trực diện và truy tội các quan chức chế độ cũ đã không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của xã hội, nhưng cho đến nay, đa phần là nhờ chiến dịch chống cộng mạnh mẽ của cánh hữu và cực đoan, tình thế đã đổi khác.

Tuy nhiên, sử gia Eörsi nhận định, sau 20 năm mới khởi đầu sự truy cứu hình sự thì là điều quá chậm trễ và không may mắn. Thời gian rất dài đã trôi qua, những bằng cứ cũng khó được thu thập, và về mặt pháp luật, không đơn giản để đồng bộ hóa những bộ luật đang có, để có thể trừng trị trong thực tế những hành vi xảy ra nhiều năm trước đây.

Ðối với “sáng kiến” giảm lương hưu của những lãnh tụ thời trước, nhiều câu hỏi thực tiễn được đặt ra: ai có thể được coi là quan chức ở mức cần giảm lương? Tìm họ ở đâu sau ngần ấy năm, vì ngay chính quyền cũng không biết, ai còn, ai mất? Mực giảm lương thế nào cho phù hợp và chấm dứt tình trạng bất hợp lý và thiếu công bằng, khi những cựu “đao phủ” lại sống dư dật hơn nạn nhân của họ? Ðây là chưa kể, đạo luật mới phải được soạn thảo làm sao có thể thực hiện được trong thực tế, và qua được những phép thử của sự hợp hiến.

Một điều chắc chắn: với đại đa số hơn 2/3 số phiếu trong Quốc hội, Liên minh cầm quyền chắc chắn sẽ làm được điều họ muốn, và thông qua các đạo luật nói trên. Trong tình cảnh khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, việc một số - không lớn - những quan chức cộng sản cũ bị giảm lương hoặc bị trừng phạt trước vành móng ngựa, dù không đem lại bao nhiêu doanh thu cho nhà nước, cũng là một liệu pháp tinh thần hữu hiệu đối với một số cá nhân và giai tầng trong xã hội.

Có điều, xét về dài hạn, sự ra đời chớp nhoáng và có thể chưa được suy tính kỹ của những đạo luật đó có thể tạo nên ảnh hưởng, dư chấn trong xã hội, trong lòng người ở mức như thế nào - đó là điều không ai có thể lường trước được!



Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền




Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Kurt Campbell,
chủ tịch VN Trương Tấn Sang và bà Clinton
Reuters
Ngày 10/11/2011, tuyên bố tại Trung tâm Đông –Tây ( East- West Center ) tại Hawai, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết : « Chúng tôi đã nói rõ cho Việt Nam rằng nếu muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược, như mong muốn của hai nước, Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc tôn trọng và bảo vệ các quyền của công dân ».

Ngoại trưởng Clinton tuyên bố như trên trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ( APEC ) tại Honolulu, Hawai. Trên nguyên tắc ngày 10/11/2011, bà Clinton đã gặp chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, hiện có mặt ở Hawai để dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Mỹ và Việt Nam cũng vừa kết thúc hai ngày đối thoại thường kỳ về nhân quyền tại Washington.

Một giới chức tham dự cuộc đối thoại về nhân quyền này ( xin được giấu tên vì tính chất tế nhị về ngoại giao ) mô tả các cuộc thảo luận là « tôn trọng, nhưng rất thẳng thắng ». Hai phái đoàn đã nói về vấn đề các tù chính trị, quyền tự do tôn giáo đối với các tín đồ Phật giáo và Thiên chúa giáo, những hạn chế đối với giới luật sư và xã hội dân sự nói chung.

Phía Mỹ cũng đã nêu lên những hạn chế về truy cập Internet ở Việt Nam cũng như các vụ tấn công tin học nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền. Phái đoàn Hoa Kỳ còn đề cập đến những trường hợp cụ thể các tù chính trị như linh mục Nguyễn Văn Lý, đã trở vào tù tháng 7/2011, sau khi được tạm hoãn thi hành án để chữa bệnh. Giới chức Mỹ nói trên cho biết là phái đoàn Việt Nam đã không trả lời một cách thỏa đáng những điểm mà phía Hoa Kỳ nêu lên về trường hợp của cha Lý.

Chính quyền tổng thống Barack Obama vẫn thường xuyên thúc giục Việt Nam có những tiến bộ về nhân quyền, nhưng vẫn tăng cường nhanh chóng quan hệ với Hà Nội, điều mà cả hai nước đều cần, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.







RSF phản đối bản án hai môn đồ Pháp Luân Công Việt Nam


Cuộc tọa thiền ôn hòa
trước Lãnh sự quán Trung Quốc,
Sài Gòn
Tổ chức Phóng viên Không biên giới Reporters Sans Frontières RSF lên án phiên tòa và bản án nặng nề nhắm vào hai nhà báo nhân dân Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành. Cả hai bị xử phạt 2 năm và 3 năm tù trong phiên xử chớp nhoáng ngày 10/11/2011. RSF chỉ trích Việt Nam xử án hộ Trung Quốc.



Trong bản thông cáo báo chí phổ biến ngày 11/11/2011, Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF có trụ sở tại Paris-Pháp cho biết rất phẫn nộ đối với bản án ngày hôm qua tại Hà Nội, trừng phạt anh Vũ Đức Trung 2 năm tù và anh Lê Văn Thành 3 năm tù.

Reporters Sans Frontières gọi đây là một bản án « nhục nhã và nghiêm khắc ». RSF nhấn mạnh là đã từng cảnh báo Tư pháp Việt Nam không nên lạm dụng luật pháp. Hành động phát thanh một chương trình không phải là tiếng Việt, không dành cho thính giả Việt Nam, nếu không xin phép, chỉ có thể bị xem là « vi phạm hành chính » chứ không phải là tội ác.

Theo RSF, khi tuyên bản án nặng nề với hai nhà báo nhân dân Việt Nam, chính quyền Việt Nam đã chứng tỏ rằng họ đang « tiếp vận mối căm hờn của chính quyền Trung Quốc », đối tượng mà các chương trình phát thanh của đài Tiếng Nói Hy Vọng, phát đi từ biên giới Việt Nam, chỉ trích.

Từ tháng 4/2009 cho đến khi bị bắt hồi tháng 6/2010, hai anh Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành lập một đài phát thanh đặt ở huyện Sóc Sơn phát về Trung Quốc với nội dung phát huy phái thiền khí công Pháp Luân Công mà môn đồ bị Bắc Kinh trấn áp thẳng tay.

Luật sư Trần Đình Triển yêu cầu công tố dẫn chứng các đạo luật nào của Việt Nam cấm phát thanh về Trung Quốc nhưng không được trả lời.

Phóng viên Không biên giới kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép, buộc Hà Nội trả tự do cho hai anh Vũ Đức Trung , Lê Văn Thành và tất cả những nhà báo, blogger bị giam cầm vì chính sách đàn áp của Việt Nam.

Vào ngày xử án, công an Hà Nội cũng bắt đi khoảng 30 môn đồ Pháp Luân Công tọa thiền trước sứ quán Trung Quốc.






Phi Vũ Tình gửi anh Thắng đang hôn mê, Phạm, Dũng. Anh em tham gia biểu tình



Hắn nắm đầu anh, hắn đánh đập
Hắn nắm chân anh, hắn kéo lê
Nhưng lòng anh là chông công lý
Đâm mũi nhọn thấu tim lũ súc sinh
Cái lũ đệ tử thằng chết sình
Cái thứ mạ lỵ nó hành dân
Anh không sợ, dù đau đớn
Anh không lo, cho bản thân
Tiếng anh hét giữa thành Hà Nội
Là tiếng sĩ phu của non sông
Tiếng gọi quê hương vạn cánh đồng
Tiếng kêu yêu nước hơn tố phong
Anh hát cùng tôi khúc hoan ca
Chia sẻ với tôi lê dân xa
Trái tim anh là dòng máu nóng
Của sử tri Nam quốc sơn hà
Bình minh vụt tắt ánh mắt tôi
Lòng tôi đau xót, lệ chia phôi
Anh vẫn nằm đó, vẫn nằm đó
Nằm trong chờ mong của mọi người
Tỉnh lại đi anh, hãy mở mắt
Để mai ta thấy một ánh dương
Ánh dương mới của trời Nam yêu thương





+++++++++++++++


CA mặc sắc phục đứng nhìn và nói : " Thôi không cần đánh nữa, lôi chúng nó đi.

"TIN KHẨN : Đánh đập, bắt giữ người yêu nước --> ...Anh Lã Việt Dũng bị 4 người khiêng đi (mỗi người 1 tay 1 chân cho lên ô tô). Anh Nguyễn Lân Thắng bị túm tóc đẩy đi; anh Chinh Pham bị đẩy đi rất thô bạo. Tại hiện trường có nghe thấy tiếng bộp rất to như là bị đánh. Sau đó anh Chính hô lên không được đánh người, họ cưỡng chế tất cả về đồn Quận Hà Đông. Hiện băng ghi âm và video quay được đang được xử lý để đưa lên mạng...



Công an lại thẩm vấn và câu lưu một số người tại Hà Nội



Công an Việt Nam đối mặt
với người biểu tình chống Trung Quốc
DR
Theo các nguồn tin từ trong nước, ngày 11/11/2011, công an Việt Nam triệu tập blogger Lê Dũng, nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh và luật sư Lê Quốc Quân lên cơ quan an ninh iđiều tra Công an Hà Nội để thẩm vấn.


Ngoài ra, lực lượng an ninh đã dùng vũ lực để bắt về trụ sở công an quận Hà Đông các anh Lã Việt Dũng, Phạm Chính, Nguyễn Lân Thắng. Theo blogger Nguyễn Xuân Diện, trong lúc bị công an bắt, anh Nguyễn Lân Thắng đã bị va chạm và choáng ngất, phải đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và tình trạng dường như đang rất nguy kịch.

Cũng về nhân quyền, chiều ngày 10/11/2011, tại Hà Nội, nhà giáo Vũ Hùng đã bị công an sách nhiễu và bắt đưa về phường làm việc, với lý do vi phạm lệnh quản chế sau khi mãn hạn tù, nhưng ông đã không ký vào các biên bản của công an.

Vì đã tham gia đấu tranh dân chủ, treo biểu ngữ chống tham nhũng, phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, nên ông Vũ Hùng đã bị bắt vào năm 2008 và bị kết án 3 năm tù giam. Đến tháng 9/2011, thầy giáo Vũ Hùng mãn hạn tù, nhưng phải bị quản chế ở địa phương.

Trước đó, ngày 08/11/2011, công an đã đến khám xét, thu giữ máy móc và tài liệu của gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Hôm qua, ông Huỳnh Ngọc Tuấn và hai người con là Huỳnh Thục VyHuỳnh Trọng Hiếu đã bị mời lên Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Nam để làm việc về việc « tàng trữ tài liệu chống phá Nhà nước". Thế nhưng, ba cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn đã từ chối lên làm việc. Theo tờ Người Lao Động, dù không có mặt các đương sự, công an đã mở các « tang chứng » là những cuốn vở và máy tính, trong đó có nhiều tài liệu, hình ảnh bị coi là có nội dung « bôi nhọ, phản động, chống phá Nhà nước ».

Vào năm 1992, ông Huỳnh Ngọc Tuấn đã từng bị phạt tù 10 năm với tội danh « Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam ».





Ấn Độ cân nhắc yêu cầu hỗ trợ quân sự của Việt Nam



Trọng Nghĩa

Lễ đón tiếp chủ tịch Việt Nam
Trương Tấn Sang tại New Delhi, Ấn Độ,
ngày 12/10/2011
REUTERS/B Mathur
Nhật báo Ấn Độ The Hindu, số ra ngày hôm qua, 09/11/2011 tiết lộ : Hà Nội đã đề nghị được New Delhi trợ giúp về mặt quân sự, chủ yếu là trong lĩnh vực hải quân. Theo một số nguồn tin chính thức, yêu cầu này đang khiến chính quyền Ấn Độ phân vân , vì không muốn đổ thêm dầu vào lửa trong quan hệ với Trung Quốc.

Đề nghị của Việt Nam do chính chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra, bao gồm bốn lĩnh vực : huấn luyện lực lượng sử dụng tàu ngầm, đào tạo phi công để lái loại chiến đấu cơ Sukhoi-30, hiện đại hóa một hải cảng chiến lược và chuyển giao tàu chiến cỡ trung. Việt Nam đã yêu cầu Ấn Độ cung cấp tên lửa hành trình BrahMos, đồng thời đề nghị New Delhi giới thiệu các nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ của Ấn Độ để Việt Nam lựa chọn.

Theo các nguồn tin của báo The Hindu, chủ tịch nước Việt Nam đã bỏ qua nghi thức lễ tân để tiếp xúc với các quan chức cấp cao Ấn Độ, và cho điều chỉnh lịch trình các chuyến bay của các viên chức này cho phù hợp với cuộc họp đột xuất.

Đối với Ấn Độ, việc đáp ứng các yêu cầu giúp đỡ của Việt Nam là dịp để cường quốc Nam Á này cảm ơn Hà Nội đã từng liên tục tích cực hỗ trợ New Delhi tại các diễn đàn đa phương, như Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN chẳng hạn.

Thế nhưng mặt khác, New Delhi không muốn khiêu khích Bắc Kinh thêm, trong bối cảnh yêu cầu của Hà Nội được đưa ra ngay sau khi giữa Ấn Độ và Bắc Kinh đã có lời qua tiếng lại, trong vụ tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC Videsh khảo sát dầu khí tại một khu vực của Biển Đông, mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.

Đối với Ấn Độ, việc giúp Việt Nam đào tạo phi công lái chiến đấu cơ Sukhoi 30 là điều dễ quyết định nhất. Lý do là Ấn Độ vừa hoàn tất một kế hoạch tương tự với Malaysia, một quốc gia Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, việc đáp ứng các yêu cầu khác đòi hỏi New Delhi phải cân nhắc nhiều hơn.

Giải thích về nguyên nhân cụ thể khiến chính quyền New Delhi thận trọng, các nguồn tin chính thức được báo The Hindu trích dẫn cho rằng Ấn Độ không muốn gây xích mích trong quan hệ với Trung Quốc, đúng vào lúc mà hai bên được dự kiến là sắp sửa ký một thỏa thuận nhằm dập tắt những căng thẳng xuất phát từ việc quân đội hai bên đối đầu với nhau khi đi tuần tra tại một số khu vực thuộc vùng gọi là « kiểm soát thực tế » (Line of actual control), tức là vùng biên giới có tranh chấp giữa hai nước.

Đặc biệt, Ấn Độ sẽ phải suy nghĩ chín chắn về hai yêu cầu của Việt Nam muốn được cung cấp loại tàu từ 1.000 đến 1.500 tấn để kiếm soát bờ biển dài của Việt Nam và nâng cấp cảng Nha Trang, gần cảng Cam Ranh trọng yếu. Mới đây, Bắc Kinh đã phát tín hiệu cảnh cáo New Delhi khi hải quân Trung Quốc sách nhiễu một chiến hạm Ấn Độ INS Airavat ngay sau khi chiếc tàu này rời cảng Nha Trang sau chuyến ghé thăm hồi tháng Bảy vừa qua.

Theo giới ngoại giao ở New Delhi, Ấn Độ sẽ phải dung hòa hai yếu tố. Mặc dù có quyền tự do phát triển quan hệ với các láng giềng thân cận, nhưng Ấn Độ không nên làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt vào thời điểm mà hai nước chuẩn bị gặp nhau về vấn đề biên giới, và vào lúc New Delhi cần Bắc Kinh ủng hộ trong việc xin gia nhập Nhóm các nhà Cung cấp Hạt nhân.

Công luận Ấn Độ ngược lại đã cho rằng Ấn Độ không nên tiếp tục e dè Trung Quốc. Thái độ nhẫn nhịn của New Delhi trong thời gian qua đã không ngăn cản Bắc Kinh bành trướng sự hiện diện của họ tại Pakistan, và cả tại các vùng lãnh thổ mà Ấn Độ đòi chủ quyền nhưng hiện do Islamabad kiểm soát, cũng như đặt cở sở tại vùng Ấn Độ Dương thuộc phạm vi ảnh hưởng của New Delhi. Hơn thế nữa, Trung Quốc gần đây còn thô bạo can thiệp vào quan hệ giữa Ấn Độ với các đối tác truyền thống, cụ thể là đối với Việt Nam.


Báo cáo mới về tác động môi trường của đập thủy điện Xayaburi tại Lào bị tố cáo là sai sự thật

Trọng Nghĩa

Trang bìa dự án công trình thủy điện Xayaburi
do nhà thầu thực hiện.
DR
Nhóm bảo vệ môi trường Sông ngòi Quốc tế (International Rivers) vào hôm qua, 09/11/2011, cáo buộc một công ty tư vấn Thụy Sĩ đã có những kết luận « sai lạc » khi đánh giá tích cực công trình thủy điện Xayaburi. Đây là con đập đầu tiên trên dòng chính sông Mêkông mà Lào dự trù xây dựng, nhưng bị các nước láng giềng và giới bảo vệ môi trường phản đối.


Theo báo cáo của công ty Poeyry Energy AG, đập Xayaburi ​​sẽ chỉ có tác động hạn chế trên môi trường của các nước hạ nguồn.

Tuy nhiên, theo bà Ame Trandem, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Tổ chức phi chính phủ Sông ngòi Quốc tế, trụ sở tại California, thì bản nghiên cứu của công ty tư vấn Thụy Sĩ đã « né tránh khía cạnh khoa học để thay thế bằng các phỏng đoán ».

Đối với bà Trandem, bản báo cáo do chính phủ Lào đặt hàng, đã « nhuộm xanh » tác động của con đập đối với ngành ngư nghiệp, và là « một cơ sở không phù hợp để có thể quyết định (xúc tiến việc xây dựng) đập thủy điện Xayaburi». Để dẫn chứng, chuyên gia của tổ chức Sông ngòi Quốc tế nêu bật hai ví dụ : báo cáo của Poeyry Energy không đề cập đến khả năng đập Xayaburi sẽ ngăn chặn đường di cư của cá, cũng như không hề đặt nghi vấn về đề nghị sử dụng các công nghệ chưa được kiểm nghiệm.

Xin nhắc lại là Xayaburi là công trình đầu tiên trong số hơn một chục đập thủy điện mà Lào, Cam Bốt và Thái Lan muốn xây dựng trên dòng chính sông Mêkông khu vực hạ nguồn. Tuy nhiên, công trình do chính phủ Lào giao cho nhà thầu Thái Lan Ch. Karnchang xúc tiến, đã khiến giới bảo vệ môi trường và các nước phía dưới con đập, nhất là Việt Nam, hết sức lo ngại, vì các tác hại tiềm tàng cho môi trường cũng như sinh kế của hàng triệu con người sống dọc bên sông.

Trước phong trào phản đối, và nhất là theo yêu cầu của Ủy hội Sông Mêkông, chính quyền Lào, hồi tháng Năm vừa qua, đã thuê công ty tư vấn Poeyry Energy xem xét lại các tác động môi trường của con đập, dẫn đến bản báo cáo hiện đang bị cực lực chỉ trích.

Sở dĩ giới bảo về môi trường phải lên tiếng lúc này, đó là vì từ ngày mồng 7 đến mồng 9 tháng 12 tới đây, Ủy hội Sông Mêkông sẽ họp lại tại Siam Reap (Cam Bốt) để xem xét khả năng bật đèn xanh cho công trình Xayaburi.

Vấn đề đáng ngại là bản báo cáo của công ty Thụy Sĩ vừa rất tích cực cho công trình, vừa thẩm định là chính quyền Lào hoàn toàn có quyền xúc tiến việc xây dựng, không cần phải chờ ý kiến của Ủy hội Sông Mêkông.

Đối với bà Trandem : « Lào và các nước khác trong vùng sông Mêkông sẽ rất là vô trách nhiệm nếu ủng hộ đập Xayaburi dựa trên những kết luận sai lạc của bản báo cáo này ».

Thậm chí bà Trandem còn tố cáo hiện tượng móc ngoặc giữa công ty tư vấn gọi là độc lập của Thụy Sĩ với chính quyền Lào và nhà thầu Thái Lan : « Không có gì đáng ngạc nhiên khi Lào mời Poeyry làm lính đánh thuê cho mình. Công ty này đã có một lịch sử lâu dài về việc tham gia vào các dự án gây tranh cãi trong khu vực sông Mêkông. Họ cũng có quan hệ chặt chẽ với tập đoàn xây dựng Thái Lan Ch. Karnchang, nhà thầu chính lo việc xây dựng đập Xayaburi. »

Theo bà Trandem : « Poeyry và Ch. Karnchang hiện đang làm việc với nhau trên một dự án thủy điện khác tại Lào, Nam Ngum 2. Do đó không có gì lạ khi Poeyry cung cấp cho đối tác làm ăn của họ một bản đánh giá tích cực (cho công trình Xayaburi), bất chấp các bằng chứng phản bác mạnh mẽ ».